Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy tại buổi giới thiệu hồi ký “Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát”. |
Năm nay bước vào tuổi 72, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy thực hiện sản phẩm này như một cách nhìn lại 60 năm gắn bó cùng sân khấu cải lương. “Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát” cũng là một gợi ý về phương pháp kể lại đời mình của những người nổi tiếng.
Trong bối cảnh sàn diễn cải lương đang gặp nhiều thử thách, những tên tuổi như Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy có bất cứ hoạt động nghệ thuật nào cũng góp phần kích hoạt sự quan tâm của công chúng.
Trước đây, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu từng phát hành cuốn sách “Chút tạ tình tri âm” dày hơn 250 trang, đã giúp độc giả hiểu thêm về một giai đoạn vàng son của cải lương. Bây giờ, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy tiếp tục bằng hồi ký đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của công chúng thời kỹ thuật số.
Cách kể “Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát” gồm 32 tập, để phát sóng trên Youtube là một thử thách đối với nghệ sĩ cao niên như Lệ Thủy. Thế nhưng, may mắn thay, bà có con trai là ca sĩ Dương Đình Trí hỗ trợ tích cực.
Người ta chỉ nhìn thấy một Lệ Thủy xiêm áo lộng lẫy trong các vai diễn, nhưng không ai hiểu được những lầm lũi cay đắng mà bà từng trải qua. Hồi ký đã làm công việc ấy, để những ai hâm mộ Lệ Thủy biết rằng bà từng sinh ra trong một gia đình rất khó khăn “người ta nói người nghèo ăn ngày nay lo ngày mai, còn nhà tôi ăn bữa sáng lo cho buổi chiều không có gạo mà ăn”.
Là chị Hai của bảy đứa em, Lệ Thủy sớm bỏ học để phụ mẹ chăm em. 12 tuổi, Lệ Thủy bước ra khỏi tấm màn nhung để chào khán giả. Thành công nhanh chóng, 16 tuổi thì Lệ Thủy được trao giải Thanh Tâm.
Từ đó đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy là một ngôi sao của nghệ thuật truyền thống đặc trưng Nam bộ. Bà không vướng scandal nào, bà sống êm ấm bên chồng và ba đứa con.
Hồi ký “Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát” có phải một sản phẩm ăn khách không? Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy chia sẻ: “Thú thật tôi không nghĩ ra sản phẩm này để buôn bán, lấy lại vốn.
Mục đích của tôi làm để kỷ niệm như một gia tài của gia đình. Sau này con cháu sẽ biết bà của mình là Lệ Thủy đã đi hát cải lương và trải qua những khó khăn như thế nào. Tôi cũng đâu biết xin tài trợ. Khi mà xin tài trợ thì rất là khó khăn, phải làm thủ tục và giấy tờ thì công ty mới chi tiền. Tôi sợ mang tiếng vì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra nên tự mình làm là tốt nhất!”.
Cách làm hồi ký của Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy hơi độc đáo, nên cũng chưa có công ty giải trí nào đồng hành. Ngược lại, những hồi ký của nghệ sĩ khác được phát hành dưới dạng cuốn sách thì có rất nhiều đơn vị xuất bản tranh nhau đầu tư in ấn rất công phu và quảng bá rất rầm rộ.
Hồi ký của Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương có tên gọi “Sống cho mình, sống cho người” và hồi ký của Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc có tên gọi “Tâm thành và lộc đời” đều có số lượng phát hành hàng vạn bản và bán đắt như tôm tươi, khiến các nhà văn chuyên nghiệp cũng phải ganh tỵ.
Tuy nhiên, khi hồi ký được cộng thêm bài toán kinh doanh, thì lại phát sinh không ít tình huống dở khóc dở cười. Thứ nhất, đơn đặt hàng của đối tác đã hình thành biên độ cảm xúc cho nhân vật muốn bộc bạch sự riêng tư.
Thứ hai, bản quyền giữa nghệ sĩ và người chấp bút hơi khó rạch ròi. Mọi chuyện hôm nay có thể êm thắm, nhưng ngày mai chẳng ai đoán được. Bởi lẽ, khi nghệ sĩ không còn nữa thì những thế hệ thừa kế sẽ chi phối ngược lại bản quyền và tranh chấp với người chấp bút là điều có thể mường tượng rõ ràng.
Hầu hết nghệ sĩ đều nhờ người chấp bút hồi ký, trừ những người có khả năng viết lách như Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh. Riêng ca sĩ Ái Vân, ban đầu nhờ người chấp bút, nhưng sau đó tự viết và có bạn bè hiệu đính dùm. Do vậy, cuốn hồi ký “Để gió cuốn đi” của ca sĩ Ái Vân có giọng điệu riêng biệt và hấp dẫn. Ngược lại, có không ít hồi ký của nghệ sĩ được chấp bút bởi một… nhóm tác giả, mỗi người viết một quãng đời, nên tổng thể cuốn sách hơi chệch choạc và rời rạc!
(Mời xem tiếp kỳ sau: Sống sao để kể lại?)