| Hotline: 0983.970.780

Hồi sinh cho mía đường

Thứ Tư 16/03/2022 , 07:45 (GMT+7)

THANH HÓA Cùng với giá mía nguyên liệu khởi sắc trở lại, các nhà máy đường cũng đang tìm cách xoay sở với nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành mía đường. 

LTS: Giá mía nguyên liệu tụt thấp kéo dài, diện tích giảm mạnh, cây mía đã trải qua một thời gian dài lao đao. Hiện nay, cùng với giá mía nguyên liệu khởi sắc trở lại, các nhà máy đường cũng đang tìm cách xoay sở với nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành mía đường. 

Diện tích teo tóp, nhà máy thoi thóp

Từ năm 2016, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã triển khai cánh đồng mẫu lớn. Năng suất mía ở những cánh đồng mẫu lớn có thời điểm đạt tới 110 tấn/ha, người trồng mía lãi lớn. Đây cũng là cách làm ở nhiều địa phương trong thời điểm ngành mía đường đang “thịnh”.

Nhiều thời điểm, mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trỗ cờ do các nhà máy thu mua chậm. Ảnh: VD.

Nhiều thời điểm, mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trỗ cờ do các nhà máy thu mua chậm. Ảnh: VD.

Tuy nhiên, cũng chỉ 1 - 2 năm sau đó, giá mía nguyên liệu “lao dốc” không phanh, nhiều hộ bỏ bẵng ruộng hoặc chuyển sang trồng sắn và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Cũng do ngành mía đường gặp khó khăn, nguyên liệu không đủ công suất và chưa tìm ra hướng đi mới, vài năm trước, Nhà máy đường Nông Cống (đóng trên địa bàn huyện Nông Cống) đã phải đóng cửa. Các nhà máy đường Việt Đài, Lam Sơn cũng hoạt động cầm chừng và phải tìm hướng đi để thích ứng với tình hình khó khăn chung.

Thời điểm cây mía cho hiệu quả kinh tế cao, người dân đổ vào đầu tư trồng, diện tích mía ở Thạch Cẩm (Thạch Thành) đạt 500ha nhưng niên vụ 2021 - 2022 chỉ còn 285ha. Nguyên nhân một phần do hiệu quả cây mía “xuống đáy", một phần không chịu nổi sự cạnh tranh của nhiều cây trồng khác, khiến nông dân chuyển một số diện tích đất đồi dốc kém hiệu quả sang trồng keo.

Những lý do này khiến diện tích mía không chỉ ở Thạch Cẩm và huyện Thạch Thành mà cả tỉnh Thanh Hóa cũng giảm nghiêm trọng. Từ một ngành thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, cây mía bị “hắt hủi”, thay vào đó, những loại cây trồng khác ngày một tăng mạnh về diện tích.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Cẩm cho biết, có thời điểm giá mía nguyên liệu chỉ còn 750 nghìn đồng/tấn. Nhà máy mía đường Việt Đài thanh toán tiền chậm khiến người trồng mía chán nản. Người dân không còn mặn mà với cây mía, trong khi đó nhiều giống mía bị nhiễm bệnh rệp nên diện tích, năng suất, sản lượng mía càng tụt mạnh.

Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thành, niên vụ 2021 - 2022, toàn huyện chỉ còn 3.000ha mía, giảm khoảng 1.000ha so với thời điểm 4 - 5 năm về trước. Toàn tỉnh Thanh Hóa cũng giảm diện tích từ trên 30 nghìn ha xuống hiện chỉ còn trên 10,5 nghìn ha.

Có một thời, cây mía bị 'hắt hủi', nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng mía sang các loại cây trồng khác. Ảnh: VD.

Có một thời, cây mía bị "hắt hủi", nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng mía sang các loại cây trồng khác. Ảnh: VD.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, không thể phủ nhận vai trò phát triển kinh tế của cây mía và ngành mía đường những năm qua. Cây mía vẫn sẽ là cây trồng chủ lực của tỉnh trong thời gian tới. Hằng năm, Thanh Hóa vẫn cố gắng duy trì diện tích mía cho các nhà máy nguyên liệu đủ công suất hoạt động. Diện tích mía những năm qua giảm do nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân đã chủ động chuyển đổi một phần diện tích trồng mía không hiệu quả sang các loại cây trồng khác.

Nhìn vào thực tế những năm qua, việc người dân “hắt hủi” cây mía cũng là điều dễ hiểu.

Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Thành cho biết, nguyên nhân diện tích, năng suất và sản lượng mía giảm rất mạnh là do 3 - 4 vụ liên tiếp, Nhà máy đường Việt Đài (đóng trên địa bàn huyện) thu mua với giá chỉ khoảng 750 - 800 nghìn đồng/tấn. Với giá mía này, nông dân không còn lãi là bao, nếu so sánh với những loại cây trồng khác thì thua xa.

Bên cạnh đó, khi ngành mía đường mất vị thế, các nhà máy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng không dám đầu tư nhiều cho các vùng nguyên liệu, dẫn đến nông dân phải “tự bơi”. Không thể trách nông dân thời gian quay lưng lại với cây mía.

“Năng suất 80 tấn/ha chưa phản ánh hết tiềm năng năng suất mía ở vùng đất này.

Có thời điểm, năng suất mía bình quân chung của Thạch Cẩm đã đạt gần 90 tấn/ha. Đang trong thời điểm giá mía nguyên liệu lên cao, các nhà máy mía nên chấp nhận phương án đầu tư cho nông dân để khuyến khích họ vực dậy diện tích.

Nhà máy đường Việt Đài vẫn thường thanh toán tiền mía cho nông dân chậm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đầu tư sản xuất của người trồng mía”, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thạch Cẩm đề nghị.

Đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm"

Đã có nhiều thời điểm, nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trỗ cờ do các nhà máy thu mua chậm. Người trồng mía cho biết, chưa bao giờ họ thất vọng như 3 - 4 năm vừa qua. Diện tích, năng suất và sản lượng mía trong 3 - 4 năm qua tại Thanh Hóa giảm nghiêm trọng.

Với việc ngành mía đường đang có những tín hiệu vui, các nhà máy mía đường đang có cơ hội để khôi phục lại vùng nguyên liệu. Ảnh: VD.

Với việc ngành mía đường đang có những tín hiệu vui, các nhà máy mía đường đang có cơ hội để khôi phục lại vùng nguyên liệu. Ảnh: VD.

Tuy nhiên, với việc các nhà máy thông báo giá mía niên vụ 2021 - 2022 bình quân đạt 1 - 1,1 triệu đồng/tấn, các nhà máy đặt vấn đề thu mua thông qua HTX, nhiều nông dân đã quay lại với cây mía. Các vùng nguyên liệu mía tại Thanh Hóa đang có dấu hiệu phục hồi

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND xã Thạch Cẩm (huyện Thạch Thành) cho biết, những niên vụ trước, năng suất mía ở đây chỉ khoảng 68 - 69 tấn/ha. 

Bước vào niên vụ 2021 - 2022, nghe tin Nhà máy đường Việt Đài thông báo giá mía từ 1 - 1,1 triệu đồng/tấn, nông dân Thạch Cẩm đã quay lại đầu tư cho cây mía. Nhờ vậy, năng suất mía tại Thạch Cẩm đạt 81 tấn/ha. Trong số 285ha mía tại Thạch Cẩm, có trên 70ha cánh đồng lớn, năng suất đạt 90 - 110 tấn/ha. Đến thời điểm đầu tháng 3/2022, toàn bộ diện tích mía đã được thu hoạch và người dân đang tổ chức trồng mới, chăm sóc mía lưu gốc.

Một thời gian dài, người dân Thạch Cẩm số chuyển mía sang cây trồng khác, diện tích còn lại đa phần là đất bãi bồi, do giá mía vẫn ở mức thấp nên người dân không mấy mặn mà chăm sóc. Tuy nhiên bước vào niên vụ 2021 - 2022, khi nhà máy thông báo giá mía sẽ tăng, người dân đã quay lại chăm bón và năng suất tăng lên rõ rệt.

Nông dân đang kỳ vọng vào một chu kỳ hồi sinh mới của cây mía. Ảnh: Võ Dũng.

Nông dân đang kỳ vọng vào một chu kỳ hồi sinh mới của cây mía. Ảnh: Võ Dũng.

"Năng suất mía tại Thạch Cẩm sẽ còn cao hơn nữa nếu nông dân đầu tư thâm canh và được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như các nhà máy mía đường. Nếu giá cao và có được giống mía chống chịu sâu bệnh tốt, sẽ không ai quay lưng với cây mía”, ông Nguyễn Đăng Hải nói.

Ông Nguyễn Đông Dương tại thôn Cẩm Lệ 1, xã Thạch Cẩm có hơn 2ha trồng mía thuộc cánh đồng lớn 70ha của xã. Ông Dương cho hay, bình quân, đầu tư 1ha mía hết 40 triệu đồng. Năng suất niên vụ 2021 - 2022 của gia đình ông đạt 90 tấn/ha. Với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn, gia đình ông lãi gần 50 triệu đồng/ha. Nếu giá mía duy trì ổn định, gia đình ông sẽ tiếp tục đầu tư trồng mía.

“Năm 2016, trên cánh đồng lớn này gia đình tôi trồng mía và từng đạt năng suất lên tới 120 tấn/ha. Trồng mía ở vùng đất này rất phù hợp nhưng điều căn bản vẫn phải là giá cả ổn định và ở mức có thể chấp nhận được. Nếu giá chỉ 730 - 750 nghìn đồng/tấn thì sẽ không ai trồng mía. Ở đây, những vụ trước có hộ chuyển sang trồng rau màu cũng hiệu quả nhưng khi nghe giá mía tăng, họ đã quay lại với cây mía”, ông Dương cho biết.

Ngành mía đường đang trên đường phục hồi, các nhà máy mía đường sẽ chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đặt ra cho ngành nông nghiệp và các nhà máy đường phải có nhiều chính sách để giữ chân người trồng mía.

Giá mía tăng lại đang giúp nông dân quay lại với cây mía. Ảnh: Võ Dũng.

Giá mía tăng lại đang giúp nông dân quay lại với cây mía. Ảnh: Võ Dũng.

Trước thực trạng trên, bước vào niên vụ ép 2021 - 2022, cùng với việc triển khai nhiều chính sách thiết thực, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung về giá thu mua mía và chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu...

Theo đó, Nhà máy mía đường Lam Sơn, Việt Đài phải có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu như đầu tư cho vay trả chậm phân bón, giống... Nhà máy mía đường Lam Sơn thu mua mía 1 tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng là 1.100.000 đồng/tấn, giá sàn là 1.000.000 đồng/tấn và sẽ thu mua với giá cao hơn trong niên vụ tiếp theo.

Tính đến cuối tháng 2/2022, nông dân Thanh Hóa đã thu hoạch gần hết diện tích mía nguyên liệu để bán cho các nhà máy trên địa bàn. Trong đó, Nhà máy đường Việt Đài thu mua khoảng 201 nghìn tấn; nhà máy đường Lam Sơn thu mua gần 400 nghìn tấn. Năng suất mía niên vụ 2021 - 2022 tại Thanh Hóa ước tính chỉ đạt khoảng 57 tấn/ha, kéo theo sản lượng mía cũng giảm sâu so với nhiều năm trước.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.