| Hotline: 0983.970.780

Hội thảo hoa, cây cảnh: Hội quần hùng của những chủ vườn lan đột biến!

Thứ Bảy 24/04/2021 , 11:41 (GMT+7)

Hầu hết các chủ vườn lan đột biến khủng khắp cả nước đã tụ hội trong sự kiện "bàn" định hướng phát triển hoa, cây cảnh tại Hà Nội.

Một phần đại biểu của hội thảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một phần đại biểu của hội thảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Đứa con” sinh ra nhưng không được nuôi dưỡng

Đó là hội thảo “Phát triển hoa cây cảnh-ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đồng tổ chức. Tuy có nội dung về hoa cây cảnh nhưng phần lớn 200 người đến dự đều là các chủ vườn lan đột biến nổi tiếng cả nước như vườn Lê Sơn, Hiển Oanh (Hòa Bình), Chính Trương, An Phú (Phú Thọ), Hai Beo (TP Hồ Chí Minh)…

Thậm chí hội thảo còn cởi mở khi mời cả những nhân vật tưởng như đối nghịch nhau như nước với lửa như PGS.TS Đặng Văn Đông-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả người năm ngoái tuyên bố lan đột biến nuôi cấy mô được và GS.TS Trần Duy Quý nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp người đưa ra lời thách thức có chủ vườn đặt ông Đông nuôi cấy 1.000 cây trong 4 năm trả ngay 10 tỉ.

Hoa, cây cảnh tuy là nghề truyền thống  của đất Việt nhưng dường như đến hôm nay nó vẫn là một “đứa con” được sinh ra nhưng không nuôi dưỡng dù đã có hẳn Nghị định 52 năm 2018 xếp vào 1 trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn. Dù vậy “đứa con” ấy vẫn lớn khá nhanh trong mấy năm gần đây. Những vùng trồng hoa, cây cảnh như Mê Linh, Tây Tựu, Hồng Vân (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên), Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi, Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh)…đều có thu nhập gấp 5-10 lần so với nhiều loại cây trồng khác.

Vườn lan đột biến của ông Nguyễn Bá Toan-Chủ vườn lan An Phú, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn lan đột biến của ông Nguyễn Bá Toan-Chủ vườn lan An Phú, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho hay thành phố có trên 6.000 ha chuyên canh hoa cây cảnh với 10 làng nghề truyền thống. Hà Nội cũng đã xác định một số loại hoa cây cảnh là sản phẩm chủ lực cần được khuyến khích gồm lan, hồng, lily và đào.

Đồng thời, đây cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận 8 sản phẩm OCOP hoa lan; Xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân huyện Thường Tín; Xây dựng tuyến phố văn minh thương mại sinh vật cảnh Vạn Phúc quận Hà Đông; Làm đường hoa nông thôn, phát động phong trào thêm hoa bớt rác…

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thì cả nước hiện có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh, tổng giá trị ước tính 23.400 tỉ/năm (tương đương hơn 1 tỉ USD), xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm. Như vậy so với năm 2.000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2020 đã tăng 6,6 lần, giá trị tăng 27,5 lần. Tốc độ tăng trưởng này là rất cao so với các ngành nông nghiệp khác.

PGS.TS Đặng Văn Đông-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Đặng Văn Đông-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong khi đó Việt Nam có nguồn tài nguyên khí hậu, địa hình, gen rất đa dạng, nguồn lao động dồi dào, có thị trường gần 100 triệu dân với trung bình mỗi năm mỗi người tiêu dùng xấp xỉ 45.000 đồng mua hoa, cây cảnh. Chọn hoa gì làm chủ lực? 

Gần đây vai trò của Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh ở nhiều nơi bị mờ nhạt, gần như không có tiếng nói. Hội không nắm rõ được các hội viên hoạt động như thế nào, không định hướng từ chính sách, chuyên môn đến thị trường...không cảnh báo những rủi ro, lừa đảo nên thị trường rối ren và tự phát. Trong khi đó mạng xã hội là môi trường kết nối hình thành hội nhóm nhiều lợi ích nhưng lại có nhiều rủi ro, thiếu minh bạch. Một số chủ vườn “thổi giá”, thêm vào đó truyền thông lại tung hoả mù càng hỗn loạn. 

Mơ về một cường quốc hoa

Nhưng sự phát triển hoa, cây cảnh đó nói chung còn chưa xứng với vị thế, tiềm năng. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn manh mún, tự phát, liên kết còn lỏng lẻo, thị trường còn xuất hiện những diễn biến phức tạp nhất là luồng ý kiến trái chiều về lan đột biến. Dư luận xã hội đang đánh đồng họ với kinh doanh đa cấp thậm chí là lừa đảo.

Vườn lan trên tầng thượng của nhà GS.TS Trần Duy Quý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn lan trên tầng thượng của nhà GS.TS Trần Duy Quý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo GS.TS Trần Duy Quý nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp thì có nhiều người kể cả nhà báo đang hiểu lầm về lan đột biến: “Chỉ trong 2 năm mà từ 1 chủng virus Covid 19 ở Vũ Hán đã đột biến ra khoảng 500 chủng khác nhau nên đột biến là quá trình tự nhiên, liên tục. Lan đột biến đầu tiên được người Việt phát hiện và chơi là 5 cánh trắng Phú Thọ vào năm 1972 và trở thành phong trào khoảng 10 năm nay chứ không phải mới.  

Tấm huy chương nào cũng có hai mặt, mặt đẹp và mặt xù xì. Bản thân lan đột biến không có tội, chỉ có một số người dùng nó để lừa đảo là có tội. Họ đã làm hình ảnh ngành lan xấu đi chứ trong 2 năm qua các nhà vườn đã ủng hộ cỡ 120 tỉ giúp cho việc chống dịch Covid 19, không hề ảo.

Chủ vườn Lê Sơn (Hòa Bình) trong phòng ươm ki của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chủ vườn Lê Sơn (Hòa Bình) trong phòng ươm ki của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều người hỏi tôi rằng cứ đổ xô vào lan đột biến thì bán cho ai nhưng ta cứ sản xuất, hoàn thiện nó cho đẹp đi đã sẽ có thị trường. Mấy năm trước tôi sang Trung Quốc họ còn bán một chậu địa lan đột biến tính ra tiền Việt cỡ 200 tỉ.

Về nuôi cấy mô, theo tôi, có thể thực hiện với các loại lan công nghiệp như hồ điệp, hoàng thảo hay dược liệu như lan gấm, thạch hộc tía, không đòi hỏi khuôn bông giống hệt cây mẹ. Còn nếu để chơi như lan đột biến thì nhân ki là chuẩn mực vì nó giữ nguyên được mặt bông bởi qua 4 năm nuôi cấy mô lan đột biến, tôi thấy sai về mặt hoa hết...”

Các chủ vườn lan nổi tiếng dự hội thảo. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Các chủ vườn lan nổi tiếng dự hội thảo. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Giữa lúc vị giáo sư đang nói, liên tiếp có những câu hỏi được gửi đến Ban tổ chức qua mạng, trong đó có cả câu hỏi của GS-TS Lê Huy Hàm nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, người kế thừa vị trí của ông.

Ông Quý lại làm một mạch: “Đột biến là nghề của tôi mấy chục năm qua, hoàn toàn có thể dùng các tác nhân hóa học hay phóng xạ để tạo ra đột biến. Tuy nhiên đa phần đột biến là có hại, chỉ có một phần rất nhỏ là có lợi cho sinh vật và cho chính con người. Đột biến nhân tạo muốn làm ra giống mới phải mất ít nhất 5, 10 năm thậm chí 20 năm. Còn đột biến tự nhiên qua hàng triệu năm đã tạo ra những giống lan 5 cánh trắng rất đẹp mà các đột biến nhân tạo không thể làm giống hệt được…”  

GS.TS Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lý giải tại sao Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất thế giới nhưng lại chưa thể trở thành một cường quốc hoa là do chưa tiếp cận chuỗi giá trị, chưa sản xuất theo yêu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng với giá cả cạnh tranh. Trên thực tế, cả nước mới có Đà Lạt đầu tư theo chiều sâu để phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất hoa.  

Còn PGS.TS Đào Thế Anh-Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong một cuộc trò chuyện riêng với tôi đã nhận định: “Sinh vật cảnh là một ngành đã được Chính Phủ coi là một ngành kinh tế trong nông thôn, tuy nhiên chưa có các thể chế quản lý để có thể phát huy được sức mạnh tiềm tàng trong phát triển. Nông thôn mới hiện nay và đô thị hoá theo hướng sinh thái cần có vai trò không thể thiếu của sinh vật cảnh để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh này.

Đối với các hiện tượng giá lan đột biến tăng cao trong thời gian qua, đó là hệ quả của hiện tượng chưa có các thể chế thị trường như hiệp hội để quản lý ngành, nhưng nó cũng cho thấy tín hiệu của giá trị đa dạng sinh học được thị trường thừa nhận trong một xã hội phát triển.

PGS.TS Đào Thế Anh (ngồi thứ hai, hàng đầu, bên phải) đang trao đổi với một chuyên gia.

PGS.TS Đào Thế Anh (ngồi thứ hai, hàng đầu, bên phải) đang trao đổi với một chuyên gia.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững rất cần thiết những người trong cuộc là nhà vườn, nghiên cứu thành lập hiệp hội. Hiệp hội có thể đề xuất với Nhà nước các chính sách phù hợp, quản lý minh bạch, có trách nhiệm ngành hoa lan và có trách nhiệm truyền thông về các hoạt động của mình. Có như vậy mới tránh được các thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngành.

Hiệp hội cũng có sứ mệnh phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm hay, thành lập các hội đồng định giá, đánh giá giá trị của các sản phẩm đảm bảo tính khách quan.”

Cũng trong thời gian hội thảo, đã ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam, ký cam kết đồng hành cùng chương trình trồng mới 1 tỉ cây xanh với số lượng tham gia ít nhất từ 100.000 cây trở lên.

Khi hình thành hiệp hội, sẽ là đơn vị thẩm định giá, yêu cầu hội viên phải chấp hành nghĩa vụ thuế, tuân thủ điều lệ, pháp luật; khai trừ người vi phạm và lừa đảo; kiện các cơ quan, cá nhân gây thiệt hại cho hội viên; làm cầu nối hợp tác quốc tế thúc đẩy xuất nhập khẩu…

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Chiếc lược ngà' bên dòng Bến Hải

Ngày vượt sông Bến Hải sang bờ Bắc nhận quân, cô du kích 18 tuổi ngoảnh mặt quay đi khi nghe tiếng gọi của một người du kích tuổi trung niên, tóc đã điểm bạc...

Bình luận mới nhất