| Hotline: 0983.970.780

Hồi ức một thời ở bưng biền kháng chiến

Thứ Bảy 20/08/2022 , 08:07 (GMT+7)

Các bạn trong đoàn hối tôi đi mau coi chuyện gì, để trễ con nước xuống ghe mắc cạn khó lòng lắm

Một sáng nước ròng lòi bãi trên con sông nước mặn đặc rật hang cua còng, thòi lòi ngang dọc cỡ con cá sấu mới đẻ lúc nhúc vô kể. Chúng tôi neo ghe cập bến giữa sông, hè nhau rượt bắt cua còng vui đùa như bọn trẻ chăn trâu rồi mới sửa soạn áo xống leo lên bờ. Ơi, quên mất cái tên đất đã đưa chúng tôi đến nơi này, nhưng tôi nhớ từng ngọn dừa tơ mới trồng bị nước mặn teo gốc cháy lá. Tôi nhớ cái nhà chưa có vách, những cột kèo nằm chất đống và những người nghệ sĩ tôi chưa từng quen ngồi trên đống cột kèo râm ran trò chuyện đang chờ chúng tôi.

 Gió đồng thông thống tư bề tứ phía, gió u u hú hú với những tên tuổi nghe ngồ ngộ mà họ sẽ là những bệnh nhân của chúng tôi. Không phải là chú Tám Kẹo, dì Hai Bánh, anh Tư Trục, bác Chín Móm… mà là Hà Mậu Nhai, Hoàng Phố, Truy Phong, Trần Thiện Liêm, Phương Điền, Khánh Vân, Xuân Mai… Coi như gom lại hết những người mà sau này chúng tôi biết và cảm thấy vinh hạnh cho mình, chớ lúc đó thì lạ hoắc lạ huơ, ai ai cũng bị chúng tôi bắt hả miệng khám xét thoăn thoắt như Charlot.

1 ky hoa huynh phuong dong

Ký họa bưng biền kháng chiến của Huỳnh Phương Đông.

Rốt cuộc rồi chúng tôi cũng “càn quét” sạch bóng hết cái sự nhức răng, tê buốt răng, chảy máu nướu của các văn nghệ sĩ. Có điều không giống những nơi chúng tôi từng qua; chẳng có mời mọc cháo vịt, cháo rắn, cá nướng trui gì hết, mà khẩn khoản mời mình ên tôi lên làm việc gấp.

Chúng tôi đang sửa soạn cho gánh hát “Sơn Đông” lui thuyền kịp con nước. Các bạn trong đoàn hối tôi đi mau coi chuyện gì, để trễ con nước xuống ghe mắc cạn khó lòng lắm. Tôi nhảy lên bờ, vừa đi vừa suy nghĩ, hay là họ phê phán thái độ phục vụ của chúng tôi, hay họ muốn mai mối gì với cô em nheo nhẻo của đoàn mà… chiều nào cũng có một anh nho nhã ngồi cà rà trước mũi ghe hoài tới tối mò? Hay là… Tôi “hay là” riết tới đụng đầu mấy ông đang ngồi chờ sẵn. Họ vô đề liền, rằng-thì-là lớp học bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sĩ của họ cũng sắp bế mạc, chương trình có một vở kịch, có vai… có vai… Họ ấp úng mãi mới nói có vai người đàn bà điên, bị giặc giết con thơ, mà chồng thì đi chiến trường… Họ nói lớp học này có nhiều chị em học, mà họ không có dáng khắc khổ ủ dột như tôi. Tôi không ngần ngại trả lời liền là tôi không biết diễn kịch, tôi đang đi chữa răng, nhổ răng cho đồng bào. Tôi chào đứng dậy từ biệt.

Vậy mà họ níu kéo, năn nỉ ỉ ôi tôi để rồi tôi phải… điên! Anh em trong đoàn Nha y lưu động khoái chí chịu ở lại muộn vài con nước để coi chị Năm “điên” chơi. Trời, cái tánh mềm yếu của tôi khiến tự dưng tôi hóa ra mạnh bạo một cách động trời.

Vai điên của tôi chỉ có chợt khóc chợt cười, ôm khúc chuối ru con, cào mặt thằng Tây và xỉu khi gặp chồng trở về từ chiến trường. Sau này tôi mới biết vở kịch đó của nhà văn Phạm Minh Hòa, thằng Tây là anh Hà Mậu Nhai, chồng tôi là Trần Thiện Liêm, số lính đi theo anh Nhai có anh Hoàng Phố… Người hóa trang mặt mũi cho tôi dính đầy lọ nghẹ và xé rách cái áo tôi teng beng là họa sĩ Tô Sanh (người anh thứ tư của tôi). Còn tôi thì không quen ai, không biết tên ai trước khi diễn, chỉ khi tập thử thì thằng Tây có dặn bà đừng cào mặt tôi mạnh quá nghen, còn “chồng” tôi thì dặn bà đừng “cười” dữ quá làm tôi sợ chết giấc à nghen!

Trước khi mở màn, anh Tô Sanh đưa cho tôi cái kiếng soi, biểu tôi soi đi rồi làm cho giống. Tôi bước ra sân khấu ngơ ngơ ngác ngác, có ai đó chỉ cho tôi ra gốc chuối bên trái sân khấu. Tôi nghe lời, dường như tôi đang “nhập tâm”. Chợt nhớ tới mấy người điên tôi gặp ở bến tàu, ngoài chợ Cà Mau, phần lớn là đàn ông, nhưng họ không ngậm điếu thuốc lá mà ngậm cục thuốc, miệng ăn trầu đỏ hoét, mặt mũi chân tay cháy nắng. Tôi chợt nhớ tới bà nội tôi (cháu xin lỗi bà, bà tha thứ cho cháu). Tôi nhớ bà tôi từng tướng đi, từng cánh tay bà khoát trong không khí, lúc bà dắt mấy thằng Tây ra phía chuồng heo cho nó bắt cộng sản, ai ngờ bà gạt nó, bà lấy cây sào chọt tổ ong. Ong túa ra đánh mấy thằng Tây chạy xuống tàu, chúng nó lôi bà theo, bắt bà xuống tàu. Chiều ba tôi lên đồn Tây lãnh bà về, đầu bà bị ong đánh, rờ đâu móp đó, má tôi nói cái đầu bà giống trái banh bằng bong bóng khô.

- Tây vô! Tây vô! Tôi giật mình đứng dậy, vẫy gọi thằng Tây tới gần, thình lình tôi cào mặt nó và cười khanh khách. Thằng Tây (Hà Mậu Nhai) sừng sộ lôi tôi, tôi vuột ra gốc chuối khóc hi hi rồi gào to: Trả con tôi đây! Trả con tôi đây! (Anh Hà Mậu Nhai nhỏ nhẹ nhắc tôi điên vừa vừa thôi, bà điên thiệt chắc tôi chết quá!). Lúc này du kích nhào ra đặc nghẹt sân khấu, kẻ giáo người mác la hét tá lả… Thằng Tây chạy trốn ra khỏi sân khấu. Và, Trần Thiện Liêm (chồng tôi) lừng lững xuất hiện. Tôi nhào tới cười, khóc rồi xỉu trong tay anh…

Sau này gặp lại anh Trần Thiện Liêm, anh cười hiền queo, trách tôi diễn xôm quá khiến ảnh không kịp nhập vai một tấm chồng!

1 le giang lu nhat vu

Vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ qua nét vẽ Nguyễn Đình Phúc.

Trong cuốn hồi ký “Trong sương gió” của nghệ sĩ Mai Quân có nhắc tới lớp học đó như sau: “Gần cuối năm 1951, Chi hội dời về đóng gần sông Đồng Cùng, trong một mảnh vườn toàn mãng cầu xiêm đang ra trái. Ít lâu sau, cấp ủy mở một trại nghiên cứu lý luận văn nghệ và sáng tác thể nghiệm (trại này kéo dài trên hai tháng, có tên lớp học – Hội Văn nghệ kháng chiến Nam bộ), địa điểm sát bên chi hội. Tôi còn nhớ giảng viên gồm các anh Hà Huy Giáp, Lưu Quý Kỳ, Trần Bạch Đằng, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Kim Cương… (Anh Ba Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ cũng có đến nói chuyện). Các anh chị văn nghệ sĩ các bộ môn khác gồm các anh tôi có kể bên trên, có thêm anh Thanh Bình – nhà thơ, anh Văn Luyện – nhạc sĩ và anh Thuật – họa sĩ ở Vĩnh Long (lối 30 vị). Tôi và Bùi Đức Ái chưa phải là văn nghệ sĩ nhưng nhờ ở chi hội, được dự thính.

Riêng có một trường hợp đặc biệt là chị Lê Giang. Nguyên năm đó, chị chưa phải là văn nghệ sĩ, chị phụ trách một toán nha y của Sở Y tế Nam bộ biệt phái đến chữa răng cho anh em. Rồi chị tham gia đóng kịch. Chị đóng quá hay, anh em đề nghị chị chuyển ngành, qua văn nghệ đúng sở trường hơn. Chị Lê Giang hiện là một văn nghệ sĩ nổi tiếng, có mầm mống đi văn nghệ từ đó, ít ai biết, trừ các anh chị đã tham gia lớp văn nghệ Đồng Cùng cuối năm 1951.

Trước đó một năm, bản vọng cổ hầu như bị cấm hát ở vùng giải phóng Nam bộ (lý do vì đánh giá âm điệu của nó quá ủy mị). Vì thế, dân tại Bạc Liêu, Cà Mau chế ra điệu nói thơ Bạc Liêu, có hơi hám giống vọng cổ (thơ lục bát) để đỡ ghiền khi nhớ bản vọng cổ. Việc cấm đoán này xem ra không hạp lòng dân, nhiều anh có trách nhiệm đặt vấn đề nên xem xét lại. Vấn đề được đưa ra lớp học nghiên cứu. Sau đó, có mấy anh được giao trách nhiệm soạn ra mấy bài vọng cổ và một vở cải lương ngắn có ca vọng cổ do Ngọc Cung chấp bút có tên “Nợ nước tình nhà” để làm thể nghiệm (từ đó về sau, bản vọng cổ và cả loại hình sân khấu cải lương không bị cấm nữa).

Riêng anh Dương Tử Giang xin về Bờ Đập, Bà Hính mười hôm để vận động các nghệ nhân hát bội ở đó tập lại vở “Trương Phi thủ cổ thành”. Trong buổi liên hoan tổng kết lớp học, một số vở được trình diễn: kịch nói vở “Ai giết con tôi” (Phan Vũ và Ngọc Cung), cải lương có ca vọng cổ vở “Nợ nước tình nhà” và hát bội có vở “Trương Phi thủ cổ thành” (vở xưa do Dương Tử Giang tập hợp nghệ sĩ và đứng ra tập dợt). Chính trong đêm diễn này, chị Lê Giang đã diễn xuất sắc vai chính người mẹ dám hy sinh đứa con nhỏ của mình để cứu các anh bộ đội khỏi bị phát hiện, sau đó chị bị điên loạn trong vở “Ai giết con tôi?”.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.