Tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) vừa diễn ra hội thảo bàn giải pháp quản lý sâu đầu đen gây hại dừa. Hội thảo do Sở NN-PTNT Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Chợ Gạo tổ chức. Gần đây, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen được ghi nhận tăng trở lại.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), sâu đầu đen hại dừa được phát hiện đầu tiên tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với diện tích nhiễm ban đầu là 2,4ha.
Đến tháng 10/2024, loài sâu nguy hiểm này đang gây hại tại 6 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang,Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang với diện tích dừa bị nhiễm gần 1.010ha. Ngoài ra, sâu đầu đen còn được ghi nhận xuất hiện tại Tây Ninh. Đến ngày 10/10, hai địa phương có diện tích bị sâu đầu đen gây hại lớn nhất là Bến Tre (594,7ha), Tiền Giang (279,3ha).
Tỉnh Tiền Giang có diện tích dừa 22.400ha, tập trung tại huyện Chợ Gạo (7.700ha), Châu Thành (5.000ha), Tân Phú Đông (2.700ha), Gò Công Tây (2.500ha), TP Mỹ Tho (1.700ha), trong đó các giống dừa uống nước chiếm 60%.
Tháng 4/2021, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang ghi nhận lần đầu tiên sâu đầu đen xuất hiện tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo với diện tích gây hại khoảng 5ha thuộc 15 hộ. Công tác phòng trừ được triển khai kịp thời, khẩn trương nên mật độ sâu hại đã được khống chế, không lây lan. Tuy nhiên đến năm 2023, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen được ghi nhận trên 37ha thuộc 81 hộ trên địa bàn Chợ Gạo. Đến tháng 8/2024, diện tích nhiễm tăng nhanh gần 200ha.
Dù ngành NN-PTNT Tiền Giang đã chủ động điều tra phát hiện, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ đến người dân, tuy nhiên hiệu quả phòng trừ chưa cao.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tiền Giang cho biết, đa số vườn dừa nhiễm sâu đầu đen bị già cỗi, thân cao nên rất khó phát hiện và phun thuốc phòng trừ. Bên cạnh đó, dưới tán dừa còn là nơi người dân sinh sống, chăn nuôi gia súc gia cầm nên biện pháp phun thuốc hóa học sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi, vì vậy khó triển khai. Ngoài ra, còn một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên hiệu quả dập dịch sâu đầu đen không cao.
Hội thảo đã ghi nhận 6 ý kiến tham luận về các giải pháp phòng trừ, kinh nghiệm nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Trung tâm BVTV phía Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM), Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre, TS Hồ Văn Chiến – nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam.
Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cũng cho biết, có 3 biện pháp chính để quản lý sâu đầu đen là biện pháp thủ công, sinh học và hóa học. Đối với biện pháp thủ công, khi phát hiện cây nhiễm sâu hại cần cắt bỏ những tàu bị hư hại đem tiêu hủy bằng cách ngâm dưới mương hoặc đem đốt.
Đối với biện pháp sinh học, sử dụng thiên địch để tiêu diệt sâu hoặc ấu trùng của sâu. Các loài thiên địch bao gồm ong ký sinh sâu đầu đen, ong ký sinh ấu trùng sâu đầu đen, ngoài ra còn có thể thả bọ đuôi kìm, kiến vàng để tấn công, tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa.
Với các ý kiến tham vấn của chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiếp tục tổ chức ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen với các biện pháp hóa học lẫn sinh học.
Đối với vườn dừa nhiễm sâu mức độ nhẹ sẽ áp dụng cắt tỉa, tiêu hủy các tàu lá nhiễm bệnh, đồng thời áp dụng các biện pháp sinh học như sử dụng thiên địch, chế phẩm sinh học tiêu diệt sâu và ấu trùng.
Đối với vườn dừa nhiễm từ trung bình đến nặng còn sử dụng thêm hoạt chất Emamectin benzoate kết hợp với dầu khoáng để khống chế mật độ sâu trước khi sử dụng thiên địch. Quá trình này cần vận động người dân thực hiện đồng loạt, xác định đúng tuổi sâu để phun thuốc và phun theo nguyên tắc "4 đúng", đảm bảo đủ thời gian cách ly. Ngoài ra, vận động người dân đốn bỏ những cây dừa già cỗi, kém hiệu quả.