Thứ Tư 21/12/2022 , 12:15 (GMT+7)
Những hình khối, đường nét thô sơ, màu sắc mộc mạc trên các tượng gỗ Tây Nguyên lột tả các cung bậc cảm xúc và mang trong mình hồn cốt, hơi thở của cuộc sống.
Ngày 20/12, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên tổ chức cuộc triển lãm với chủ đề “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên”. Cuộc triển lãm được diễn ra tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng (TP Đà Lạt) và đây là một trong những hoạt động hưởng ứng, chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - Năm 2022 .
Tại không gian triển lãm, Ban tổ chức đã giới thiệu đến công chúng trên 100 tác phẩm tượng gỗ các loại. Những tác phẩm này được đóng góp bởi các nhà điêu khắc, các nghệ nhân đồng bào dân tộc ít người vùng Tây Nguyên.
Tại không gian triển lãm, Ban tổ chức cũng giới thiệu đến công chúng khoảng 1.000 chậu hoa mang đặc trưng của Đà Lạt như: đỗ quyên, ngũ sắc, hoa mua, pan sê, phong lữ…
Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng cho biết, khi đến triển lãm “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên”, người dân và du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hồn nhiên, phóng khoáng của con người Tây Nguyên.
Theo ông Phạm Hữu Thọ, 100 tượng gỗ Tây Nguyên được phân thành các nhóm như: tượng nghệ thuật, tượng dân gian, tượng mang yếu tố tâm linh dùng trong các nghi lễ (mừng lúa mới, nghi lễ vong đời, lễ bỏ mả)… Tượng được các nghệ nhân tạo tác từ những thân gỗ gần gũi với cuộc sống cộng đồng.
Tác phẩm Trường mới Đưng K'Nớ được nhà điêu khắc K'Minh Tuấn tạo tác năm 2018. Về tác phẩm, nghệ sĩ K'Minh Tuấn trải lòng: "Thực ra mình tên thật là Trần Đức Tuấn nhưng vì sống gắn bó với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, suốt ngày tạo tác tượng gỗ Tây Nguyên nên bạn bè gọi và đặt tên K'Minh Tuấn. Tên gọi mang sự gần gũi hơn với cuộc sống cộng đồng. Trong những năm tháng xuôi ngược núi đồi, có lần đến một con suối ở xã Đưng K'Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng), tôi thấy 2 em bé đồng bào dân tộc đang băng qua suối nhỏ để đến trường. Lúc đó, hình ảnh bước chân nhỏ xinh với nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ hòa cùng những cánh bướm rập rờn đã in sâu vào tâm trí. Đến năm 2018, khi tìm được gỗ có dáng dấp của 2 cô bé, tôi đã tạo tác, kể lại câu chuyện".
Những tác phẩm tượng gỗ cũng thể hiện thiên nhiên hoang dã, hùng vĩ núi rừng Tây Nguyên.
Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng cho biết, các tác phẩm tượng gỗ Tây Nguyên được các nghệ nhân tạo tác từ những cây gỗ tự nhiên bởi các dụng cụ thô sơ như: dao, rìu, xà gạc, các loại đục chạm khắc…
Tác phẩm Góp hội Buôn làng của tác giả K'Minh Tuấn.
Hình khối nét thô sơ, màu sắc mộc mạc nhưng những bức tượng gỗ Tây Nguyên lột tả các cung bậc cảm xúc và mang trong mình hồn cốt của cuộc sống.
Nhà điêu khắc K'Minh Tuấn trực tiếp tạo tác tượng gỗ Tây Nguyên tại cuộc triển lãm.
Theo nhà điêu khắc K'Minh Tuấn, có những tác phẩm ông tạo tác trong vòng thời gian ngắn, nhưng cũng có những tác phẩm ông ấp ủ suốt cả chục năm trời.
Một tác phẩm thể hiện cuộc sống lao động, sản xuất của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Nhà điêu khắc Y Thái Ban (dân tộc Ê Đê, Đăk Lăk) chia sẻ, tượng gỗ mỗi dân tộc đều mang phong cách riêng với những nội dung, nỗi niềm riêng. "Người Ê Đê tạo tác tượng gỗ sẽ có dáng khác với các dân tộc trong vùng và màu sắc chủ đạo là màu mộc. Các bức tượng thể hiện cuộc sống văn hóa, sản xuất, lên rừng, lên rẫy, lấy gỗ làm nhà...", nhà điêu khắc Y Thái Ban chia sẻ.
Cũng theo nhà điều khắc Y Thái Ban, tượng gỗ Tây Nguyên chỉ dừng lại với những nét chạm khắc mộc mạc nhưng mang hơi thở, hồn cốt của cuộc sống.
Theo các nhà điêu khắc, tượng gỗ Tây Nguyên hiện được dùng trang trí nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, cầu thang nhà sàn... Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng cho biết, cuộc triển lãm “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên” kéo dài từ ngày 20 đến hết ngày 25/12.
Minh Hậu