| Hotline: 0983.970.780

Hồng Kông bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm Việt Nam

Thứ Hai 31/07/2023 , 17:58 (GMT+7)

Với những nỗ lực của ngành thú y, trứng và sản phẩm từ trứng gia cầm Việt Nam vừa được Hồng Kông dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu vào thị trường này.

Một trang trại chuyên sản xuất trứng gia cầm ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Một trang trại chuyên sản xuất trứng gia cầm ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Hong Kong là một trong những thị trường chính và chiếm khoảng 40 - 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Trước khi cấm nhập, mỗi năm Hong Kong chi vài chục triệu USD để nhập khẩu trứng và sản phẩm từ trứng gia cầm từ Việt Nam.

6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa đạt 65 triệu USD.

Ngày 31/7/2023, Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông đã có thư gửi Cục trưởng Cục Thú y Việt Nam thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai. Đây là quá trình nỗ lực rất lớn trong việc trao đổi, đàm phán thú y và cung cấp các tài liệu về kết quả phòng, chống giám sát bệnh cúm gia cầm của Việt Nam.

Cụ thể, bệnh cúm gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 14 ổ dịch nhỏ lẻ, buộc tiêu hủy khoảng 18.000 con gia cầm, giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, toàn bộ các tỉnh Đông Nam bộ không xảy ra cúm gia cầm.

Có được kết quả trên do Cục Thú y và các địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch quốc gia về phòng, chống bệnh cúm gia cầm; hợp tác các tổ chức quốc tế tổ chức chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó kịp thời đối với bệnh cúm gia cầm; đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; tổ chức thông tin, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống bệnh trên gia cầm; chủ động và kịp thời cung cấp thông tin và đề nghị Cục Vệ sinh môi trường và An toàn thực phẩm Hồng Kông dỡ bỏ lệnh cấm nhập trứng gia cầm và sản phẩm trứng (tươi sống và chế biến).

Nhờ vậy, đến thàng 7/2023, Hồng Kông đã gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai. Các doanh nghiệp, trang trại và người chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh này đã có thể xuất khẩu chính ngạch trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông. Các lô hàng xuất khẩu phải được Cục Thú y kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu theo mẫu và nội dung đã thống nhất với phía Hồng Kông.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm nói riêng, động vật, sản phẩm động vật nói chung, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa, tập trung, hợp tác, hỗ trợ để tổ chức xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019, Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/72023) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Xử lý trứng trước khi đóng gói tại một cơ sở ở Tây Ninh. Ảnh: Thanh Sơn.

Xử lý trứng trước khi đóng gói tại một cơ sở ở Tây Ninh. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Văn Long, cục trưởng Cục Thú y, cho biết, từ nay, các doanh nghiệp, trang trại và người chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh này có thể xuất khẩu chính ngạch trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hong Kong. Các lô hàng xuất khẩu phải được Cục Thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu theo mẫu và nội dung đã thống nhất với phía Hong Kong.

Cũng theo ông Long, để Hong Kong gỡ bỏ lệnh cấm thì Cục Thú y phải nỗ lực rất lớn trong việc trao đổi, đàm phán thú y và cung cấp các tài liệu về kết quả phòng chống giám sát bệnh cúm gia cầm của Việt Nam.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.