Tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam vừa phối hợp với Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC) và Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cùng với Đài truyền hình Đồng Tháp và Lâm Đồng tổ chức lễ ký kết chương trình "Kết nối bền vững" trên cây ăn trái, cà phê và hồ tiêu.
Tiến sỹ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Nam bộ là vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm của cả nước. Theo thống kê, năm 2019, diện tích cây ăn quả phía Nam chiếm khoảng 659.000ha chiếm hơn 69% diện tích cây ăn trái của cả nước.
Riêng, ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước với tỷ lệ khoảng 35%, tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang. Nhờ gia tăng năng suất và sản lượng mà các loại trái cây như sầu riêng, thanh long, chôm chôm, chanh leo đã xuất khẩu sang các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Đông, thậm chí là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Newzealand, Canada.
Năm 2020 là năm đầy thách thức đối với xuất khẩu trái cây của Việt Nam do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và hạn mặn khốc liệt đã gây ảnh hưởng đến sản xuất trái cây ở ĐBSCL. Tuy nhiên, ngành hàng xuất khẩu rau quả vẫn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch trên 3 tỷ đô la.
Thời gian qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đồng hành cùng với bà con nông dân cùng với các địa phương tiếp tục phát huy thế mạnh của sản xuất rau quả, đặc biệt ổn định năng suất, cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu trở thành một yếu tốt quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành rau quả ĐBSCL.
Chính vì vậy, sự hợp tác giữa Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên (WASI) cùng với các công ty VFC, Syngenta xây dựng quy trình sản xuất một số loại cây ăn trái quan trọng bao gồm kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là cần thiết.