| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với Covid-19

Thứ Ba 09/11/2021 , 10:25 (GMT+7)

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp ở Cao Bằng đã thành lập và có những hướng phát triển ổn định.

Kinh doanh theo chuỗi liên kết

Đầu năm 2010, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng đầu tư nhà xưởng sản xuất nấm hương theo phương thức hữu cơ, 100% không sử dụng phân bón hóa học. Đến nay, mô hình đã cho thấy những kết quả tích cực, đem lại thu nhập ổn định cho xã viên trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn có chiều hướng diễn biến khó lường.

Hợp tác xã Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng sản xuất nấm hương theo phương thức hữu cơ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hợp tác xã Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng sản xuất nấm hương theo phương thức hữu cơ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vụ đầu tiên, HTX thu hoạch được hơn 8 tấn nấm. Năm 2021, HTX đầu tư thêm 2 tỉ đồng, tiếp cận với các nguồn vốn từ Liên minh HTX Cao Bằng để mở rộng diện tích trồng nấm lên hơn 4.000 m2, cấy hơn 10 vạn phôi nấm, dự kiến cho thu hoạch từ 35 - 40 tấn nấm hương.

Các sản phẩm nấm hương của HTX đang trong quá trình xây dựng, đăng kí chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OPCOP của địa phương.

Chị Nông Thị Yên, Giám đốc HTX Yên Công chia sẻ: Sản phẩm nấm hữu cơ của HTX ngay từ nguyên liệu đầu vào được lựa chọn rất cẩn thận, sạch, không dùng các loại hóa chất, chất kích thích. Chúng tôi đang mở rộng phát triển để đưa sản phẩm tới các thị trường lớn hơn ở trong và ngoài nước.

Mục tiêu thời gian tới của HTX là đưa sản phẩm nấm hương khô lên sàn giao dịch, tạo điều kiện cho mọi người đều có thể tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng loại nấm hữu cơ này một cách dễ dàng hơn. Góp phần tăng thêm thu nhập cho các xã viên, đảm bảo cuộc sống ổn định trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Hợp tác xã Trồng rừng và Nguyên liệu Cao Bằng, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh phát triển nuôi bò 3B. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hợp tác xã Trồng rừng và Nguyên liệu Cao Bằng, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh phát triển nuôi bò 3B. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xác định được năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống bò khác, đầu năm 2021, HTX Trồng rừng và Nguyên liệu Cao Bằng, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã mạnh dạn đầu tư gần một tỷ đồng để mua 25 con bò giống ba bê về nuôi thử nghiệm.

Ông Lục Máy Lèn, Giám đốc Hợp tác xã Trồng rừng và nguyên liệu Cao Bằng bộc bạch: Ưu điểm của giống bò 3B là tăng trưởng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống bò truyền thống. Sau hơn nửa năm nuôi, giống bò 3B khá thích ứng với môi trường, khí hậu Cao Bằng. Giống bò này ăn được các thức ăn thô như cỏ voi, rơm rạ trộn với mật mía để tạo dinh dưỡng…

Mỗi con bò 3B có thể cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/con/tháng. Bò 3B vẫn là giống bò đang được thị trường ưa chuộng nên sản phẩm bò của HTX không hề bị khó khăn trong việc tiêu thụ dù dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài thời gian qua.

Phát triển thêm nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Đến nay toàn tỉnh Cao Bằng có 119 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Thời gian qua, Liên minh hợp HTX Cao Bằng đã tập trung các nguồn lực, thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX phát triển và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Các HTX nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: miến dong, rau sạch hữu cơ, lợn hương, lợn đen, lạp sườn, thịt hun khói…

Hợp tác xã Trường Anh, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng phát triển trồng dâu tây, dưa trong nhà kính. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hợp tác xã Trường Anh, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng phát triển trồng dâu tây, dưa trong nhà kính. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Ngô Hà Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Cao Bằng cho biết: Để ứng phó với những khó khăn trong mùa dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn Cao Bằng đã chủ động liên kết trong sản xuất với nhiều hình thức như: Liên kết cung ứng sản phẩm đầu,  vào, sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm tiêu thụ; liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp gắn với hướng dẫn khoa học kỹ thuật...

Thời gian tới, Liên minh HTX Cao Bằng tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của các đơn vị thành viên. Khuyến khích phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ; nỗ lực không để dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng, đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ, ông Tuấn cho biết thêm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.