Ông Lê Văn Bản (SN 1954), Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2014 với 18 thành viên ban đầu tham gia. Tổng diện tích của các hộ cộng lại ước khoảng 15ha. Chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung các đối tượng như cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép, nuôi xen canh với tôm thẻ chân trắng.
Qua một thời gian hoạt động, năm 2018 HTX kết nạp thêm 7 thành viên. Đến nay, tổng diện tích của HTX đã lên đến 25ha. Riêng gia đình ông Bản 2,7ha. Các hộ chăn nuôi cá theo hình thức gối vụ.
Giám đốc HTX thổ lộ: “Với diện tích 25ha, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường gần 500 tấn cá các loại và hơn 10 tấn tôm thẻ chân trắng. Tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 25 tỉ đồng/năm.
HTX đang bán cá ra ngoài thị trường với giá 65.000đ/kg cá lăng, 70.000đ/kg cá trắm đen, 48.000đ/kg cá trắm cỏ, 47.000đ/kg cá chép và tôm thẻ chân trắng từ 140.000 - 170.000đ/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh, trong đó Hải Dương, Hà Nội tiêu thụ mạnh nhất”.
“Trung bình, cá chép nuôi 12 tháng đạt trọng lượng từ 2,5 - 3kg/con; trắm cỏ đạt 2,5 - 4kg/con. Cá lăng nuôi 24 tháng đạt 3 - 5 kg/con, trắm đen đạt 4 - 6kg/con”, ông Lê Văn Bản cho biết thêm.
Ông Hoàng Văn Thương, thành viên HTX cho hay, gia đình ông nuôi 1ha cá các loại. Trước đây, khi chưa tham gia HTX, gia đình chăn nuôi không mấy hiệu quả, dịch bệnh trên cá liên tục xảy ra. Từ khi vào HTX, ông được hướng dẫn quy trình sản xuất VietGAP. Do đó dịch bệnh giảm, cá lớn nhanh, chất lượng thơm ngon, đầu ra thuận lợi, giá bán cao hơn trước…”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Lê Văn Bản bảo, trong số 25ha nuôi trồng thủy sản mà HTX quản lý có 8,1ha đang nuôi theo quy trình VietGAP từ năm 2016 của 5 thành viên. Tới đây, sẽ có thêm 3ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP; nâng tổng số diện tích là 11,1ha VietGAP. Như vậy, diện tích sản xuất cá sạch sẽ chiếm khoảng 40% tổng diện tích HTX đang có.
Chăn nuôi theo quy trình VietGAP đòi hỏi các hộ phải có tính kiên trì cao, bởi quy trình sản xuất khá khắt khe, kiểm soát chặt chẽ từ khâu vào cho đến đầu ra. Các ao đều được gắn số, có thông tin rõ ràng về diện tích, độ sâu ao.
Bên cạnh đó, kho chứa thức ăn, kho chứa thuốc thủy sản cũng được gắn biển tên. Nguồn nước được kiểm tra định kỳ hàng tháng. Mọi hoạt động từ việc thả con giống, giờ cho ăn, lượng thức ăn cho cá…, đều được ghi chép cẩn thận vào sổ sách, đảm bảo đúng quy trình sản xuất từ A - Z.
“Trong quá trình sản xuất, các thành viên trong HTX không bao giờ dùng thuốc kháng sinh, hóa chất; chỉ sử dụng men vi sinh để xử lý môi trường nước…”, ông Bản khẳng định.
Dừng chân ở một ao nuôi rộng hàng nghìn m2, ông Bản khoe: Nhờ áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP mà các thành viên trong HTX đã thay đổi được nhận thức trong nuôi trồng thủy sản. HTX quản lý được đầu vào con giống, đầu ra cá thương phẩm, nguồn nước dưới ao… của các hộ xã viên.
Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, HTX đã đầu tư máy ép cám viên với công suất 2 tấn/ngày. Theo đó, nguyên liệu gồm ngô hạt, cám gạo, bột tôm, bột cá, đậu tượng, mật mía, mỡ động vật, tỏi. Tất cả được trộn lẫn, cho vào máy nghiền, sau đó ép thành cám viên.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa vinh dự được Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể năm 2018 - 2019.