| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã trung thành với rừng gỗ lớn

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:03 (GMT+7)

QUẢNG NAM Không chỉ phát triển về quy mô, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận còn giúp bà con thay đổi tư duy phát triển kinh tế rừng, làm giàu từ rừng.

Tiên phong trồng rừng gỗ lớn

Cách đây gần 7 năm, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) chính thức thành lập. Khác với những HTX truyền thống, đơn vị này là đơn vị đầu tiên ở Quảng Nam lựa chọn định hướng tập trung vào phát triển rừng gỗ lớn, bền vững. Từ những gì đã trải qua và kết quả tới hiện tại, có thể thấy con đường mà ban lãnh đạo HTX này lựa chọn là đúng đắn, phù hợp với xu thế.

Người dân tham gia liên kết trồng rừng gỗ lớn với HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: L.K.

Người dân tham gia liên kết trồng rừng gỗ lớn với HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: L.K.

Còn nhớ hơn 1 năm sau ngày đi vào hoạt động, chúng tôi có dịp ghé thăm HTX Hiệp Thuận. Khi đó, cơ sở hạ tầng của đơn vị này vẫn còn khá khiêm tốn với trụ sở làm việc là căn nhà cấp 4 nhỏ. Nguồn vốn eo hẹp nên HTX chỉ đầu tư được 2 chiếc máy xẻ gỗ loại nhỏ đặt trong khu xưởng rộng 280m2 nằm phía sau nhà làm việc. Mọi vật dụng, thiết bị còn rất bừa bộn.

Nhắc lại quãng thời gian trước, ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận chia sẻ, lợi thế là địa phương miền núi nên HTX xác định tập trung phát triển trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, do kinh nghiệm chưa có, tiềm lực không đủ mạnh, nguồn lao động ở địa phương hạn chế về tay nghề và không chủ động về thời gian nên hoạt động của đơn vị giai đoạn đầu thành lập gặp không ít khó khăn.

Dẫu vậy, bằng sự kiên định, quyết tâm với con đường đã chọn, cùng sự hỗ trợ của địa phương, trợ lực từ các dự án phát triển ngành lâm nghiệp của một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài, HTX đã đạt được những thành công nhất định. Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, HTX đã huy động được 15 thành viên tham gia với tổng diện tích rừng khoảng 200ha, trong đó hơn 100ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Cách làm mà HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận chọn là hướng đến mục tiêu lâu dài, chấp nhận lợi nhuận ít trước mắt để từng bước xây dựng lòng tin với người dân địa phương. Theo đó, những hộ dân đồng ý tham gia liên kết với đơn vị sẽ được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp đạt chuẩn, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá luôn cao hơn thị trường. Nhờ chính sách này, năm 2018, đã có trên 120 hộ dân trong và ngoài xã liên kết sản xuất với HTX trên diện tích rừng gần 750ha.

Rừng gỗ lớn được chăm sóc đúng kỹ thuật phát triển nhanh, chỉ sau 4 năm, chu vi thân đã đạt trên 60cm. Ảnh: L.K.

Rừng gỗ lớn được chăm sóc đúng kỹ thuật phát triển nhanh, chỉ sau 4 năm, chu vi thân đã đạt trên 60cm. Ảnh: L.K.

“Những năm sau đó, chúng tôi còn hỗ trợ người dân kinh phí làm thủ tục để cấp chứng chỉ rừng gỗ lớn. Với những diện tích rừng có chứng chỉ, giá thu mua sẽ cao hơn bình thường. Nhờ vậy, đến nay đã có thêm rất nhiều hộ dân tin tưởng liên kết sản xuất với HTX. Ngoài ra, qua thời gian, họ còn nhận thấy được lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn cao hơn gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống trước đây”, ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận chia sẻ.

Theo ông Dương, nếu như 1ha keo trồng trong vòng 3 - 4 năm thu hoạch thì bán chỉ được từ 35 - 40 triệu đồng. Trong khi cùng diện tích đó, trồng keo gỗ lớn kéo dài thời gian thêm từ 3 – 4 năm nhưng số tiền thu được lên đến trên 200 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế cao, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất, có khả năng điều tiết nguồn sinh thủy và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển rừng bền vững.

Thu quả ngọt từ sự kiên trì

Đa lợi ích từ việc trồng rừng gỗ lớn chính là chìa khóa thành công, giúp cho HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận có sự chuyển mình mạnh mẽ như ngày hôm nay. Giờ đây, với hơn 11 tỷ đồng được đầu tư thêm, đơn vị này đã có hệ thống nhà xưởng tương đối khang trang rộng trên 5.000m2 cùng nhiều loại máy móc hiện đại như máy liên hợp tự động, máy băm, nghiền để phục vụ các công đoạn chế biến gỗ.

Cùng với uy tín tạo dựng được qua nhiều năm, đến nay, HTX đã có hơn 1.400ha rừng liên kết sản xuất với gần 250 hộ dân trong vùng, giúp hình thành được nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến. Trung bình mỗi năm, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận xuất ra thị trường từ 600 – 800 tấn gỗ ghép thanh và hàng chục ngàn tấn dăm gỗ, tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trung bình mỗi năm, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận xuất ra thị trường từ 600 - 800 tấn gỗ ghép thanh và nhiều sản phẩm khác, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Trung bình mỗi năm, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận xuất ra thị trường từ 600 - 800 tấn gỗ ghép thanh và nhiều sản phẩm khác, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Ảnh: L.K.

“Trong quá trình hoạt động chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là thời điểm thị trường lâm sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, còn lại nhìn chung tất cả đều ổn định. Doanh thu của HTX giai đoạn đầu mới thành lập chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu mỗi năm, sau đó tăng lên vài tỷ rồi vài chục tỷ đồng. Trong đó, đỉnh điểm nhất là năm 2021, doanh thu của HTX đạt gần 35 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư máy móc để sản xuất viên nén nhằm tận dụng hết các phụ phẩm sau khi xẻ gỗ thanh”, ông Dương nói.

Thành công của HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận không chỉ thể hiện ở những con số mà quan trọng hơn là giúp các hộ dân thay đổi tư duy trong cách phát triển kinh tế rừng, làm giàu từ rừng. Với nhiều buổi tập huấn kỹ thuật được đơn vị thực hiện, bà con đã biết cách lựa chọn nguồn giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, sạch bệnh, kỹ thuật chăm sóc, tỉa thưa, tỉa cảnh, phòng trừ các loại sâu bệnh hại… chứ không còn kiểu trồng cây giống xuống rồi “được mất nhờ trời” như trước đây.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, với sự đầu tư bài bản, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hiệu quả của rừng gỗ lớn đã thấy rõ qua thực tế những năm qua. Mặc dù vậy, việc kéo dài thời gian khai thác chắc chắn cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro do thiên tai khi Quảng Nam nằm ở khu vực miền Trung, thường xuyên chịu tác động của nhiều cơn bão. Do đó, những năm qua, đơn vị cũng đã tìm kiếm các giải pháp để khắc phục.

Đến tháng 3 vừa qua, sau khi Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (trụ sở tại TP.HCM và Hillridge (công ty công nghệ bảo hiểm đến từ Úc) ký kết thỏa thuận hợp tác và ra mắt sản phẩm Bảo hiểm chỉ số bão, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận trở thành khách hàng đầu tiên mua sản phẩm này. Thời hạn bảo hiểm trong vòng 1 năm với nguồn kinh phí do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Trong hợp đồng đã ký kết, Hillridge cung cấp các giải pháp công nghệ, còn Bảo Minh sẽ cung cấp gói bảo hiểm. Theo đó, hệ thống phân tích của Hillridge sẽ xử lý các yêu cầu bồi thường dựa trên sức gió và khoảng cách (trong phạm vi 100km) từ tâm bão đến tài sản được bảo hiểm mà không cần trực tiếp đến kiểm tra, xác minh.

“Trồng rừng không ai mong muốn thiệt hại cả nhưng chuyện rủi ro thì không lường trước được. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định mua thử nghiệm bảo hiểm chỉ số bão cho gần 155ha rừng trồng đạt tiêu chí quản lý rừng bền vững. Trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường hiện nay, nếu xác định trước rằng có nguồn chi trả kịp thời từ bảo hiểm khi không may thiệt hại do thiên tai thì người dân sẽ yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển rừng gỗ lớn, từ đó từng bước cải thiện thu nhập”, ông Dương nói.

Đối với gói bảo hiểm chỉ số bảo, số tiền sẽ nhận khi ảnh hưởng bởi gió bão bằng tiền đóng bảo hiểm nhân với chỉ số tổn thất (đơn vị % - dựa vào các khoảng cách của tâm bão tại thời điểm bão đi qua gần tọa độ tài sản được bảo hiểm). Cụ thể, ở khoảng cách 25km, với bão cấp 10 - 11 thì chỉ số tổn thất là 5%, bão cấp 12 - 13 là 10%. Ở khoảng cách 50km, bão cấp 14 - 15 là 25%, bão cấp 16 là 50%. Còn ở khoảng cách 100km, bão cấp 17 là 50% và từ cấp 18 trở lên sẽ là 100%.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.