| Hotline: 0983.970.780

“Hốt bạc” từ 7 quả trứng gà rừng

Thứ Năm 05/02/2015 , 10:16 (GMT+7)

Từ 7 quả trứng nhặt trong rừng, anh Hà đã mở rộng lên thành một trang trại nuôi gà rừng, mỗi năm cho thu nhập ổn định 50-60 triệu.

Đã hơn 10 năm nay, tại khu vườn của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi) ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm con gà rừng màu lông rực rỡ chạy loanh quanh dưới tán rừng trồng kiếm ăn, tối đến lại vào chuồng. Nghề nuôi gà rừng được anh Hà bắt đầu từ 7 quả trứng nhặt trong rừng đem về gây giống.

Không phụ lòng chủ nhân

Nhà anh Hà ở sát chân núi, xung quanh rừng trồng cây keo, cây tràm nối đuôi nhau xanh ngút ngàn, dưới tán rừng đó là hàng trăm con gà đang tìm kiếm thức ăn.

Để “quy tụ” chúng lại, anh huýt vài tiếng sáo thì từng con chạy lon ton đến mổ thóc, gạo mà không một chút sợ hãi. Gà đầy đủ chủng loại nào là con, gà mẹ chúng chăm ăn giống như gà nhà - một cảnh tượng rất hấp dẫn.

Có được như ngày hôm nay, anh Hà đã mất hơn 10 năm trời để thuần chủng chúng. Gắn bó với nuôi gà rừng, anh được mọi người gắn cho cái tên - Hà "gà rừng". Khi biết được hiệu quả của gà rừng đem lại, anh dứt bỏ nghiệp “cầm vô lăng” để chuyển hẳn qua phát triển chúng. Từng con gà được anh chăm sóc và “trả ơn” cho chủ những khoản thu nhập ổn định.

Câu chuyện về việc nuôi gà rừng được nhen nhóm từ lúc Hà còn nhỏ. Bởi nhà ở gần rừng, hàng ngày Hà chứng kiến rất nhiều con gà rừng thường bay xuống nương vườn mà không có cách nào giữ chúng lại. Loại gà này màu lông rất đẹp, thịt thơm ngon nhưng đành nuốt nước bọt vào trong.

Anh Hà kể, ba mẹ anh mất sớm nên tuổi thơ sống với anh trai, hàng ngày lên rừng đốn củi đem bán, trong một một lần đi rừng, Hà bắt được một tổ gà rừng có 2 hai con đem về nuôi. Thấy em trai mình đưa gà về, anh trai hốt hoảng. Sau đó bắt Hà phải đưa ra rừng thả, với lời căn dặn của anh trai rằng, gà rừng không nuôi được, rước chúng về nhà sẽ gặp tai họa. Vì bao đời nay không một ai nuôi chúng. Từ đó, Hà không nghĩ đến việc nuôi gà rừng nữa!

Lớn lên, Hà nhập ngũ vào quân đội, ra quân đi học lái xe. Từ đây nghề cầm vô lăng chạy khắp đất nước nhưng anh vẫn không quên vùng quê của mình, vùng bán sơn địa rộng lớn, có sông núi, đất đai màu mỡ.

nh-1095338879
Anh Hà cho gà rừng ăn

Trong những chuyến hành trình chinh phục các con đường, Hà bắt gặp nhiều mô hình làm ăn kinh tế từ rừng trở thành giàu có, anh chợt nghĩ, tại sao không về quê lập nghiệp, mà đi làm thuê? Quê mình chẳng khác gì ở những nơi này. Từ suy nghĩ đó, anh nhen nhóm về quê phát triển kinh tế trồng rừng. Năm 2002 Hà có chút vốn trong tay, gác lại nghề lái xe, anh về quê cưới vợ và trồng mấy ha cây keo lá tràm.

Mặc dù xa quê hàng chục năm, vậy mà gà rừng vẫn còn nhiều. Anh nghĩ, gà rừng có thể làm thịt, đặc biệt là nuôi làm cảnh, bán với giá cao. Tại sao lại không nuôi thử? Bây giờ nhà cửa đã có, không sợ anh trai đuổi ra khỏi nhà như ngày trước.

Có sẵn máu nuôi gà rừng từ nhỏ, anh theo đuổi nuôi gà rừng. Anh ra bìa rừng, nơi có những ruộng lúa mà gà rừng thường xuống ăn. Hết đặt bẫy, dùng nhựa cây để bắt chúng nhưng đều bất thành. Bởi loại gà này nhút nhát đã đành mà lại rất khôn, chúng hình như đánh hơi được bẫy, thấy là tránh xa. Khó khăn là thế nhưng Hà vẫn không nản, tìm đủ cách để bắt được chúng.

“Tổ gà rừng rất khó tìm, chúng thường đẻ trứng ở bãi cỏ rậm rạp và ngụy trang kín đáo. Rất may, sau nhiều hôm theo đàn trâu, bò đi ăn thì phát hiện được một tổ có 7 quả trứng. Chúng làm tổ trong bụi cỏ sát mặt đất, khi trâu bò đi ăn đụng phải tổ thì gà mẹ bay khỏi tổ”, anh Hà kể lại.

Thấy trứng như thấy vàng, anh mừng khôn xiết. Theo kinh nghiệm, anh bỏ trứng vào ổ gà nhà để ấp, cách làm này đã thành công. Cả quả 7 trứng thì nở được 3 con để làm vốn, 2 mái, 1 trống.

Và cái nghề nuôi gà rừng của anh bắt đầu từ đây. Gà nở ra, để có thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, anh chịu khó tìm mua sách báo và đọc tài liệu liên quan đến việc nuôi gà rừng nhưng chẳng có, thế là anh áp dụng cách nuôi các loài vật có đặc tính gần giống để tìm ra cách nuôi phù hợp.

Từ môi trường tự nhiên thành môi trường nuôi ở nhà quả là rất khó đối với gà rừng. Để quen với cách nuôi thả vườn, ban đầu anh nhốt từng lồng riêng sát bìa rừng, sau đó mới thả rông. Thức ăn chính là côn trùng, sau đó rồi tập ăn dần cho gạo, cám, cỏ và thóc.

Qua quá trình tìm hiểu, anh từng bước xây dựng được chế độ ăn uống một cách khoa học, cũng như nắm bắt thói quen của loài gia cầm này để giữ chân chúng lại.

“Nay đàn gà của tôi có thể nuôi công nghiệp, nhưng nuôi như vậy gà sẽ không đẹp, không có giá”, anh Hà cho hay.

nh-2095338996
Gà rừng thuần chủng như gà nhà

“Khó khăn nhất là việc tập cho gà ở trong chuồng, bởi gà rừng thường đậu trên cành cây. Cứ mỗi đêm phải bắt nó vào chuồng, còn không là ngủ ngoài vườn hết. Dần mà thành quen, rồi nó cũng ngủ trong chuồng.
Ở trong xã có nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm, và mua về nuôi nhưng đều thất bại, bởi không có ai kiên nhẫn với loại vật nuôi này. Gà rừng có sức đề kháng cao, dễ nuôi, không cần nhiều thức ăn, khỏe, ít dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, rất dễ bán nên thu hồi vốn nhanh”, anh Hà tâm sự.

Ngày anh nuôi gà rừng, bạn bè, làng xóm bảo anh là thằng điên, thằng khùng… Có người chỉ mặt, rảnh thì phát nương rẫy mà trồng keo bán, ai lại đi làm ba cái việc vô bổ như vậy.

Nhưng anh bỏ mặc ngoài tai, anh tự động viên rằng, mình thích thì làm, chẳng làm hại đến ai mà sợ. Cho đến ngày, từng đàn gà anh huýt sáo chạy đến vây quanh chủ nhân rồi mổ thóc gạo ăn thì mọi người mới bái phục anh.

Vốn trong tay có 2 con gà mái và 1 con gà trống, anh còn tranh thủ tìm mua lại gà rừng từ những thợ săn để nhân thêm đàn.

Ban đầu, anh chỉ nuôi gà rừng làm cảnh, sau đó anh giới thiệu bằng miệng đến mọi người, từ một đến hai… và nhiều khách hàng tìm đến đặt mua gà anh nuôi, do gà rừng có dáng vẻ đẹp và khỏe mạnh.

Gà "bay" khắp nước

Hôm chúng tôi đến nhà tìm gặp anh thì đóng cửa cài then, chờ đến trưa cũng chưa thấy về nên quyết định hôm sau quay lại. Chúng tôi đang trên đường từ thôn đi ra, cùng lúc anh đi ngược chiều.

Thấy chúng tôi, anh dừng xe lại và hỏi: "Đến gặp Hà "gà rừng" ạ! Tôi lấy làm khó hiểu thì được anh giải thích: “Người lạ đến thôn chỉ đến nhà tôi mua gà rừng thôi, chứ thôn này có ai đến đâu!”.

Nói về gà rừng, Hà khoe, gà của anh giờ bán đi khắp nơi. Từ Cà Mau đến Lạng Sơn đều có hết, họ đặt hàng qua điện thoại sau đó gửi đi. Hiện trang trại có hơn 200 con.

Anh Hà bộc bạch: “Mỗi con gà rừng thương phẩm có trọng lượng 1 - 1,5 kg, thịt ăn rất ngon, nhưng không dám ăn, vì giá khá đắt. Chỉ những khi chó cắn gà bị gãy chân, gãy cánh thì có được miếng thịt gà”.

Theo anh Hà, gà rừng sinh sản nhanh, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 trứng, có lứa lên đến 15 trứng. Thịt gà rừng thơm ngon, đặc biệt là làm cảnh nên được nhiều người tìm mua. Trung bình, gà thịt có giá 500.000 đồng/kg; gà nuôi cảnh 2 - 3 tháng tuổi có giá 1 triệu đồng/cặp; gà trưởng thành giá 1,6 triệu đồng/cặp.

“Trước đây, tôi nghĩ chỉ nuôi vài con chơi cho vui, nhưng sau thấy nuôi gà rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra phong phú nên tôi bắt đầu xem đây là nghề chính. Nuôi gà rừng không khó, chủ yếu là phải đam mê và hiểu tập tính của gà rừng mới có thành quả”, anh Hà chia sẻ.

Nuôi gà rừng giúp anh Hà có thu nhập ổn định mỗi năm từ 50 đến 60 triệu đồng. Ngoài việc cung cấp nguồn gà, anh tận tình chỉ dẫn những kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi cho từng người. Bên cạnh tiếp tục mở rộng đàn gà rừng, anh Hà đang tìm hiểu để nuôi thêm một số loại chim cảnh quý hiếm. Anh luôn trăn trở đến việc bảo tồn những loài vốn sống trong môi trường tự nhiên nhưng ngày càng khan hiếm do việc săn bắt tràn lan.

Đồng hành với phát triển gà rừng, tại trang trại của mình, anh đã đầu tư nuôi thêm gà chọi. Theo anh, ở đây phong trào đá gà cũng nhiều, nên mình nuôi bán có lời lắm. Gà chọi giá rẻ nhất là 500.000 đồng/con, còn loại “chiến đấu” tốt thì vô giá lắm. Ngoài ra, anh đang nhân giống chim bìm bịp, một loại chim quý được dân gian dùng ngâm rượu điều trị bệnh, bán với giá cao.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm