| Hotline: 0983.970.780

HTX Cường Phát: Xây điện thờ trên nóc chợ du lịch Phố Mới

Thứ Tư 02/12/2020 , 14:29 (GMT+7)

Điện thờ trên nóc chợ du lịch Phố Mới được xây dựng kiên cố nằm trên tầng 3 của chợ. Hỏi rằng chủ đầu tư xây điện thờ có được cấp phép hay không?

Khu điện thờ trên tầng 3 chợ du lịch Phố Mới. Ảnh: H.Đ.

Khu điện thờ trên tầng 3 chợ du lịch Phố Mới. Ảnh: H.Đ.

Khu điện thờ hoành tráng

Ông Nguyễn Hữu Cường - Giám đốc HTX đầu tư xây dựng và khai thác quản lý chợ Cường Phát (HTX Cường Phát) - thuê 11.000m2 đất của tỉnh Lào Cai trong thời gian 70 năm với giá chỉ 216 nghìn đồng/m2/năm; trả tiền từng năm một kể từ tháng 11/2015. Phần đất trên chính là mặt bằng chợ Phố Mới. Sau khi ký hợp đồng, HTX này đầu tư xây dựng thành chợ du lịch Phố Mới.

Tuy nhiên, từ năm 2019 xong phần thô đến nay, sau gần 1 năm, những tiểu thương kinh doanh ở chợ Phố Mới cũ chưa thể vào được chợ, vì chợ mới chưa hoàn hiện; HTX xung đột với bà con về giá mặt bằng và thời hạn cho thuê.

Có lẽ, nổi bật của chợ du lịch Lào Cai không chỉ là dãy shophouse chiếm toàn bộ mặt tiền, mà công trình tâm linh ở tầng 3 của khu chợ này cũng khá ấn tượng.

Theo quan sát đây là một điện thờ được xây dựng kiên cố, có diện tích khoảng 60m2. Xung quanh sảnh của điện thờ được lát gạch đá hoa, bên trên có mái tôn che chắn nắng rộng cả trăm mét vuông. Trong khi, toàn bộ những khu vực khác của chợ từ tầng 1 lên tầng 3 vẫn là mặt sàn bê tông.

Khu sảnh điện thờ được lau dọn sạch sẽ, khi vào khu vực này phải để giày dép ở bên ngoài.

Cửa chính của điện thờ có dòng chữ đề “Thiên Lâm Điện” và đặc biệt là 2 bức tượng hộ pháp cao lớn được đắp nổi, trông khá kỳ quái, áp sát hai bên cửa chính. Dưới chân 2 bức tượng đắp nổi là 2 bát hương lớn.

Mặt còn lại của điện thờ là bức tượng đức phật ngồi dưới gốc cây bồ đề với ban thờ phía trước mặt.

Ở một góc khác là tượng quan âm đứng trên đài sen cao hơn 3m, bao quanh là một hồ nước nhỏ.

Bên trong Thiên Lâm Điện có ban thờ, lư hương và tượng phật quan âm nghìn mắt, nghìn tay… được bài trí cẩn trọng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đây có phải là công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo hay không? Thiên Lâm Điện được thiết kế, xây dựng theo mẫu, văn hoá nào hay do chủ đầu tư tự ý xây dựng nên?

Chợ là nơi có nguy cơ cháy nổ rất cao nên việc phòng chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong khi, chợ du lịch Phố Mới còn chưa hoàn thiện, đặc biệt phần phòng cháy chữa cháy chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu. Văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là một căn cứ để chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán và đưa công trình vào hoạt động.

Khu điện thờ có tên 'Thiên Lâm Điện' trên tầng 3 chợ du lịch Phố Mới. Ảnh: H.Đ

Khu điện thờ có tên "Thiên Lâm Điện" trên tầng 3 chợ du lịch Phố Mới. Ảnh: H.Đ

Ki-ốt còn ngổng ngang, chưa hoàn thiện

Sau khi HTX Cường Phát và bà con tiểu thương đối thoại, chính quyền địa phương liên tiếp đôn đốc để 2 bên đạt được các thoả thuận, sớm đưa chợ du lịch Phố Mới vào hoạt động.

Quan sát bên ngoài chợ du lịch Phố Mới, phần sơn, trang trí vẫn đang được chủ đầu tư hoàn thiện. Một số nhóm thợ ít người đang làm việc tại đây. Có lẽ, áp lực tiến độ, một số thợ đổ thẳng vật liệu thải từ trên tầng 3 của chợ xuống đất, khiến cát bụi bay mù mịt, gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng người dân đi đường…

Mặc nhiên, phần lỗi trên là do sự giám sát lỏng lẻo, và có phần cẩu thả của chủ đầu tư.

Thợ thi công chợ du lịch Phố Mới vô tư đổ thải xuống đường. Clip: H.Đ

Theo phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh của HTX Cường Phát, tầng 1 của chợ du lịch Phố Mới, chia làm 2 khu vực.

Trong đó, khu vực lõi công trình có diện tích gần 7.000m2 bố trí hơn 400 điểm kinh doanh, có vách ngăn và lắp cửa cuốn điện. Mỗi điểm kinh doanh có diện tích 5-9,6m2 dành cho ngành hàng giày dép, điện tử…

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, khu vực này mới được dựng khung, lắp lưới phía trên. Ước tính để hoàn thiện như phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, chủ đầu tư phải bỏ ra hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, khu vực giáp dân cư, là nơi bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống và sinh vật cảnh với diện tích khoảng 1.200m2 có mái che bố trí 128 điểm kinh doanh, diện tích điểm kinh doanh từ 3,78-4,3m2 và 7,07m2…

Thì tại khu vực này, phần mái che chưa được chủ đầu tư thực hiện... Có thể thấy, khu chợ phần thô cơ bản đã xong nhưng cần thời gian để tiếp tục hoàn thiện.

Trong khi đó, ngày 27/11/2020, UBND TP. Lào Cai ra văn bản đốc thúc chủ đầu tư là HTX Cường Phát đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các hạng mục công trình của chợ, đảm bảo các điều kiện cho việc đưa chợ vào hoạt động; triển khai lắp đặt các ki ốt trong chợ một cách đồng bộ, thống nhất, xong trước ngày 15/1/2021.

Thực hiện bàn giao cho các hộ kinh doanh đã ký hợp đồng. Sau ngày khánh thành và chợ đã đi vào hoạt động không thực hiện xây dựng lắp đặt các hạng mục ki ốt này để tránh gây ảnh hưởng đến các hộ đang kinh doanh. Đáng chú ý, UBND TP. Lào Cai yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ của chợ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.