Ảnh hưởng của dịch Covid-19
Tính đến tháng 11/2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 407 HTX nông nghiệp và tổng hợp. Trong đó, số HTX thành lập mới là 29 HTX. Ước tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 410 HTX nông nghiệp và tổng hợp, tăng 32 HTX so với năm 2020.
Các HTX đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012. Về loại hình hoạt động, có 67 HTX lĩnh vực thủy lợi, vật tư nông nghiệp (chiếm 16,5%), 73 HTX hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản (chiếm 18%), 39 HTX hoạt động chăn nuôi (chiếm 9,6%), 60 HTX hoạt động trồng trọt (chiếm 14,7%) và 9 HTX hoạt động lâm nghiệp (chiếm 2,2%).
Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các loại hình HTX, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Qua nắm bắt, tổng hợp từ các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Ninh, tình hình dịch bệnh Covid-19 chủ yếu ảnh hưởng đối với các HTX có ngành nghề kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản và một số HTX dịch vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các HTX cung cấp thực phẩm cho trường học, khu công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi những nơi này phải đóng cửa do dịch. Đơn cử như HTX Đồng Chén (huyện Vân Đồn) đã tồn khoảng 300 tấn ngao, hầu, ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng; HTX SXKD DVNN Bình Dương (TX Đông Triều) có lượng khoai tây bị hỏng khoảng 400 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX. Để vượt qua khó khăn thách thức, các HTX đã chủ động tìm kiếm giải pháp, liên kết với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp chỉ mang tính chất thích nghi tạm thời, chưa đột phá bền vững, nên rất cần sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Thích ứng trong bão dịch
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các HTX trên địa bàn tỉnh đã triển khai ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Các HTX triển khai theo hướng dẫn của UBND tỉnh, thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn và xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai báo y tế điện tử phục vụ phòng chống dịch Covid-19 bằng mã QR code.
Nhìn chung, các HTX là kênh huy động nhiều nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu quốc gia trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực vào Chương trình "Mỗi xã, phường 1 sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 65 HTX tham gia Chương trình OCOP, chiếm 16,6%. Nhiều HTX đã quan tâm hỗ trợ cho thành viên HTX khi gặp khó khăn, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, để chủ động hỗ trợ cho các HTX tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của tất cả HTX nông nghiệp để chủ động tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ, giới thiệu doanh nghiệp tới ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho HTX. Ngoài ra, các HTX trên dịa bàn tỉnh cũng đã chủ động liên kết với nhau, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn bình thường mới.
Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Liên minh HTX, Sở NN-PTNT mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 600 cán bộ quản lý HTX trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí bố trí hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX theo kế hoạch hàng năm trung bình khoảng 1 tỷ đồng.
Đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với trường Đại học Ngoại thương, trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT I (Bộ NN-PTNT) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 55 lớp, cho gần 1.470 lượt cán bộ HTX tham gia.
Nội dung các lớp bồi dưỡng, tập huấn tập trung vào quản trị HTX, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thực hiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện đăng ký logo, nhãn mác, tạo lập thương hiệu cho sản phẩm... Đối tượng tham gia bồi dưỡng, tập huấn là cán bộ lãnh đạo quản lý, kế toán, cán bộ làm công việc chuyên môn nghiệp vụ của các HTX.
Kết quả sau bồi dưỡng kiến thức, trình độ nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nghiệp vụ của các HTX từng bước được nâng cao; cán bộ HTX được tiếp thu các kiến thức mới để ứng dụng vào quản lý và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là trong giai đoạn bình thường mới. Qua đó thấy được sự quan tâm của Nhà nước và của tỉnh đối với kinh tế tập thể, để phần nào giúp cho các HTX thích ứng được trước bão dịch.
Quảng Ninh cũng thường xuyên quan tâm hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh theo Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương và các địa phương lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX có sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu các sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh.