Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 |
Điểm mới đầu tiên của Lễ hội lần này, đó là UBND tỉnh Đắk Lắk đã chọn được mẫu biểu trưng chính thức cho Lễ hội. Đó là mẫu biểu trưng của tác giả Lê Trung Hoa đến từ TP. Hồ Chí Minh.. Biểu trưng được thiết kế trên ý tưởng sự lan tỏa của hoa bồ công anh trong gió, hoa được kết nối từ những hạt cà phê đang bay tượng trưng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của Lễ hội. Điểm nhấn của biểu trưng là chữ “Coffee” với chữ “C” được tạo hình bông hoa, đồng thời cũng tạo hình chiêng, mang thông điệp “Bản sắc văn hóa, tinh hoa của các dân tộc Tây Nguyên qua Lễ hội sẽ lan tỏa khắp thế giới”. Biểu trưng sử dụng tiếng Anh làm chủ đạo, thể hiện tính kết nối mạnh mẽ và tinh thần phát triển, hội nhập quốc tế của cà phê Buôn Ma Thuột.
Cùng với sự khai trương của Bảo tàng thế giới cà phê của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đầu tiên của Việt Nam tại đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Buôn Ma Thuột. Bảo tàng thế giới cà phê lấy cảm hứng bản địa và triết lý kiến trúc của Trung Nguyên – thiết kế tối ưu các cấu phần của sự sống được định hình trên nền tảng xây dựng hướng đến bảo tàng là di sản của toàn cầu. Bên cạnh đó, sự khác biệt của Bảo tàng thế giới Cà phê là bảo tàng sống về văn hóa cà phê toàn cầu và bảo tàng ảo giới thiệu hình ảnh hiện vật liên quan đến cà phê thế giới.
Với chủ trương xã hội hóa việc tổ chức Lễ hội nói chung và các mục tiêu mang tính kim chỉ nam trong việc tổ chức lễ hội như: Quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới; Tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng và cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với rất nhiều hoạt động phong phú và mới lạ so với các mùa trước.
Một hoạt động trong dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 |
Cụ thể, trong mùa lễ hội lần thứ 7 này, một loạt các hoạt động mới như: Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam (sẽ diễn ra vào ngày 10/3/2019); Triển lãm lịch sử cà phê thế giới (sẽ diễn ra từ ngày 9/3 tới ngày 16/3/2019) tại Bảo tàng cà phê Trung Nguyên; Cuộc thi dù lượn quốc tế; Khai trương đường sách – cà phê tại đường Kim Đồng (hoạt động này sẽ được diễn tiếp sau khi kết thúc Lễ hội) nhằm trưng bày, bán sách và các văn hóa phẩm kết hợp thưởng thức văn hóa cà phê,
Ngoài ra, trong các mùa lễ hội trước, các barista và các bartender tài năng toàn quốc và trên thế giới đã cùng tham gia vào cuộc thi Đệ nhất pha chế cà phê Việt Nam thì năm 2019, Cuộc thi chất lượng cà phê đặc sản Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 5/3 tới ngày 9/3/2019 trong khuôn viên Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê tại 72-74 Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột.
Cũng trong dịp lễ hội, du khách và người tham quan còn có cơ hội thưởng thức các hoạt động mang tính du lịch đậm đà bản sắc dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk thông qua các hoạt động như: Hội voi Buôn Đôn, lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, các hội thi như: voi chạy, voi đá bóng, voi kéo co và voi bơi lội cùng các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ngoài ra, du khách sẽ được trực tiếp thưởng thức các nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Lễ cầu mưa, Lễ cúng sức khỏe, Lễ kết nghĩa anh em, Lễ mừng cơm mới, Lễ trưởng thành của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh tại 33 buôn dân tộc thiểu số của thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk còn triển khai “đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột”. Theo đó, đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đặt tại địa điểm hẻm 02 Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột trãi dài khoảng gần 100 m đường và thiết kế hiện đại, ấn tượng mang đặc trưng văn hóa địa phương với dự kiến 23 gian hàng chia thành các khu vực đọc sách, uống cà phê, nước giải khát các loại, đồ lưu niệm và dự kiến phục vụ khách trong khoảng thời gian từ 8h đến 22h hằng ngày. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào ngày 09/3/2019. Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ là nơi trao đổi, giao lưu gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp giữa những người hoạt động cùng ngành, giữa những nhà quản lý ngành trong phạm vi thành phố, các tỉnh, thành trên cả nước.
Đây cũng là nơi giao lưu tác giả, độc giả; giới thiệu tác phẩm sách mới, các sáng tác mới; ươm mầm, phát hiện các tác giả trẻ, đỡ đầu cho các tác phẩm mới; nơi tạo dựng thói quen, cách thức đọc sách, niềm đam mê với sách. Ngoài ra, đây còn là nơi phục vụ và thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng địa phương và du khách; thưởng lãm bích họa Tây Nguyên độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương; nơi thư giản cuối tuần của cộng đồng dân cư địa phương.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 |
Trong Lễ hội lần 7 năm 2019, cùng với tỉnh Jeollabuk - là tỉnh đã kí kết Thỏa thuận hợp tác với tỉnh ta cũng sẽ tổ chức không gian ẩm thực Hàn Quốc trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019 cho du khách và người dân tham quan, thưởng thức. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật như lễ hội đường phố cũng sẽ diễn ra với nhiều điểm nhấn đẹp từ các đoàn nghệ thuật của các quốc gia
Không chỉ vậy, một điểm mới nữa đó là Lễ hội lần này, tỉnh Đắk Lắk đã mời Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Nie – người con của Đắk Lắk làm Đại sứ truyền thông của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019.