| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên hỗ trợ nhiều mô hình tưới tiết kiệm cho cây ăn quả

Thứ Tư 06/11/2024 , 07:29 (GMT+7)

Các mô hình tưới tiết kiệm cho cây ăn quả đã giải quyết đồng thời nhiều bài toán trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho nhà vườn.

Qua 4 năm triển khai Đề án “Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025”, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên (Trung tâm) đã xây dựng thành công nhiều mô hình tưới nước cho cây ăn quả.

Các mô hình này đều đang thể hiện được vai trò của tiến bộ công nghệ, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng thu nhập, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Một trong các điểm mô hình tưới nước cho cây ăn quả có múi ở Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Một trong các điểm mô hình tưới nước cho cây ăn quả có múi ở Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết, các mô hình nêu trên đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật tưới phun mưa tự động, tưới tiết kiệm công nghệ Israel, được cải tiến cho dễ lắp đặt và vận hành, phù hợp với địa hình và cây trồng tại Việt Nam.

Hiệu quả của công nghệ này đã được chứng minh qua mô hình tưới nước cho cây nhãn (năm 2023) ở một số địa phương trong tỉnh, giúp giảm thời gian và công sức lao động, tiết kiệm nước tưới, giảm tiêu tốn điện năng, tránh thất thoát phân bón, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển đồng đều, tăng tỷ lệ ra hoa, tăng năng suất nhãn quả từ 12 - 15% so với đối chứng (không tưới phun mưa tự động).

Nhờ đó năm 2024, Sở NN-PTNT Hưng Yên chỉ đạo Trung tâm tiếp tục xây dựng mô hình tưới nước cho cây ăn quả có múi. Tống diện tích các điểm mô hình gồm 6ha cam Vinh và bưởi Diễn trồng tại các xã Đại Tập (huyện Khoái Châu), Đồng Thanh và Đức Hợp (huyện Kim Động).

Cam Vinh lòng vàng ở Hưng Yên sắp tời kỳ thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Cam Vinh lòng vàng ở Hưng Yên sắp tời kỳ thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Hiện tại, mô hình tưới nước cho cây ăn quả có múi đã được cấp hỗ trợ và lắp đặt đầy đủ hạng mục theo quy định, gồm máy bơm nước tạo nguồn, bể lưu trữ nước tưới, máy bơm tạo áp lực, hệ thống dây điện trong vườn, đường ống dẫn nước, hầm đặt máy bơm, các trụ bê tông cố định cột ống và các béc phun mưa. Bước đầu, mô hình vận hành ổn định, đang từng bước phát huy tác dụng. 

Ông Nguyễn Văn Nhẹn ở xã Đồng Thanh (Kim Động) kể, ông trồng cam từ năm 2010, tổng diện tích trên 1ha. Từ 2 năm nay, con cái ông trước đây phụ giúp việc trồng cam đều đã vào làm tại các khu công nghiệp trong tỉnh nên ông phải thuê mượn thêm công lao động bên ngoài rất đắt (400.000 – 500.000 đồng/người/ngày, tuỳ theo công việc), nhất là với thuê công lao động thời vụ.

Đang lúc bế tắc trong duy trì quy mô sản xuất thì ông Nhẹn được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chọn tham gia mô hình tưới nước cho cây ăn quả có múi. Như "người buồn ngủ gặp chiếu manh", ông Nhẹn liền xuống tiều đầu tư đủ số vốn đổi ứng theo quy định và thực hiện mô hình theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.

Kết quả từ đầu năm đến nay, ông Nhẹn đã giảm được hàng chục triệu đồng tiền thuê mượn lao động tưới dưỡng cho vườn cam, ngoài ra còn duy trì ổn định được quy mô sản xuất. "Dự kiến sang năm 2025 tôi sẽ đầu tư thêm công nghệ bón phân tự động cho cây trồng nhằm nâng tổng diện tích thâm canh các cây ăn quả có múi khoảng 2ha", ông Nhẹn chia sẻ.

Bưởi Diễn trong mô hình khuyến nông ở xã Đại Tập (huyện Khoái Châu). Ảnh: Hải Tiến.

Bưởi Diễn trong mô hình khuyến nông ở xã Đại Tập (huyện Khoái Châu). Ảnh: Hải Tiến.

Cũng giống như ông Nhẹn, ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đại Tập (Khoái Châu) được chọn hỗ trợ làm điểm mô hình tưới phun mưa tự động cho 1ha cây bưởi Diễn, tuy bị ảnh hưởng khá nặng bởi cơn bão số 3 (Yagi) ông vẫn đánh giá đây mới là năm đầu tiên ứng dụng công nghệ tưới vào sản xuất, hiệu quả của mô hình vẫn còn tác dụng kéo dài tới nhiều năm sau.

Mặt khác, vốn đầu tư ban đầu lắp đặt hệ thống công nghệ này rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, rất ít nhà nông có đủ nguồn lực để tự đầu tư lắp đặt đồng bộ nên có thể nói các cấp ngành chuyên môn của tỉnh đã rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho nông dân.

Đến thăm một số điểm mô hình tưới nước cho cây ăn quả có múi ở các địa phương khác của Hưng Yên đều thấy sự đánh giá rất tích cực của người dân về hiệu quả thiết thực của công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây ăn trái có múi.

Bà Trần Thị Huệ, cán bộ khuyến nông phụ trách các mô hình khẳng định, sau kết quả thực hiện các mô hình, Trung tâm sẽ xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây ăn quả và cây trồng cạn theo hướng công nghệ cao phù hợp với địa bàn Hưng Yên.

"Là địa phương có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, thu hút được nhiều lao động vào làm, nhất là các lao động trẻ, song cũng tạo ra không ít thách thức cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc  ứng dụng nhanh các tiến bộ công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt nói riêng luôn là một trong những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ và chính quyền tỉnh Hưng Yên, vừa bắt kịp xu thế canh nông hiện đại, giải quyết tốt bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại trên địa bàn", ông Nguyễn Quanh Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chia sẻ.

Xem thêm
Thay thế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải

Cải thiện khẩu phần ăn là giải pháp quan trọng để giảm phát thải trong chăn nuôi, trong đó có sử dụng các nguồn nguyên liệu phát thải thấp trong thức ăn chăn nuôi.

Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Nông dân xuất sắc Việt Nam làm nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu ở Đất Cảng

HẢI PHÒNG Nuôi giun quế và trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Sông Giá là mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Hải Phòng.