| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông đồng hành đưa nông nghiệp Hưng Yên phát triển năng động nhất nước

Thứ Hai 09/10/2023 , 06:07 (GMT+7)

Qua 26 năm xây dựng và phát triển, khuyến nông Hưng Yên có nhiều đóng góp quan trọng thúc đấy ngành nông nghiệp tỉnh phát triển năng động thuộc hàng đầu cả nước

Trung tâm khuyến nông Hưng Yên tách ra từ Trung tâm Khuyến nông Hải Hưng vào ngày 01/01/1997. Qua 26 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã có nhiều đóng góp quan trọng, thúc đấy ngành nông nghiệp Hưng Yên phát triển năng động bậc nhất trong cả nước

Cơ giới hoá sản xuất lúa trên cánh đồng của ông Lương Đình Trọng (xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ). Ảnh: Hải Tiến.

Cơ giới hoá sản xuất lúa trên cánh đồng của ông Lương Đình Trọng (xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ). Ảnh: Hải Tiến.

Xây dựng, triển khai nhiều chương trình nông nghiệp trọng điểm

Nhớ lại ngày đầu mới chia tách, ông Hoàng Văn Điệp, cựu Trưởng phòng Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên) cho biết: Khi đó Trung tâm thiếu thốn mọi bề, cả về nhân sự, cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất đảm bảo thực thi công việc. Tập thể cán bộ Trung tâm đã nỗ lực vượt lên khó khăn, tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở NN-PTNT Hưng Yên và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đưa Khuyến nông Hưng Yên vào hoạt động nề nếp, từng bước trưởng thành, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ theo hướng năng suất, chất lượng, tăng cao giá trị thu nhập.

Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban liên quan, tham mưu giúp lãnh đạo Sở NN-PTNT xây dựng và triển khai thành công hàng chục chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp trọng điểm của tỉnh như: Đề án duy trì hệ thống sản xuất lúa giống tiêu thụ tại chỗ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2005 - 2015; đề án nạc hoá đàn lợn, Sind hoá đàn bò tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2000 - 2010; đề án chọn lọc, bảo tồn và nhân rộng các giống nhãn đầu dòng đặc sản Hưng Yên, giai đoạn 2005 - 2015; chương trình chăn nuôi bò sữa tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2005 - 2010; chương trình phát triển các giống gia cầm bản địa chất lượng cao tỉnh Hưng Yên; đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2020 - 2025...

Vùng chuyên canh vải lai u chín sớm ở huyện Phù Cừ. Ảnh: Hải Tiến.

Vùng chuyên canh vải lai u chín sớm ở huyện Phù Cừ. Ảnh: Hải Tiến.

Những năm gần đây, Trung tâm còn tích cực tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, phát triển nông thôn như: Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; chương trình phòng tránh và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Cùng với đó, Trung tâm còn triển khai hiệu quả nhiều chương trình hợp tác về nông nghiệp và phát triển nông thôn với các tổ chức quốc tế như FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc), JICA (Nhật Bản), GIZ (Đức), CARE (Hoa Kỳ)... Qua đó giúp đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, nhất là với những nông dân trực tiếp thực hiện mô hình thực tế   

Thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh rau hoa, quả

Thông qua thực hiện các chương trình, đề án, dự án, Trung tâm đã góp phần cùng ngành nông nghiệp Hưng Yên tạo ra nhiều vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái quy mô lớn như: Vùng trồng nhãn Khoái Châu, TP Hưng Yên và phụ cận (gần 5.000ha); vùng vải lai trứng, vải lai u chín sớm Phù Cừ (trên 1.000ha); vùng chuối tây, chuối tiêu hồng Khoái Châu, Kim Động (1.200ha); vùng trồng cây ăn quả có múi tại Đồng Thanh (Kim Động), Tam Đa (Phù Cừ), Lam Sơn và Quảng Châu (TP Hưng Yên) với khoảng 4.200ha; vùng chuyên hoa, cây cảnh Văn Giang (trên 1.000ha)

Mô hình trồng dưa chuột công nghệ cao của ông Bùi Văn Phương ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ). Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình trồng dưa chuột công nghệ cao của ông Bùi Văn Phương ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ). Ảnh: Hải Tiến.

Với sản xuất lúa, Trung tâm cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu giống, trà vụ từ sản xuất lúa 3 trà/vụ (xuân sớm, xuân trung, xuân muộn) xuống còn 1 trà (xuân muộn) bằng các giống năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn (Bắc thơm 7, BC15, nếp các loại...). Nhờ đó, năng suất lúa bình quân của tỉnh đã tăng từ 52 tạ/ha (năm 1997) lên 61 - 65 tạ/ha (năm 2005 đến nay).

Việc chỉ còn gieo cấy 1 trà lúa xuân muộn không chỉ phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương mà còn giúp giảm nước tưới, giảm phân bón, giảm sâu bệnh hại và giảm rủi ro mạ già, lúa ống vào những năm mùa đông ấm nóng, thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu

Đặc biệt, thông qua các mô hình trình diễn đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã thúc đẩy hình thành nhiều cánh đồng lúa mẫu, diện tích sản xuất lớn, cơ giới hoá đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa của ông Lương Đình Trọng ở Tân Việt (Yên Mỹ) quy mô 63ha; ông Nguyễn Văn Học ở Vũ Xá (Kim Động) gieo cấy 30ha; của bà Nguyễn Thị Mơ ở Việt Hưng (Văn lâm) quy mô 50ha...

Đồng thời, Trung tâm cũng xây dựng mô hình, thúc đẩy thành lập nhiều trang trại sản xuất rau, hoa và cây cảnh trong nhà kính công nghệ cao, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, tưới nước và bón phân tự động. Tiêu biểu như mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của ông Bùi Văn Phương ở Tống Trân (Phù Cừ) với quy mô sản xuất 10.000m2, trang trại chuyên hoa lan hồ điệp công nghệ cao của bà Vũ Thị Phương ở Phụng Công (Văn Giang) quy mô 10.000m2...

Hưng Yên đã 'phổ cập' Sind hoá đàn bò từ năm 2010. Ảnh: Hải Tiến.

Hưng Yên đã "phổ cập" Sind hoá đàn bò từ năm 2010. Ảnh: Hải Tiến.

Trong lĩnh vực chăn nuôi - thuỷ sản, Khuyến nông Hưng Yên đặt trọng tâm trong hoạt động nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang nuôi thâm canh (trang trại), bán thâm canh (gia trại) quy mô hợp lý, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và lai tạo con giống để tăng năng suất, chất lượng các đàn vật nuôi và đảm bảo an toàn sinh học (VietGAHP).

Kết quả, ngay từ năm 2010, Hưng Yên đã hoàn thành mục tiêu nạc hoá đàn lợn và Sind hoá đàn bò trong phạm vi toàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất nông nghiệp chính của địa phương (chiếm 55% tỷ trọng các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp).

Hiện nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 10 triệu con, với gần 500 nghìn con lợn; hơn 36 nghìn trâu, bò; 9,7 triệu con gia cầm (chủ yếu là nuôi gà lông màu). Bước đầu, tỉnh đã thành lập được 41 HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm VietGAHP và hình thành được một số vùng chuyên gà sinh sản số lượng lớn tại các xã Yên Hoà và Hoàn Long (Yên Mỹ).

Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã đóng góp quan trọng giúp tăng giá trị thu hoạch bình quân/ha canh tác/năm từ 48 triệu đồng năm 1997 lên 230 triệu đồng năm 2022. Riêng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị thu hoạch/ha canh tác đạt từ 7 - 10 tỷ đồng (tuỳ theo năm). Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao, Hưng Yên đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, khôi phục lại giống gà Đông Tảo bản địa nổi tiếng trong nước và thế giới. Hưng Yên cũng là tỉnh duy nhất trong ghép thành công quả trên cây có múi, tạo ra nhiều loại cây cam, bưởi cảnh có giá trị tăng cao gấp 100 lần.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết, hơn một phần tư thế thế kỷ qua, Trung tâm đã tổ chức được gần 3.000 lớp tập huấn và hội thảo kỹ thuật sản xuất cho khoảng 200.000 lượt nông dân, xây dựng và trình diễn hiệu quả trên 2.000 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.