| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên: Sâu bệnh hại lúa gia tăng

Thứ Tư 22/04/2020 , 10:40 (GMT+7)

Thời tiết nhiều mây, mưa phùn thuận lợi cho một số đối tượng sâu, bệnh phát triển và gây hại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa...

Nhiều thửa ruộng nhiễm bệnh đạo ôn lá.

Nhiều thửa ruộng nhiễm bệnh đạo ôn lá.

Ông Nguyễn Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên cho biết: Hiện toàn tỉnh có 785ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó có 28ha nhiễm nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động,…

Nông dân đang tích cực phun phòng, trừ bệnh được 1.525ha. Bệnh đạo ôn đang tiếp tục phát sinh và gây hại chủ yếu trên các giống lúa như: lúa nếp, TBR225,… Tỷ lệ hại phổ biến là 5-7% số lá, nơi cao 15-20%, cá biệt có ruộng trên 40% số lá và đã xuất hiện lụi chòm cục bộ (cấp 5-7).

Cùng đó, bệnh khô vằn tiếp tục xuất hiện và gây hại nhẹ, cục bộ ở một số ruộng lúa cấy dầy, bón thừa đạm.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ thì trưởng thành (bướm) tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, mật độ trưởng thành phổ biến 0,5-1 con/m2, cá biệt có ruộng xuất hiện từ 5-7 con/m2. Diện tích nhiễm bệnh khô vằn được thống kê tới nay là 455ha. Diện tích bị nhiễm sâu bệnh tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Cũng theo ông Cương, chuột cũng đang tiếp tục gây hại chủ yếu ở khu vực ven gò, làng, KCN, gần gò đống kênh mương và các ruộng chân cao. Diện tích bị gây hại 204ha, trong đó nhiễm nặng 26,4ha. Trên cây ngô vụ xuân, sâu keo mùa thu đang tiếp tục xuất hiện và gây hại rải rác, mật độ phổ biến 0,3-0,5 con/m2, cục bộ có nơi lên tới 5-7 con/m2.

Sâu hại trên ngô cũng xuất hiện và gây hại rải rác.

Sâu hại trên ngô cũng xuất hiện và gây hại rải rác.

Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển trên các giống lúa nhiễm, diện tích lúa gieo cấy sớm, nhất là trong điều kiện âm u, độ ẩm cao.

Nếu không thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, bệnh sẽ tiếp tục gây hại và gây cháy lụi nhiều diện tích lúa ở các địa phương từ nay đến cuối tháng 4.

Sâu cuốn lá trong thời gian tới sẽ có diễn biến phức tạp hơn, bướm lứa 2 sẽ tiếp tục vũ hóa kéo dài, sâu non sẽ nở rộ từ ngày 20 – 29/4 và có khả năng gây hại trên các trà lúa ở giai đoạn làm đòng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, đặc biệt ở những ruộng xanh tốt, ruộng bướm dồn.

Ngoài ra, rầy cám trong thời gian tới sẽ nở rộ trên các trà lúa từ nay đến đầu tháng 5. Rầy lứa 2 có khả năng gây hại lúa cục bộ ở tất cả các địa phương trong tỉnh từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 và là nguồn quan trọng của lứa 3 từ giữa tháng 5 đến cuối vụ.

Còn đối với cây ngô, sâu keo mùa thu sẽ gây hại gia tăng. Bệnh đốm lá, bệnh khô vằn sẽ xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác.

Nhằm chủ động phòng trừ sâu, bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra đối với cây trồng năm 2020; phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng (thời điểm áp lực sâu, bệnh cao phải tăng cường cán bộ kỹ thuật chỉ đạo kể cả ngày nghỉ và ngày lễ) điều tra, dự tính dự báo sâu, bệnh; thông báo chính xác, kịp thời và hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Tăng cường công tác điều tra, dự báo sâu bệnh.

Tăng cường công tác điều tra, dự báo sâu bệnh.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.