| Hotline: 0983.970.780

Hướng dẫn gieo cấy lúa BC15 vụ xuân

Thứ Ba 05/10/2010 , 10:24 (GMT+7)

Đặc điểm nổi trội của giống là: Năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng thích ứng rộng, chịu rét khá.

BC15 là giống lúa thuần do công ty CP Giống cây trồng Thái Bình chọn lọc, được Bộ NN-PTNT công nhận giống Quốc gia tháng 12/2008. Sau khi được công nhận, giống lúa BC15 đã được bà con nông dân đưa vào sản xuất ở nhiều vùng sinh thái khác nhau trong cả nước. Đặc biệt vụ xuân năm 2009, BC15 đưa vào sản xuất ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ với diện tích khá lớn, đáng tiếc có những hộ nông dân cấy BC15 bị nhiễm đạo ôn ảnh hưởng đến năng suất, một số người đã băn khoăn tỏ ra nghi ngờ vị trí của BC15 trong cơ cấu vụ xuân.

Mặc dù vậy, do giống có nhiều ưu việt, vụ xuân 2010 BC15 vẫn được đưa vào sản xuất ở nhiều tỉnh với quy mô diện tích lớn hơn. Đặc điểm nổi trội của giống là: Năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng thích ứng rộng, chịu rét khá.

Thái Bình đã đưa BC15 vào sản xuất ở vụ xuân 2010 với quy mô diện tích lớn, có nhiều nơi cấy BC15 với tỷ lệ diện tích rất cao như xã An Mỹ, Quỳnh Phụ diện tích cấy lúa toàn xã vụ xuân có 500 ha thì 479 ha được cấy BC15. Xã Điệp Nông, Hưng Hà vụ xuân chủ yếu được cấy bằng giống lúa BC15.

Nhờ cấy BC15 với tỷ lệ diện tích cao, Thái Bình đã trúng mùa to. Không chỉ riêng Thái Bình mà vụ xuân 2010 nhiều tỉnh cấy BC15 đều đạt năng suất cao. Chúng tôi đã tìm hiểu các hộ nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp về vấn đề: Kỹ thuật gieo cấy BC15 thế nào để hạn chế được sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn để đạt năng suất cao? Câu trả lời được tổng kết 5 vấn đề sau:

Thứ nhất: Phải thực hiện nghiêm túc thời vụ gieo cấy: Thời gian sinh trưởng của BC15 vụ xuân ở miền Bắc 135 – 138 ngày, Bắc Trung bộ 130 – 135 ngày, Nam Trung bộ và Tây Nguyên 120 – 125 ngày. Vụ mùa ở miền Bắc 115 – 120 ngày, Bắc Trung bộ 110 – 115 ngày, Nam Trung bộ và Tây Nguyên 103 – 105 ngày.

BC15 là giống cảm ôn, yêu cầu nhiệt độ khi trỗ bông phơi màu tốt nhất là 25 – 27oC, vì vậy vụ xuân các tỉnh miền Bắc phải bố trí lịch gieo cấy cho BC15 trỗ từ 5/5 đến 15/5. Nếu gieo cấy sớm BC15 sẽ trỗ trong tháng 4 tỷ lệ lép cao, năng suất thấp (vì tháng 4 là tháng 3 âm lịch còn có rét Nàng Bân, nhiệt độ trung bình từ 22 – 23oC, không đáp ứng yêu cầu nhiệt độ trỗ bông của BC15). BC15 trỗ sau 20/5 thì nhiệt độ đảm bảo nhưng lại bị sâu đục thân cuối vụ phá hoại do đó lịch gieo cấy BC15 của các tỉnh miền Bắc như sau:

Phương thức gieo mạ non trên nền đất cứng, gieo từ 1/2 - 5/2, cấy 18/2 đến 25/2. Nếu gieo thẳng thì gieo từ 15/2 – 20/2. Đối với các tỉnh Bắc Trung bộ vụ đông xuân thường nền nhiệt độ cao hơn và để né tránh gió Lào khi lúa trỗ, phương thức gieo mạ dược dầy gieo từ 10/1 – 15/1, cấy 25/1 – 30/1. Nếu gieo thẳng gieo từ 20/1 – 1/2, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên gieo sạ từ 25/12 đến 5/1.

Thứ 2: Bố trí chân đất thích hợp để cấy BC15.

BC15 đẻ nhánh khoẻ, bộ rễ ăn sâu, thân lá phát triển mạnh vì vậy vụ xuân nên cấy BC15 ở chân đất vàn và vàn trung bình là tốt nhất. Không cấy BC15 ở chân đất trũng hẩu sâu mầu, vì đất trũng sâu mầu rất giầu đạm. BC15 rễ ăn sâu, cuối vụ gặp mưa lượng đạm được huy động lên lá nhiều, dẫn đến thừa đạm, lá mềm yếu, rậm rạp, trời âm u ẩm độ cao là môi trường để bệnh đạo ôn phát triển.

Thứ 3: Phải thực hiện tốt quy trình kỹ thuật bón phân.

Phải bón cân đối (bón đủ đạm, lân, kaki và một số phân bón khác), yêu cầu lượng phân bón cho BC15 ở vụ xuân như sau:

Phân chuồng 12 - 15 tấn/ha. Đạm urê 220 - 260 kg/ha. Supe lân 500- 600 kg/ha, kali 160 - 180 kg/ha (tốt nhất là dùng phân bón NPK tổng hợp).

- Cách bón: Toàn bộ phân chuồng, phân lân và 60 - 70% lượng đạm, bón lót trước khi bừa. 30% - 40% lượng đạm còn lại và 50% lượng kali bón thúc khi lúa bén rễ hồi xanh bắt đầu đẻ nhánh (bón sau cấy 17 đến 18 ngày), 50% lượng kali còn lại bón vào thời kỳ lúa đứng cái làm đòng (nếu dùng NPK tổng hợp thì bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Chú ý không được bón đạm muộn: vì đạm có tác dụng kích thích thân lá phát triển và đẻ nhánh, do đó đạm rất cần giai đoạn đầu để lúa đẻ nhánh tập trung, tỉ lệ dảnh hữu hiệu cao. Nếu bón đạm muộn làm lúa đẻ lai rai tỷ lệ dảnh hữu hiệu thấp, gặp mưa cuối vụ thân lá mềm yếu dễ bị sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn phá hoại.

Thứ 4: Thực hiện tốt mật độ gieo cấy.

BC15 là giống lúa có khả năng đẻ nhánh khoẻ, thân lá phát triển mạnh vì vậy không nên cấy dày, mật độ cấy tốt nhất là 36 - 37 khóm/m2, số dảnh một khóm từ 2 - 3 dảnh.

BC15 có thể dùng để gieo sạ, gieo thẳng rất tốt, vừa hạn chế được bệnh đạo ôn lại tiết kiệm được thóc giống.

Nếu gieo thẳng 1ha chỉ cần 40 - 45kg thóc giống, trong khi đó gieo mạ để cấy phải mất 50 - 55kg, gieo thẳng còn rút ngắn được thời gian sinh trưởng của BC15 từ 7 - 10 ngày.

Thứ 5: Phải phòng trừ sâu bệnh một cách kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật). Nhất là bệnh đạo ôn khi thấy vết bệnh mới xuất hiện phải dùng thuốc đặc hiệu phun ngay như: DiFuSan 40EC; FuJione 40WD; Kabim 30WP; Katana 20SC...

Bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trên, cấy BC15 ở vụ xuân nếu không bị các điều kiện ngoại cảnh bất khả kháng chi phối, chắc chắn BC15 sẽ cho năng suất cao.

Để biết thêm thông tin về giống lúa BC15, xin liên hệ Công ty CP giống cây trồng Thái Bình qua điện thoại 0912.745.733.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm