| Hotline: 0983.970.780

Hướng nuôi biển công nghiệp giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD

Thứ Sáu 24/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Phát triển nuôi biển công nghiệp Việt Nam là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa đột phá cho kinh tế biển Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA). Ảnh: KS.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA). Ảnh: KS.

Nhằm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Đảng về Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế biển trong thời kỳ mới, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2019 để xem xét phê duyệt.

PV Báo NNVN có cuộc trao PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) xung quanh vấn đề này.

Kỷ nguyên của nuôi biển

Thưa ông, tại sao người ta nói thế kỷ 21 là kỷ nguyên của nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển xa bờ?

Biển và đại dương chiếm 70% diện tích địa cầu, nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 1,7% khối lượng thực phẩm của thế giới, trong đó, sản phẩm nuôi biển chỉ mới chiếm chưa đầy 0,5%. Trong nhiều thập kỷ qua ngành công nghiệp khai thác hải sản đã phát triển với cường lực quá cao, thực chất đây là những hành động “hái lượm và săn bắt” với công nghệ ngày càng hiện đại, gây hiện tượng lạm dụng khai thác với đa số các loài hải sản có giá trị kinh tế. Nguồn lợi sinh vật của đại dương đang bị khai thác quá mức, mất khả năng tự tái tạo, ảnh hưởng rất xấu đến tính cân bằng của hệ sinh thái biển và đại dương.

Nuôi biển theo công nghệ Na Uy tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi biển theo công nghệ Na Uy tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Trong khi ấy, dân số ngày càng tăng nhanh, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hải sản đang tăng cao và rất đa dạng, khiến cho mâu thuẫn cung - cầu về hải sản trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt. Theo FAO, đến năm 2030, thế giới cần thêm 19 triệu tấn hải sản so với 2015 mới bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng.  

Do đó, để tận dụng lâu bền “cánh đồng cuối cùng của hành tinh” trong thế kỷ 21, nhân loại cần canh tác biển và đại dương, gọi tắt là nuôi biển.

So với nuôi động vật trên cạn, nuôi biển được đánh giá cao hơn về hiệu quả kinh tế - môi trường, do có năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn (FCR của cá biển sử dụng thức ăn viên chỉ từ 1,0 – 2,5; trong khi động vật trên cạn 4,0 - 8,0), lại ít gây tác hại tới môi trường.

Ngoài cá, có thể phát triển nuôi với sản lượng lớn những loài động vật thân mềm (hàu, vẹm, nghêu, sò, trai, ốc…). Trồng rong biển có thể đạt 400kg protein/ha/năm (so với trồng cây trên đất chỉ thu 16kg/ha/năm) mà không hề tốn phân, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, lại có tác dụng rất lớn làm giảm CO2 và hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm khác trong khí quyển và đại dương...

Để khai thác những tiềm năng to lớn ấy, hiện nhiều quốc gia chạy đua phát triển nuôi biển công nghiệp xa bờ.

Trung Quốc là một thí dụ. Họ coi phát triển nuôi biển là một quốc sách trong những thập niên sắp tới. Năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc đã vượt 50 triệu tấn, chiếm 78% tổng sản lượng thủy sản của cả nước, đứng đầu thế giới. Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi trồng trị giá 23,3 tỷ USD, thặng dư thương mại là 7,5 tỷ đôla.

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 178 trại nuôi biển ngoài khơi thí điểm. Riêng tại đảo Hải Nam, mới đây một tập đoàn lớn vừa được thành lập từ ba đơn vị quốc doanh, đã xây dựng dự án đầu tư 1 tỷ USD vào đóng hàng loạt lồng cực lớn nuôi cá biển khơi bằng thép (đường kính 120m, chiều cao 69m, tổng trọng lượng hơn 8.000 tấn) để thả vào Vịnh Bắc Bộ.

Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp quyết liệt phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững, nhất là ở vùng xa bờ.

Chiến lược nuôi biển của Việt Nam

Vậy Việt Nam có định hướng ra sao để tận dùng tiềm năng để phát triển nuôi biển công nghiệp xa bờ, thưa ông?

Việt Nam là quốc gia hàng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2007, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã vượt hơn sản lượng khai thác thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vượt 9 tỷ USD năm 2018, đứng thứ 5 thế giới.

Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng hải sản khai thác từ biển ngày càng hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản.

Riêng về hải sản, mức độ đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản chỉ ở mức dưới 20% công suất thiết kế của nhà máy. Đói nguyên liệu đang là nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả của ngành chế biến xuất khẩu hải sản.

Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2019. Ảnh: KS.

Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2019. Ảnh: KS.

Do đó, phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp là giải pháp chiến lược chủ động tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phát điện, phân bón sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tốt hơn môi trường biển, tạo công ăn việc làm mới cho hàng chục vạn ngư dân.

Cũng như tăng cường sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam theo phương thức rất hòa bình và thân thiện, đưa Việt Nam trở thành cường quốc trên thế giới về nuôi biển.

Cụ thể, chiến lược này ra sao, thưa ông?

Mục tiêu chiến lược là sắp xếp lại để ổn định vùng nuôi có hiệu quả ven biển, đảo gần bờ, bảo đảm môi trường sinh thái; phát triển mạnh theo hướng bền vững nuôi biển công nghiệp vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.

Theo đó đến 2030: Diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng đạt 1.750.000 tấn, giá trị XK hải sản nuôi đạt 4 - 6 tỷ USD.

Trong đó, riêng về nuôi biển xa bờ có sản lượng 690.000 tấn (cá biển 450.000 tấn, rong biển 100.000 tấn, nhuyễn thể 100.000 tấn, giáp xác 20.000 tấn, sản phẩm khác 20.000 tấn). Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học, trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta.

Đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị XK hải sản nuôi. Sản lượng nuôi biển đạt 3-4 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nếu có chính sách thích hợp tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác biển, Việt Nam có những tiềm năng phát triển vô cùng to lớn.

Cụ thể, như phát triển nuôi những loài cá biển có giá trị kinh tế cao như: cá chim, cá giò, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá mú, cá ngừ, cá cam… sử dụng lồng nổi HDPE (chịu được bão cấp 12), các loại lồng chìm và bán chìm đa dạng, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết ở vùng biển sâu. Mục tiêu năm 2030: 600.000 tấn cá biển nuôi; giá trị nguyên liệu 3-4 tỷ USD.

Tận dụng tiềm năng các vùng cửa sông, ven biển phát triển mạnh nuôi cá nước lợ có giá trị cao (cá nhụ, cá đối mục, cá dìa, cá măng...) theo quy mô công nghiệp. Từ đó sẽ tạo sinh kế ổn định cho ngư dân các tỉnh ven biển, góp phần cải tạo môi trường vùng ao nuôi tôm đã bị thoái hóa. Mục tiêu năm 2030: 200.000 tấn cá nước lợ; giá trị 1 tỷ USD.

Nghiên cứu phát triển, du nhập và tiếp tục hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo, tổ chức ương nuôi giống chất lượng cao và sử dụng thức ăn nhân tạo phục vụ nuôi tôm hùm, tôm mũ ni và các giáp khác giá trị kinh tế cao trong lồng trong biển hoặc trong các trại với hệ thống RAS trên bờ. Mục tiêu 2030: 30.000-50.000 tấn; giá trị 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh nuôi công nghiệp tập trung 4 loài trai ngọc có giá trị kinh tế cao (Pinctada martensii, P. margaritifera, P. maxima và Pteria penguin) trong các vùng ven biển ít sóng gió; đồng thời phát triển công nghiệp chế tác và thương mại ngọc trai. Mục tiêu 2030: 200 tấn ngọc (kích thước 7,0 - 10 mm), doanh thu thô 3-5 tỷ USD, chế biến thành thương phẩm có thể đạt 8 tỷ USD.

Phát triển, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống và nuôi một số đối tượng XK như bào ngư, sò huyết, điệp quạt, ốc hương, hầu, vẹm xanh, tu hài... kết hợp với bảo tồn một số loài quí hiếm như: Bàn mai, trai tai tượng, ốc gai, ốc đụn, ốc mặt trăng, ốc tù... Mục tiêu 2030: Sản lượng 500.000 tấn; giá trị 2 tỷ USD.

Chú trọng những loài có năng suất và giá trị cao như rong nho, rong câu, rong sụn, rong mơ để làm thực phẩm và sản xuất các keo rong như carrageenan, agar, alginate...

Hơn nữa những loài rong có đặc tính sinh học đặc biệt phục vụ công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ. Trồng rong còn hấp thu khí nhà kính, hấp thụ các chất ô nhiễm, làm sạch nước, cản sóng biển xâm thực bờ, tạo môi trường cho các đàn cá trú ẩn, sinh sôi nảy nở. Mục tiêu 2030: Sản lượng 1 triệu tấn rong trồng; giá trị các sản phẩm rong sau chế biến và thương mại: 1 tỷ USD.

Ngoài ra, phát triển nuôi các loài thân mềm, động vật đáy, động vật da gai và các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao khác, như cua biển, ghẹ, mực ống, bạch tuộc, hải sâm, hải miên, cá cảnh biển... Mục tiêu năm 2030: sản lượng 70.000-100.000 tấn.

Theo ông Dũng, nếu được cung cấp đầy đủ nguyên liệu từ nuôi biển, công nghiệp chế biến hải sản hiện có của Việt Nam sẽ phát huy được năng lực thiết bị, đưa xuất khẩu hải sản lên tầm cao mới.

Đồng thời, cần tăng cường du nhập và phát triển ứng dụng công nghệ vi sinh và các công nghệ cao khác để chiết suất các tinh chất, vi chất từ phế liệu chế biến và phụ phẩm hải sản, phục vụ cho y dược, hóa mỹ phẩm và các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu 2030: tận dụng 50-70% phế liệu hải sản, để sản xuất sản phẩm giá trị cao.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.