| Hotline: 0983.970.780

Hương Tết Lai Triều

Thứ Tư 21/01/2015 , 12:38 (GMT+7)

Đất Lai Triều, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã lưu giữ, truyền đời nghề làm hương truyền thống ngót 400 năm nay.

Thế hệ người dân Lai Triều vẫn nhớ công ơn của ông tổ nghề là cụ Bùi Nhân Toàn, là người nơi khác, khi đi qua đất Lai Triều, thấy mảnh đất màu mỡ, có nhiều cây hương bài nên cụ đã dừng chân nơi đây và truyền dạy nghề làm hương cho người dân.

Về thôn Lai Triều những ngày cuối năm, mùi hương thơm tỏa đi muôn nẻo, những ngày đông hanh hao, người dân phơi hương trên những khuôn tre ven đường khiến không khí tết càng rộn ràng ngõ xóm.

Hương được làm quanh năm nhưng làm nhiều nhất là vào khoảng tháng 8 âm lịch cho tới tháng 2 năm sau. Trong khoảng thời gian này, hương Lai Triều xuất ra thị trường khối lượng lớn để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và phục vụ lễ hội trong vùng cũng như các tỉnh lân cận.

Hương Lai Triều thường có mùi hương đặc trưng riêng, rất thơm nhưng không quá ngột ngạt, bởi 100% nguyên liệu làm hương là những cây cỏ thiên nhiên, trong đó có cây hương bài, nguyên liệu chính để làm nên thương hiệu hương Lai Triều nổi tiếng xưa nay.

Quy trình sản xuất hương ở Lai Triều vẫn được người dân nơi đây duy trì cách làm truyền thống. Các công đoạn làm hương chủ yếu là thủ công, chưa sử dụng máy móc hiện đại.

Đầu tiên là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô, người sản xuất phải trộn nhựa trám với bột than tồn tính, tạo nên hỗn hợp khô, dẻo quánh như nhựa đường, mía và rễ hương bài cũng được băm phơi khô, nghiền nhỏ và trộn đều.

Tăm tre sau khi được vuốt với hỗn hợp than và nhựa trám được lăn đều qua hỗn hợp mía và rễ hương. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những que hương làm ra đều tăm tắp, được bó thành từng bó và phơi khô dưới nắng.

Từ công đoạn sản xuất đến công đoạn phơi khô được làm tự nhiên nên hương Lai Triều luôn có một vị thơm ngọt ngào thanh khiết, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

10-46-47__mg_0435
Công đoạn làm hương đòi hỏi sự tỷ mỉ và khéo léo

Để khẳng định thương hiệu, duy trì và phát triển nghề làm hương truyền thống, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ vốn, mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất cũng như khuyến khích người dân áp dụng khoa học công nghệ góp phần hiện đại hóa làng nghề.

Cho đến nay, nghề làm hương truyền thống ở xã Thụy Dương đã trở thành một nghề chính, phát triển song hành với sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện tại, thôn Lai Triều có 170 hộ thì có hơn 120 hộ làm hương, thu hút hàng trăm lao động. Trong đó, có 10 hộ sản xuất thường xuyên.

Trung bình mỗi tháng các hộ sản xuất gần 1.000.000 que hương. Sản phẩm của nghề không chỉ được người trong tỉnh Thái Bình ưa chuộng mà còn tiêu thụ và tạo dựng được thương hiệu vững chắc trên cả nước.

Với giá bán hiện nay, hai loại hương nén và hương sào có giá từ 10.000đ/nắm đến hơn 100.000đ/nắm. Chính vì thế, thu nhập của người làm hương đạt từ 2 – 2.200.000đ/người/tháng, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Thụy Dương cho biết: “Đối với người dân Lai Triều, làm hương không chỉ là một nghề lúc nông nhàn mà còn tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho mọi người từ người già đến trẻ nhỏ.

Hiện tại, đang là thời điểm sản xuất sôi động, các hộ dân tập trung sản xuất hương phục vụ nhu cầu của thị trường trong và sau tết. Để giữ được thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề, mỗi hộ đều có bí quyết riêng. Hương Lai Triều vừa thơm vừa không có hóa chất nên sức tiêu thụ mạnh”.

Tết Nguyên đán đã cận kề, hương Lai Triều lại tỏa đi khắp nẻo, mang theo hương vị tết đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.