| Hotline: 0983.970.780

Hướng tới nông thôn mới hiện đại, văn minh

Thứ Năm 09/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Nhận diện và đối chiếu với điều kiện thực tế, các địa phương ở Bình Định đã chủ động, linh hoạt xây dựng phương án xây dựng nông thôn mới phù hợp.

Nhận diện điểm mới để linh động thích ứng

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) Bình Định, về cơ bản, Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021 - 2025 vẫn giữ nguyên bố cục, nội dung bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 gồm 19 tiêu chí. Tuy nhiên, điểm mới của bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 là tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn trước.

Ví như giai đoạn 2016 - 2020, tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm chỉ có 8 chỉ tiêu, nhưng giai đoạn 2021 - 2025 tăng lên 10 chỉ tiêu. Trong đó, theo phân cấp, chỉ tiêu về đất cho cây xanh sử dụng công cộng tại khu dân cư do Bộ NN-PTNT quy định; chỉ tiêu về mai táng do UBND tỉnh quy định cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương. Ngoài ra, các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường cũng được điều chỉnh nâng cao, nghiêm ngặt hơn trước.

Nhận diện những điểm mới trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 và đối chiếu với điều kiện thực tế, các địa phương ở Bình Định chủ động, linh hoạt xây dựng phương án thực hiện phù hợp. Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, sau khi được công nhận huyện NTM, Phù Cát đã dồn toàn lực xây dựng huyện NTM nâng cao. Hiện Phù Cát đã rà soát các tiêu chí, tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ các xã thực hiện. Huyện này cũng đang tập trung giải quyết 2 tiêu chí mới là 100% người chết phải được hỏa táng và người dân khám sức khỏe điện tử.

Đường nông thôn mới ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đường nông thôn mới ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ngay khi về đích NTM, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) đã khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo hoàn thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó đặc biệt tập trung việc xử lý môi trường ở khu vực nông thôn. Hiện xã Cát Minh đã thành lập 5 tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở các thôn Trung Chánh, Trung An, Xuân An, Gia Thạnh và Gia Lạc. Những tổ này tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; tổ chức tập huấn cho các hộ dân về thu gom và phân loại rác tại nguồn, ưu tiên tái chế, tái sử dụng.

Huyện Tây Sơn cũng rà soát toàn bộ tiêu chí, đánh giá lại từng tiêu chí cụ thể để tìm ra những tồn tại để đề ra kế hoạch, giải pháp xử lý phù hợp. Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, qua rà soát, trên địa bàn huyện có xã Vĩnh An chưa đảm bảo tiêu chí sản xuất, nên huyện hỗ trợ xây dựng một số mô hình về cây trồng cạn, phát triển rừng gỗ lớn... Bên cạnh đó, Tây Sơn cũng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

Một năm “bội thu” xã NTM nâng cao

Có thể nói, 2023 là năm Bình Định “bội thu” xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cuối tháng 7 vừa qua, huyện Tây Sơn tổ chức lễ công bố quyết định công nhận xã Bình Tường đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Xã Bình Tường bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao với xuất phát điểm thấp, thời gian thực hiện ngắn, đặc biệt là các tiêu chí cần nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng. Trong khi đó, vào tháng 3/2022, Chính phủ ban hành mới bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu cao hơn rất nhiều so với bộ tiêu chí cũ.

Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của toàn thể người dân nên phong trào xây dựng NTM nâng cao ở xã Bình Tường đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Tường năm 2022 đạt 53,4 triệu đồng/năm, tăng hơn 30,5 triệu đồng/người so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,99%.

Cùng lúc, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) cũng vừa tổ chức đón nhận Bằng đạt chuẩn NTM nâng cao và phát động xây dựng xã thành phường. Sau khi về đích NTM năm 2014, xã Nhơn Lộc tiếp tục duy trì và nâng cao 19 tiêu chí, đến cuối năm 2022 cả 19 tiêu chí đều đạt và vượt theo tiêu chí NTM nâng cao.

Điểm nổi bật là xã Nhơn Lộc tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ. Hiện thương mại - dịch vụ của Nhơn Lộc chiếm 28,56%; nông - lâm - thủy sản giảm còn 19,58%. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt gần 56 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2013; hộ nghèo giảm còn 2,3%.

Bên cạnh đó, xã Nhơn Lộc còn đẩy mạnh chỉnh trang, phát triển hạ tầng giao thông và khu dân cư đồng bộ theo hướng đô thị. Nâng cấp và mở rộng 28 tuyến đường với chiều dài 18,3km theo chuẩn đường đô thị, các tuyến đường xóm và ngõ xóm đều bê tông hóa đạt 100%, đường nội đồng bê tông và cứng hóa đạt 100%. Cũng trong thời gian này, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) cũng được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 và phát động xây dựng xã thành phường…

Theo ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, trong năm 2022 toàn tỉnh này có 10 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua thẩm định thực tế và đánh giá, trong năm 2023, cả 10 xã nói trên đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.