| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận còn khó khăn

Thứ Ba 07/11/2023 , 14:48 (GMT+7)

Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, dù bối cảnh gặp khó khăn nhưng Ninh Thuận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song vẫn còn đó những khó khăn.

Những kết quả đáng ghi nhận

Giai đoạn 2021 - 2025, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận được triển khai trong bối cảnh khó khăn, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận được triển khai đồng bộ và đạt được mục tiêu cơ bản theo kế hoạch đề ra hàng năm.

Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa giúp người dân thuận tiên đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ảnh: TL.

Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa giúp người dân thuận tiên đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ảnh: TL.

Lĩnh vực phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, vệ sinh môi trường đã được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, duy tu bảo dưỡng. Các địa phương huy động tốt các nguồn xã hội hóa để nâng mức các tiêu chí. Chất lượng tiêu chí các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cơ bản được duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng theo yêu cầu của bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận đã có 2/7 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 31/47 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 66%; trong đó có 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tiêu chí bình quân trên xã đạt 16,19 tiêu chí/xã; 38/254 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 15%, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Còn đó những khó khăn

Bên cạnh những thành quả kể trên, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, nhiều văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương liên quan đến xây dựng nông thôn mới ban hành khá chậm, trong quá trình triển khai lại phải điều chỉnh, bổ sung, do đó làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

“Đặc biệt, việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí, nội dung không phù hợp với thực tế, khó thực hiện. Ấy là do các Bộ, ngành đều có văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí của ngành mình quá cao, cần phải sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.

Du lịch khám phá, trải nghiệm vườn nho ở Ninh Thuận luôn là điểm thu hút du khách. Ảnh: TL.

Du lịch khám phá, trải nghiệm vườn nho ở Ninh Thuận luôn là điểm thu hút du khách. Ảnh: TL.

Cũng theo ông Đặng Kim Cương, khó khăn nhất trong việc hoàn thành các mục tiêu theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh này là phải đảm bảo có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó bao gồm các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III như Ma Nới (huyện Ninh Sơn) và Phước Hà (huyện Thuận Nam) và 2 xã của huyện Bác Ái.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở Ninh Thuận chưa có xã nào đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, nghèo đa chiều và mức đạt hiện nay của các xã còn khá thấp so với yêu cầu đạt chuẩn của tiêu chí. Mức thu nhập mới chỉ đạt khoảng 50% theo yêu cầu của tiêu chí.

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở Ninh Thuận còn khá cao, từ 40%-50% so với yêu cầu. Trong đó, chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới của 2 huyện Ninh Sơn và Thuận Nam phụ thuộc vào kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của 2 xã Ma Nới và Phước Hà. Nếu không có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu này.

Theo ông Đặng Kim Cương, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid 19 xảy ra trong những năm 2020-2021, cộng vào đó là tình hình sản xuất, kinh doanh những năm gần đây không thuận lợi đã ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Thêm vào đó, các nội dung thành phần của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 đều bổ sung thêm nhiều nội dung, chỉ tiêu mới.

“Yêu cầu đạt chuẩn các tiêu chí hiện đều cao hơn giai đoạn trước nên khó thực hiện. Các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành chậm, nội dung chưa sát với thực tế, khó cập nhật đầy đủ và hiểu cặn kẽ, tường tận. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa được đồng bộ. Các Sở, ngành được phân công phụ trách địa bàn, tiêu chí chưa thật sự chủ động, quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Chất lượng đội ngũ giúp việc còn thiếu, thường xuyên thay đổi, xáo trộn và yếu từ tỉnh đến xã nên chất lượng, hiệu quả tham mưu giúp việc chưa cao”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.