Ở xã cũng có sàn thương mại điện tử
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn thông qua việc cung cấp công nghệ và giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, cung cấp các dịch vụ công cộng tốt hơn.
Tại Bắc Giang, thời gian qua, cùng với chuyển đổi số toàn diện, chuyển đổi số ở cấp xã gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm thực hiện trong thời gian qua để đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị giúp xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực nông thôn và đô thị.
Xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên là địa phương thuần nông với thế mạnh có nhiều loại cây ăn quả như: vải sớm, ổi, vú sữa,… Đây đều là các sản phẩm nông sản chủ lực nên trước đây việc sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, từ khi xã Phúc Hòa được lựa chọn là xã điểm của tỉnh Bắc Giang để thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã, những khó khăn này đã dần được tháo gỡ.
Qúa trình triển khai thí điểm, xã Phúc Hòa được tỉnh Bắc Giang đầu tư khá đồng bộ từ cơ sở hạ tầng viễn thông đến xây dựng bộ phận điều hành thông minh và triển khai hệ thống camera an ninh cùng với đó là các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, hệ thống dịch vụ công và một cửa điện tử, sử dụng chữ ký số chuyên dùng.
Bên cạnh đó, xã Phúc Hòa được hỗ trợ xây dựng sàn thương mại điện tử để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng. Trên sàn giao dịch này, các hộ sản xuất kinh doanh và người dân có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trao đổi mua bán và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa.
Đến nay toàn xã Phúc Hòa đã có gần 200 gian hàng đăng ký trên sàn thương mại điện tử này với các sản phẩm chủ lực như: vải sớm, ổi, bưởi, mật ong hoa vải, rượu,… 100% doanh nghiệp hộ kinh doanh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng các hình thức dựa trên nền tảng số.
Mặt khác, hơn 80% hồ sơ công việc của xã Phúc Hòa được xử lý trên môi trường mạng, 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận được cập nhật quản lý giải quyết điện tử nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, 100% cán bộ công chức thực hiện chữ ký số.
Ông Phạm Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên cho biết: “Thực hiện công tác chuyển đổi số, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện để chương trình chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới và đem lại hiệu quả cao trong sự phát triển chung của địa phương”.
Hệ sinh thái số đến với nông dân
Tại huyện Việt Yên, xã Quảng Minh là đơn vị được chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi số và cũng ghi nhận những kết quả nổi bật. Trong xây dựng chính quyền số, Quảng Minh đã trở thành điểm sáng trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công việc, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả điện tử luôn đạt 100%, 82% thủ tục hành chính của xã được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 26% thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 4.
Về phát triển kinh tế số, trên địa bàn xã Quảng Yên, 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể áp dụng hóa đơn điện tử và nộp thuế điện tử, 100% sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, sản phẩm chủ lực đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã tham gia các sàn thương mại điện tử.
Riêng vấn đề xã hội số, được sự hỗ trợ, phối hợp của Viettel Bắc Giang, xã Quảng Minh đã thực hiện đăng ký cho 3.000 người dân mở tài khoản và có giao dịch thanh toán số qua Viettel money và phát triển thành công phương thức thanh toán mã QR cho 197 cửa hàng kinh doanh tại hai tuyến đường chính của xã. 100% các cửa hàng kinh doanh trên hai tuyến đường, 70% tổng số lượng cửa hàng tiểu thương buôn bán trên địa bàn xã Quảng Minh được tạo mã QR thanh toán qua Viettel money.
Đáng nói, từ tháng 5/2023, xã Quảng Minh đã thực hiện chi trả lương, trợ cấp cho 100% cán bộ công chức từ xã đến thôn và gần 700 người có công, người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng qua tài khoản Viettel money. Nhiều trường học trên địa bàn cũng đang triển khai thu các khoản thu trên hệ thống này, mỗi một lần người dân thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được cộng trở lại tài khoản 5.000 đồng. Bằng cách này, xã Quảng Minh đã thu hút rất đông người dân mở tài khoản Viettel money và thực hiện các giao dịch mua bán không dùng tiền mặt.
Bà Trần Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết: “Tôi cũng thực hiện chỉ đạo các trường học để tuyên truyền, vận động người dân là phụ huynh học sinh thanh toán toàn bộ các khoản thu của học sinh qua app Viettel money, không dùng tiền mặt. Thực hiện phần mềm này, mỗi một học sinh sẽ được tạo một cái mã số riêng và phụ huynh sẽ thực hiện chuyển tiền để thanh toán các loại đóng góp với nhà trường thông qua cái mã số đó mà không cần thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp. Theo cách này, mỗi trường học chỉ cần 1 kế toán và 1 thủ quỹ là có thể kiểm soát công khai minh bạch các khoản thu của nhà trường”.
Để khắc phục tình trạng khó khăn trong việc thanh toán số do hệ thống ngân hàng ở xa và mạng lưới các cây ATM chưa có tại địa phương, xã Quảng Minh đã phối hợp thiết lập 3 điểm cung cấp dịch vụ Viettel money trên địa bàn để phục vụ người dân nạp, rút tiền, chuyển tiền và các dịch vụ tài chính khác.
Anh Trần Văn Hà, trú tại thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh cho biết: Trước đây muốn rút hay chuyển tiền đều phải đi rất xa, trong một số trường hợp rút tiền nhiều thì phải vào đúng ngày, giờ làm việc của ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi có dịch vụ này, việc rút, chuyển tiền được thực hiện ngay ở địa phương, rất tiện lợi. “Giờ đây vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, trong tất cả các khung giờ, người dân đều thực hiện được việc chuyển hoặc rút tiền ngay tại địa bàn xã Quảng Minh nếu như có nhu cầu. Tôi thấy quá tiện lợi”, anh Hà bày tỏ.
Lan tỏa cách làm hay
Hiệu quả và cách làm của xã Quảng Minh và xã Phúc Hòa trong chuyển đổi số cho thấy chương trình này đã thực sự mang lại kết quả rất hữu ích, giúp cán bộ công chức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, tính chính xác cao. Còn người dân sẽ tiết kiệm nhiều thời gian công sức khi thực hiện các thủ tục hành chính và các sản phẩm chủ lực của địa phương được lan tỏa, nâng giá trị.
Từ cách làm này, quá trình xây dựng NTM, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và coi đó là chìa khóa để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nâng chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn - thành thị phù hợp với định hướng chuyển đổi số của tỉnh từng bước hướng tới NTM thông minh.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có tối thiểu 95% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường số. Đồng thời, sẽ có tối thiểu 97% xã đạt chuẩn chỉ tiêu có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành theo tiêu chí về thông tin và truyền thông của bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có ít nhất 70% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu của tiêu chí về an ninh trật tự - hành chính công, 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, đến năm 2025 Bắc Giang phấn đấu có ít nhất 70% xã có hợp tác xã, 70% huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 15 thôn NTM thông minh; xây dựng 1 mô hình xã thương mại điện tử tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) do Trung ương chỉ đạo; xây dựng mô hình xã thương mại điện tử do địa phương chỉ đạo tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn).
Bên cạnh đó, đến năm 2025, Bắc Giang sẽ có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến. Mỗi xã nông thôn mới kiểu mẫu phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thông minh theo tiêu chí NTM thông minh.