| Hotline: 0983.970.780

Xã đầu tiên ở Đắk Nông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Thứ Ba 07/11/2023 , 06:45 (GMT+7)

Sau thời gian nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng của người dân, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố xã Đắk Wer đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Đây là xã đầu tiên của tỉnh này đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành quả này có được là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân xã Đắk Wer cũng như sự hỗ trợ, định hướng của các cấp, các ngành.

Ông Nguyễn Thiện Trung (ngụ thôn 15) cho rằng, 5 năm trở lại đây từ khi thực hiện các mục tiêu nông thôn mới địa phương đã có bước phát triển. Bản thân ông và gia đình rất ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới bởi đây là chương trình mà người dân được hưởng lợi nhiều. Chính vì thế, người dân đã đồng lòng, chung sức đóng góp hàng tỷ đồng, hiến nhiều diện tích đất để xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Gia đình tôi đã hiến đất để góp phần hoàn thành nhiều tuyến đường nội thôn. Ngoài hiến đất, tôi còn học tập, ứng dụng kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ngoài ra tôi còn tuyên truyền để bà con hiểu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là cơ hội để thay đổi cuộc sống ngày càng tốt hơn. Khi bà con hiểu thì mọi việc bà con chủ động làm, thậm chí làm rất tốt”, ông Trung cho biết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông trao công nhận xã nông thôn mới nâng cao cho xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp. Ảnh: Quang Yên.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông trao công nhận xã nông thôn mới nâng cao cho xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp. Ảnh: Quang Yên.

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Wer, số vốn người dân đóng góp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn thực hiện chương trình nông thôn mới. Cụ thể, tổng huy động các nguồn lực cho chương trình trên 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 12,2 tỷ đồng, chiếm 29,1%; ngân sách huyện trên 12,3 tỷ đồng, chiếm 29,3%; Nhân dân đóng góp trên 17,5 tỷ đồng, chiếm 41,5%.

Đến nay, Đắk Wer đã đạt 19/19 tiêu chí, với 75 chỉ tiêu khác nhau theo bộ Tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Nhiều tiêu chí xã đạt được ở mức khá cao, trong đó tiêu chí thu nhập đạt trên 52 triệu đồng/người/năm.

Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ cho người dân cũng luôn được quan tâm đúng mức. Hiện nay, trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Công tác khám, chữa bệnh thường xuyên được duy trì bảo đảm theo quy định, thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tại thôn, bon.

Xã có các chuỗi liên kết bền vững về hồ tiêu, cà phê, sầu riêng gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Đắk Wer đạt cao các tiêu chí như: giáo dục, trường học, văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo...

Ông Võ Ngọc Anh, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cho biết, đây là kết quả nỗ lực lớn của toàn thể nhân dân, cấp ủy, chính quyền. Để đi đúng hướng, xã đã xây dựng cho mình kế hoạch mới, phấn đấu nâng cao các tiêu chí cả về hạ tầng cơ sở và đời sống người dân. Trong đó, xã tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền để xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới kiểu mẫu.

Cụ thể, đối với tiêu chí giáo dục đào tạo. Hằng năm, địa phương đầu tư xây dựng và sửa chữa trường lớp. Vì vậy, tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đạt 100%. Việc vận động con em trong độ tuổi đến trường đạt 99%; việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THCS; số lượng giáo viên đạt chuẩn hóa 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT đạt 99%.

Tiêu chí văn hóa cũng đạt cao, với 10/10 thôn, bon đạt và luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Các giá trị văn hóa đặc trưng của bà con như cồng chiêng, dệt thổ cẩm được bảo tồn, phát huy tại bon N’doh. Xã Đắk Wer còn đạt cao các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, hộ nghèo. Kết quả thực hiện giảm nghèo có hiệu quả, năm 2020 có 106 hộ nghèo, 84 hộ cận nghèo.

Đến nay, xã giảm còn 63 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hiện trên 52 triệu đồng/người/năm. Xã có các chuỗi liên kết bền vững về hồ tiêu, cà phê, sầu riêng gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

"Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mục đích được xây dựng trên cơ sở bám sát thực tiễn. Những tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn được địa phương phân tích kỹ càng để nghị quyết, kế hoạch có thể thực hiện được, chứ không phải là văn bản suông", ông Anh chia sẻ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.