Gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Đào Thị Diệu tại khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trước đây nuôi trồng nhiều cây, con khác nhau. Dù đem về nguồn thu nhập ổn định nhưng lãi hàng năm không cao nên bà Diệu muốn tìm hướng làm ăn mới.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, sau khi tìm hiểu thông tin, học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ, vợ chồng bà Diệu cải tạo mảnh vườn sản xuất kém hiệu quả để xây dựng chuồng trại nuôi thỏ New Zealand.
Do thỏ là vật nuôi mới, mẫn cảm với thời tiết và dịch bệnh, thời gian đầu gia đình bà Diệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ kiên trì, chịu khó, quyết tâm, vợ chồng bà Diệu dần nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phát triển đàn thỏ hiệu quả.
Bà Diệu chia sẻ: “Để thỏ sinh trưởng tốt, tôi tăng cường vitamin, tiêm vacxin định kỳ để tăng sức đề kháng. Với thỏ mẹ, cần tiêm vacxin 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi tiêm 1 lần cho tới khi xuất bán. Chuồng trại nuôi thỏ phải luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Người nuôi cần thường xuyên quan sát, kiểm tra đàn thỏ, nếu thấy có biểu hiện bị bệnh, kém ăn, mệt mỏi, phải tách đàn để chăm sóc riêng...”.
Gia trại của bà Diệu nuôi theo hình thức bán công nghiệp nên thức ăn ngoài cám công nghiệp còn được bổ sung thêm phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại trang trại. Nhờ đó, gia đình bà Diệu giảm được chi phí đầu vào, tăng chất lượng thịt nên được thị trường ưa chuộng. Nhiều nhà hàng trên địa bàn huyện Hướng Hóa và tỉnh đặt vấn đề liên kết, cung cấp nguồn thỏ thương phẩm ổn định.
Phân thỏ được bà Diệu thu gom thường xuyên và ủ bằng chế phẩm Trichoderma, sau đó bón cho cây ăn quả và cỏ để cung cấp thức ăn cho thỏ.
Theo bà Diệu, mỗi năm thỏ mẹ sinh sản từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 4 kg/con có thể xuất bán với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg thỏ thịt.
Sau 5 năm nuôi thỏ thương phẩm, gia đình bà Diệu đang có gần 200m2 chuồng trại được đầu tư xây dựng khép kín, gồm hệ thống chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động, hệ thống nước, quạt mát...
Trong chuồng thường xuyên có có trên 500 thỏ mẹ và thỏ con. Ngoài thỏ thương phẩm, vợ chồng bà Diệu còn cung cấp thỏ giống với giá 120.000 - 150.000 đồng/con.
Tính ra, từ mô hình nuôi thỏ, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình bà Diệu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Thời gian tới, bà Diệu sẽ mở rộng quy mô để phát triển nuôi thỏ với số lượng lớn hơn.
Còn tại Khối 3B, thị trấn Khe Sanh, gia đình ông Phạm Văn Yên hiện nuôi hơn 300 con thỏ New Zealand. Bình quân mỗi tháng, ông xuất bán cho các thương lái, nhà hàng trong và ngoài huyện từ 2 - 2,5 tạ thỏ thịt. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Yên thu lãi gần 100 triệu đồng.
Ông Yên cho biết: “Nền nhiệt thích hợp cho sự sinh trưởng của thỏ là 25 độ C, độ ẩm từ 60 - 80%. Nhưng mùa hè ở Khe Sanh khá nóng, trung bình từ 30 - 35 độ C. Vì vậy, tôi lợp mái cao cho chuồng nuôi và dùng lưới mành phủ kín xung quanh để ánh nắng không chiếu trực tiếp vào tường giúp giảm được từ 2 - 4 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Bên trong chuồng, tôi lắp thêm nhiều quạt trần, hệ thống nước phun sương tạo không khí mát mẻ, dễ chịu cho đàn thỏ”.
Toàn huyện Hướng Hóa hiện có 10 mô hình nuôi thỏ quy mô vừa và lớn, số lượng hơn 3.000 con, tập trung chủ yếu ở thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo, xã Hướng Tân và xã Tân Lập.
Sau thời gian chuyển đổi chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình nuôi thỏ đang cho thấy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trên địa bàn huyện. Nuôi thỏ thương phẩm đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lao Bảo cho rằng, để khuyến khích nông dân phát triển mạnh mô hình nuôi thỏ công nghiệp cần hình thành hợp tác xã và tổ hợp tác để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh.
Các hợp tác xã và tổ hợp tác sẽ hỗ trợ nhau các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng những mối liên kết bền vững với tổ chức, doanh nghiệp có uy tín để có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả và bền vững.