| Hotline: 0983.970.780

Huyện Vị Thủy: Phấn đấu thu nhập 80 triệu đồng/người/năm

Thứ Hai 27/07/2020 , 08:50 (GMT+7)

Đến nay bộ mặt nông thôn của huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đã khởi sắc, địa phương có bước tiến dài trên chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy (Hậu Giang) chia sẻ quá trình xây dựng NTM của huyện. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy (Hậu Giang) chia sẻ quá trình xây dựng NTM của huyện. Ảnh: Trọng Linh.

Chặng đường dài cố gắng

Xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ then chốt, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương. Từ đó, Huyện ủy, UBND huyện Vị Thủy luôn thống nhất với một quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM sao cho hiệu quả nhất.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy chia sẻ: Trong những ngày đầu xây dựng NTM, địa phương đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân là chính và công tác này đã được triển khai đúng định hướng, có sự chuyển biến tích cực từ huyện đến cơ sở và toàn thể nhân dân.

Theo ông Hiếu, qua phát động phong trào thi đua “Vị Thủy chung sức xây dựng NTM” và phong trào này nhanh chóng có sức lan tỏa trong tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, người dân từng bước nhận thức về ý nghĩa, mục đính của chương trình và vai trò chủ thể của mình.

Ngoài công tác xây dựng NTM dựa vào các nguồn lực từ cấp trên phân bổ, địa phương còn huy động được nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp một số dự án, công trình trên địa bàn huyện. Điển hình là việc huy động xây dựng trường tiểu học Vị Thanh 3 đạt chuẩn quốc gia với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng năm địa phương đều có kế hoạch, chính sách mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn.

Tuyến đường giao thông nông thôn của huyện Vị Thủy. Ảnh: Trọng Linh.

Tuyến đường giao thông nông thôn của huyện Vị Thủy. Ảnh: Trọng Linh.

Bà Quách Ngọc Giàu, 54 tuổi, ngụ xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cho biết: NTM thật sự đã làm thay đổi làng quê này.

Trước đây, việc giao thương đi lại rất khó khăn, nhưng từ khi nhà nước có chủ trương xây dựng NTM bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, cuộc sống của người dân cũng từ đó mà thay đổi theo hướng tích cực.

Tôi rất mừng vì chủ trương xây dựng NTM, đây là hướng đi đúng đắn. Từ chỗ số đông người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước thì nay đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM.

Sau 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến nay hệ thống hạ tầng nông thôn của huyện Vị Thủy đã phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhu cầu được đầu tư lớn trong khi nguồn lực của nhà nước cũng như khả năng đóng góp của nhân dân còn hạn chế. Việc quản lý, duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng ít được chú ý, không có nguồn vốn đầu tư đảm bảo nên khó đảm bảo tuổi thọ của các công trình. 

Đời sống khấm khá hơn

Nhận thấy lợi ích từ xây dựng NTM mang lại, nên người dân trên địa bàn huyện Vị Thủy đã tích cực tham gia. Người dân luôn đồng thuận cao và sẵn sàng đóng góp công, của để cùng địa phương xây dựng làng quê ngày một khởi sắc.

Ông Thái Thuận Hòa, 60 tuổi, ngụ xã Vị Trung, huyện Vị Thủy phấn khởi: Từ khi chính quyền địa phương triển khai xây dựng NTM, gia đình tôi đồng thuận rất cao. Các con tôi đều ra sức góp ngày công lao động để xây dựng lộ làng ở địa phương.

Nhờ đó, việc đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện. Chứ ngày xưa con em đi học vất vả lắm, bây giờ thì tốt hơn nhiều rồi.

Đến nay, huyện Vị Thủy đã có 4/9 xã đạt chuẩn NTM, đạt 44,4%. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát huy sức mạnh tổng hợp.

Đội ngũ cán bộ công chức được chuẩn hóa cả về trình độ chuyên môn lẫn lý luận chính trị và kỹ năng tuyên truyền vận động quần chúng. An ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn được giữa vững, ổn định.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học nên đời sống kinh tế của người dân trong huyện ngày càng nâng cao. Ảnh: Trọng Linh.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học nên đời sống kinh tế của người dân trong huyện ngày càng nâng cao. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu cho biết: Hiện số đơn vị cấp ấp được công nhận đạt chuẩn NTM trên toàn huyện là 28/70 ấp, chiếm tỷ lệ 40%. Số tiêu chí bình quân/xã đạt là 15 tiêu chí. Trên cơ sở quy hoạch chung của huyện, các xã đã lập đề án và phối hợp với các ngành lập quy hoạch xây dựng NTM.

Hệ thống giao thông nông thôn tại 5 xã Vị Thanh, Vị Thủy, Vị Thắng, Vị Trung và Vĩnh Thuận Tây đã được đầu tư mới, nâng cấp không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Đến nay, tổng số tuyến đường trên thuộc các xã trên địa bàn huyện là 156 tuyến với tổng chiều dài 428,2 km. Trong đó có 293,8 km đường đạt chuẩn.

Song song đó, hàng năm huyện Vị Thủy đều đầu tư nạo vét các công trình thủy lợi, xây dựng trạm bơm điện, cống, bọng phục vụ khép kín hoàn chỉnh cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất lúa 3 vụ.

Tính đến tháng 7, toàn huyện có được 176 trạm bơm, trong đó có 44 trạm bơm điện và 132 trạm bơm dầu. Đầu tư 289 cống hở kiên cố, đảm bảo khép kín hoàn chỉnh trên 12.500 ha, chiếm trên 75% diện tích đất sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Có thể nói, để có được thành công trên là nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các ngành, các cấp.

Hiện tại, cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Mạng lưới trường lớp các cấp học được hoàn chỉnh, phát triển về quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động học sinh đến trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường học nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường học ở các xã NTM.

Đáng mừng, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn các xã phát triển khá phong phú, đa dạng về loại hình tổ chức hoạt động. Trong đó, chợ nông thôn đã cung ứng rất tốt các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá cho nông dân. Đến nay có 8/9 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Huyện Vị Thủy phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Trọng Linh.

Huyện Vị Thủy phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Trọng Linh.

Phấn đấu thu nhập 80 triệu đồng/người/năm

Hiện toàn huyện Vị Thủy có 19 HTX nông nghiệp, 43 tổ hợp tác, 45 câu lạc bộ khuyến nông và tổ sản xuất lúa giống.

Ngoài ra trên địa bàn huyện hiện nay có 5 mô hình trang trại, trong đó có 2 trang trại nuôi thủy sản, 3 trang trại chăn nuôi heo; xây dựng 250 mô hình sản xuất có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Có trên 280 tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất; kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất đa canh, liên kết, hợp tác.

Ông Hiếu cho biết: Nhờ xây dựng NTM nên việc sản xuất nông nghiệp phát triển phù hợp với đặc điểm của địa phương. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Nhận thức của nông dân đã chuyển biến rõ sang tư duy sản xuất hàng hóa, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Chất lượng sản xuất được nâng cao, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với mục tiêu của địa phương đề ra.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, địa phương rút ra được một số bài học kinh nghiệm như việc xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.

Đặc biệt, phải có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể.

Trong thời gian tới, huyện Vị Thủy sẽ tiếp tục thực hiện, giữ vững và phát huy phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM và mức thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm (đối với các xã đạt chuẩn).

Mười năm trước, huyện Vị Thủy  là huyện thuần nông của tỉnh Hậu Giang. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào việc trồng lúa và xen canh cây ăn trái. Cùng với đó, do đặc thù là khu vực nông thôn nên mức sống và trình độ dân trí của địa phương này còn thấp, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ. Song, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của địa phương, đến nay bộ mặt nông thôn của huyện Vị Thủy đã khởi sắc, địa phương đã có bước tiến dài trên chặng đường xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất