| Hotline: 0983.970.780

Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Thứ Ba 07/07/2020 , 15:15 (GMT+7)

Sau 10 năm nỗ lực, đến nay huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã có 10/10 xã được công nhận nông thôn mới.

Đến nay huyện Mỹ Xuyên có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay huyện Mỹ Xuyên có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Trước khi xây dựng nông thôn mới, huyện có xuất phát điểm thấp, lại có đông đồng bào dân tộc khmer sinh sống (chiếm tỷ lệ 33% dân số), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 27,63%) và là một trong những huyện nghèo của tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông Phương, Mỹ Xuyên vốn là một huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán quy mô hộ gia đình. Khó khăn nhất là tình hình biến đổi khí hậu do hạn, xâm nhập mặn cũng như thiên tai, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù công nghiệp chế biến có bước phát triển về con tôm nhưng các mặt hàng khác còn hạn chế; thị trường tiêu thụ các sản phẩm còn khó khăn; nguồn lực tài nguyên chưa được khai thác phát huy hiệu quả. 

Trường Tiểu học Gia Hòa 2 (xã Gia Hòa 2) đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh: Trọng Linh.

Trường Tiểu học Gia Hòa 2 (xã Gia Hòa 2) đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh: Trọng Linh.

Có thể nói thời điểm đó, các ngành nghề ở nông thôn, dịch vụ, kinh tế của huyện vẫn chưa phát triển. Lao động trình độ tay nghề thấp, kinh tế tập thể được quan tâm nhưng chưa phát huy được vai trò là động lực, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình.

Theo ông Phương, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới huyện Mỹ Xuyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế xã hội có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Huyện Mỹ Xuyên có 10 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 37.370,8 ha, dân số có 157.987 người. Trong đó, dân tộc Kinh 101.248 người; dân tộc Khmer 52.343 người; dân tộc Hoa 4.380 người và dân tộc khác 16 người.

Về phát triển kinh tế, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 là 1.822 tỷ đồng so với năm 2011 là 470,260 tỷ đồng, tăng 1.351,74 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp phát triển cũng tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn, nhiều hộ gia đình từ chỗ thất nghiệp, nay đã có công ăn việc làm ổn định.

Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt 22 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2019 là 48,120 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi sau 8 năm.

Bà Thạch Thị Sen, ngụ ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1 cho biết: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, việc mưu sinh hàng ngày chỉ trông chờ vào hơn 1.000m2 rau màu vụ được vụ mất, cuộc sống gia đình luôn túng thiếu, làm lụng vất vả cả ngày cũng chỉ đủ ăn. Nhưng kể từ khi triển khai  Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện có nhiều chính sách hay thu hút đầu tư, nhờ đó đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, từ đó thu nhập gia đình tôi cũng tăng lên thoát cảnh túng quẫn”.

Ông Trần Quốc Quang (người chỉ tay), Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên đi kiểm tra công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Quốc Quang (người chỉ tay), Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên đi kiểm tra công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, mỗi năm các Cty, doanh nghiệp đã giải quyết việc làm mới cho trên 2.600 lao động tại địa phương; dạy nghề cho 2.550 người, xuất khẩu lao động trên 40 người…

Về giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2019 trên toàn địa bàn đã đạt 4.305 tỷ đồng, so với năm 2011 là 2.850 tỷ đồng, tăng 1.455 tỷ đồng. Hiệu quả  sản xuất  trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2019 đạt 169 triệu đồng, so với năm 2011 là 83 triệu đồng/ha, tăng 86 triệu đồng. 

Anh Dương Văn Công, ngụ ấp Dương Kiển, xã Hòa Tú 2 cho biết: “Kể từ khi xã tôi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân quê tôi tiếp cận được nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến, nhờ đó, việc nuôi tôm của nhà đình cũng gặp nhiều thuận lợi. Nếu như mấy năm trước đây thời tiết mà nắng nóng như năm nay, thì coi như vụ tôm đã gần như mất trắng nhưng nay mỗi khi gặp thời tiết xấu gia đình tôi đã biết cách xử lý, chủ động ứng phó kịp thời”.

Ông Trần Quốc Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên, chia sẻ: Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được huyện được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt là Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới luôn thực hiện có hiệu quả.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Mỹ Xuyên. Ảnh: Trọng Linh. 

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Mỹ Xuyên. Ảnh: Trọng Linh. 

“Hơn 9 năm qua, các xã đã chủ động, tích cực thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là bố trí khung mùa vụ phù hợp, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất một cách đồng bộ, hiệu quả,…Tại 10/10 xã, đã hình thành nhiều mô hình kinh tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân”, ông Quang cho biết.

Sau 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Mỹ Xuyên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:  Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn lại 1,97% (năm 2011 là 27,63%); 10/10 xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 10/10 xã, có tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn là 34.000/34.373 hộ, đạt tỷ lệ là 98,92%; 100% ấp trên địa bàn 10/10 xã, đều có hệ thống loa hoạt động tốt, phục vụ tốt công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.