| Hotline: 0983.970.780

Indonesia đề xuất phương án giảm chi phí thực thi EUDR

Thứ Tư 06/09/2023 , 12:45 (GMT+7)

Do nông hộ nhỏ quản lý 41% tổng diện tích dầu cọ, Indonesia đánh giá việc triển khai EUDR sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho nhóm đối tượng này.

Một công nhân đang bón phân cho đồn điền dầu cọ ở Indonesia. Ảnh: CIFOR.

Một công nhân đang bón phân cho đồn điền dầu cọ ở Indonesia. Ảnh: CIFOR.

Đầu tháng 8/2023, khoảng 3 tháng sau khi châu Âu ban hành Quy định không phá rừng (EUDR), Indonesia, Malaysia và Liên minh châu Âu (EU) đã cùng thành lập một tổ chuyên trách xử lý các vấn đề liên quan đến đạo luật mới.

Indonesia và Malaysia, chiếm khoảng 85% xuất khẩu dầu cọ toàn cầu, cho rằng những quy định của EUDR là "quá nghiêm ngặt" đối với các nhà sản xuất, đặc biệt là hộ nông dân nhỏ. 

Trên cơ sở đó, tổ chuyên trách đã họp phiên đầu tiên tại Jakarta, Indonesia vào ngày 4/8. Airlangga Hartanto, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia cho biết, một trong những chủ đề được thảo luận chính trong chương trình nghị sự là phân loại rủi ro cho các nước sản xuất 7 loại mặt hàng gồm dầu cọ, gia súc, gỗ, cà phê, ca cao, cao su và đậu nành.

Theo EUDR, các quốc gia được coi là có rủi ro thấp sẽ trải qua quy trình thẩm định đơn giản hơn để đưa sản phẩm của họ vào EU. Trong khi các quốc gia có rủi ro cao sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn.

Cụ thể, nếu bị xếp vào nhóm rủi ro cao, sản phẩm xuất khẩu vào EU phải chịu tần suất kiểm tra 9% mỗi năm bởi cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu. Ngược lại, nếu rủi ro thấp, tần suất chỉ là 1%.

EUDR có hiệu lực vào ngày 29/6/2023. Nội dung chính là tăng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và thẩm định đối với hoạt động nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nguy cơ kể trên cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng.

Ví dụ với mặt hàng dầu cọ, quy định mới yêu cầu nhà nhập khẩu phải truy xuất được nguồn gốc các mặt hàng từ trang trại nơi trái cây được trồng, bao gồm cả tọa độ địa lý chính xác. Điều này dễ gây tăng chi phí và có thể khiến nhóm nông hộ nhỏ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quá trình bón phân cho đất trồng dầu cọ của nông dân Indonesia. Ảnh: CIFOR.

Quá trình bón phân cho đất trồng dầu cọ của nông dân Indonesia. Ảnh: CIFOR.

Để giảm gánh nặng tài chính, Bộ trưởng Airlangga đề xuất EU công nhận các tiêu chuẩn tương đương về chứng nhận chuỗi cung ứng bền vững (chẳng hạn RSPO) thay vì triển khai thêm và tự công bố tuyên bố thẩm định về chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

“Chúng tôi đã đề xuất một số tiêu chuẩn khác với EU. Các chứng nhận hiện có như RSPO và ISPO đều có thể truy xuất nguồn gốc dầu cọ đến cấp độ đồn điền”, ông chia sẻ.

Tại Indonesia, nông hộ gia đình quản lý tới 6,72 triệu ha đất, tương đương 41% tổng diện tích dầu cọ của cả nước, theo Mongabay - website cập nhật liên tục những thông tin về bảo tồn rừng và khoa học môi trường hàng đầu trên thế giới.

Linda Rosalina, Giám đốc điều hành TuK Indonesia, một tổ chức phi chính phủ, đánh giá rằng Indonesia sẽ gặp một số vấn đề liên quan tới nhóm đối tượng này.

Bà cho biết, vừa qua Chính phủ xứ vạn đảo đã ra quyết định công nhận tính hợp pháp cho 3,37 triệu ha đồn điền dầu cọ, vốn chưa xác định được tính hợp pháp. Chính phủ nước này lý giải, họ làm như vậy là do có quá nhiều đồn điền bất hợp pháp tồn tại ở Indonesia.

Ở một tuyên bố khác, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, nước ông đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm nạn phá rừng. Theo đó, tỷ lệ phá rừng hàng năm gần đây nhất của Indonesia là thấp nhất kể từ năm 1990 và giảm 75% so với giai đoạn 2019 - 2020. 

Indonesia đã xuất khẩu dầu cọ, cao su, ca cao, cà phê và gỗ trị giá 6,7 tỷ USD sang EU vào năm 2022. 

EUDR giao nhiều nhiệm vụ cho nhà nhập khẩu và cung ứng các sản phẩm sang thị trường châu Âu, kể từ ngày 30/12/2024. Theo đó, một công ty muốn đưa các sản phẩm thuộc 7 nhóm mặt hàng bị kiểm soát vào EU trước tiên phải tải tuyên bố thẩm định lên cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia của họ, thông qua hệ thống thông tin chuyên dụng do Ủy ban Châu Âu (EC) thiết lập.

Bằng cách đưa ra tuyên bố như vậy, các công ty tự chịu trách nhiệm về việc sản phẩm tuân thủ EUDR. Tương tự, nghĩa vụ tiến hành thẩm định theo EUDR sẽ được áp dụng cho các công ty nhập khẩu và đưa sản phẩm liên quan vào thị trường EU, hoặc xuất khẩu các sản phẩm đó từ thị trường EU. 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.