| Hotline: 0983.970.780

Indonesia: Luật lao động mới bị nghi tác động xấu đến môi trường

Thứ Tư 14/10/2020 , 06:10 (GMT+7)

Quốc hội Indonesia thông qua luật lao động gây tranh cãi vào tuần trước, và vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà bảo vệ môi trường.

Cảnh cháy rừng trên đảo Sumatra, Indonesia. Ảnh: Getty.

Cảnh cháy rừng trên đảo Sumatra, Indonesia. Ảnh: Getty.

Hàng nghìn người đã xuống các đường phố ở thủ đô Jakarta và các thành phố lân cận trong cuộc đình công toàn quốc kéo dài 3 ngày chống lại các cải cách về luật lao động. Những người biểu tình cho rằng đạo luật mới được Quốc hội thông qua này làm suy yếu quyền của người lao động.

Hôm thứ Năm, những người biểu tình thậm chí xung đột dữ dội với cảnh sát, buộc cảnh sát phải bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông ở trung tâm Jakarta.

Tranh cãi xuất phát từ dự luật việc làm được Quốc hội Indonesia thông qua hôm 5/10 sau hơn 60 phiên họp. Luật mới áp dụng một loạt sửa đối với các luật hiện hành, trong đó có những thay đổi đặc biệt như giới hạn chi trả lương thất nghiệp chỉ là 19 tháng, ít hơn gần một nửa so với 30 tháng trước đây. Ngoài ra, luật lao động 2003 cấm các công ty sử dụng công nhân từ các công ty bên ngoài, nhưng luật mới không có lệnh cấm như vậy.

Các liên đoàn lao động Indonesia cho rằng, nếu hình thức "thuê ngoài" không bị cấm, an ninh việc làm cho người dân ở độ tuổi lao động tại Indonesia bị đe dọa. Ngoài ra, các chế độ khác như thai sản cũng bị cắt giảm.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo giải thích, rằng luật mới là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, vốn bị suy thoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông coi đây là cách nhanh nhất để cắt  giảm tình trạng quan liêu và thu hút đầu tư nước ngoài tới nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, phản ứng từ dư luận trái ngược.

Theo Reuters, các nhóm Hồi giáo và liên minh sẽ tiếp tục biểu tình trong tuần này và tuần kế tiếp, cho đến khi Chính phủ thay đổi.

Tổng thống Widodo, trong bài phát biểu đầu tuần, thách thức phe phản đối. Ông gợi ý cho nhóm này hãy "thách thức" dự luật tại Tòa án Hiến pháp Indonesia, thay vì xuống đường biểu tình gây mất trật tự công cộng.

Trong các nhóm phản đối, mới nhất đã có sự tham gia của các nhà bảo vệ môi trường. Họ cho rằng luật mới, vốn bỏ quy định ít nhất 30% diện tích rừng trên các đảo phải được duy trì, có thể dẫn đến nạn phá rừng trên diện rộng, khiến động vật hoang dã mất môi trường sống.

Số liệu từ CNN cho biết, rừng nhiệt đới của Indonesia lớn thứ ba thế giới sau Amazon và lưu vực Congo của châu Phi và có tầm quan trọng về mặt sinh thái đối với sự đa dạng sinh học. Nhiều loài động vật như voi, báo hoa mai, gấu chó và đười ươi đang ở tình trạng nguy cấp.

Phelim Kine, giám đốc cấp cao khu vực châu Á của nhóm chiến dịch môi trường Mighty Earth, cho biết nạn phá rừng đang đẩy nhiều loài sinh vật ở Indonesia đến bờ tuyệt chủng. Theo ông, luật lao động mới sẽ "tạo một cú hích lớn đẩy hệ sinh thái về bên rìa sự sống". 

Khi luật lao động mới đi vào đời sống, nguy cơ lớn nhất cho thảm thực vật tại Indonesia sẽ là nền sản xuất dầu cọ. Xứ vạn đảo cung cấp hơn một nửa lượng dầu cọ thế giới và ngành công nghiệp này đóng góp khoảng 2,4% vào GDP của đất nước.

Nhưng ngành công nghiệp này là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng ở Indonesia. Nhóm môi trường Indonesia, Quỹ Madani cảnh báo các tỉnh như Riau, Jambi và Nam Sumatra có thể mất hoàn toàn rừng tự nhiên trong 20 năm, nếu đạo luật mới không kịp sửa đổi.

Tại Indonesia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng các luật hiện hành của nước này cản trở đầu tư chẳng hạn trợ cấp thất nghiệp quá hào phóng, hay phải chịu sự giám sát quá gắt gao của việc bảo vệ môi trường. 

Nay theo luật mới, giấy phép kinh doanh và việc giám sát tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường (AMDAL) được hợp nhất. Chỉ những công ty có hoạt động gây "rủi ro cao" với môi trường mới cần có AMDAL riêng. Phần còn lại, sẽ được Chính phủ Indonesia tạo hành lang thông qua.

Một chú khỉ con trong khu bảo tồn tại đảo Sumatra. Ảnh: AFP.

Một chú khỉ con trong khu bảo tồn tại đảo Sumatra. Ảnh: AFP.

Grita Anindarini, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Luật Môi trường Indonesia, cho rằng việc đánh giá các dự án có "rủi ro cao" với môi trường là không rõ ràng. Bà nói: "Các quy định mới đã làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống kiểm tra với những hoạt động khai thác hoặc gây ô nhiễm môi trường sẽ bị giảm sút. Đây là bước thụt lùi lớn với luật môi trường".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Siti quan điểm khác. Bà viết trên Twitter cá nhân, vài ngày sau khi Quốc hội thông qua luật lao động mới: "Bằng cách kết hợp việc xử lý giấy phép AMDAL với việc xử lý giấy phép kinh doanh, nếu một công ty vi phạm, chính phủ có thể thu hồi cả hai cùng một lúc". Bà cũng nhấn mạnh rằng bất cứ công ty nào có ý "thiếu nghiêm túc" hoặc "xâm hại" rừng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Tuyên bố của Siti không làm các nhà hoạt động môi trường tại Indonesia yên tâm. Theo Reuters, một nhóm 35 nhà đầu tư toàn cầu quản lý khối tài sản trị giá 4,1 nghìn tỷ USD đã gửi thư cho Chính phủ Indonesia cảnh báo về những hậu quả gây hại cho môi trường. Kine khẳng định: "Luật mới có thể tạo ra một khu vực vàng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ đánh đổi với độ che phủ của rừng và đa dạng sinh học. Đây là tài sản vô giá với đất nước này".

Về phía các nhà đầu tư, họ đón nhận luật lao động mới trong tâm thế tích cực. CNN cho biết, rất nhiều công ty nước ngoài sản xuất và nhập khẩu dầu cọ đã thảo sẵn cam kết "không phá rừng, không khai thác đất". Họ cũng xem xét đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn với việc nhập khẩu nông sản từ Indonesia. Vương quốc Anh, thị trường thuộc top 3 xuất khẩu từ Indonesia, còn cấm các công ty không được liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp.

Nhóm nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đạo luật mới là "thảm họa", và chỉ trích quá trình soạn thảo không rõ ràng, đồng thời cho rằng Quốc hội đã thông qua mà không tham vấn người dân. Giám đốc điều hành của tổ chức này tại Indonesia khẳng định luật lao động mới sẽ "làm tổn hại cho ví tiền người lao động, đe dọa toàn bộ quyền con người của họ".

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.