Chiều 12/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam khởi động Hoạt động thí điểm “Phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc, Việt Nam”.
Tham dự khởi động hoạt động có sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Ngài John McCullagh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ireland tại Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cùng đại diện của các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, các Sở NN- PTNT của 63 tỉnh trong cả nước.
Hoạt động thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc do Chính phủ Ireland hỗ trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) với tổng kinh phí là 100.000 Euro và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2022 - 2023.
Hoạt động được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận với các sinh kế nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ khu vực miền núi phía Bắc, góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thông qua tạo cơ hội và và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Trên mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh Nông, tiền thân của Bộ NN-PTNT ngày nay.
Việc khởi động hoạt động thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc tuy nhỏ bé nhưng mang lại một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.
Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã phát biểu: “Trong chuỗi ngành hàng, khâu đầu tiên là giống, quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, phân phối tiêu dùng. Khâu đầu tiên đặt giống là người nông dân. Khi chuẩn được từ giống đến các khâu khác thì sản phẩm sẽ đạt chuẩn. Từng yếu tố trong chuỗi này phải có sự gắn kết, không để bị gãy và mỗi khâu sẽ tạo ra giá trị gia tăng, đó là tư duy kinh tế”.
Vì vậy, với cách tiếp cận “lấy con người làm trọng tâm”, hoạt động thí điểm dự kiến sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 500 nông dân trong đó có ít nhất 50% là phụ nữ và các cán bộ làm công tác khuyến nông và gián tiếp mang lại lợi ích cho khoảng 2.500 người trong vùng dự án.
Theo Tiến sỹ Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam: “Phụ nữ là xương sống của hệ thống lương thực. Phụ nữ đóng góp 45% lực lượng lao động nông nghiệp toàn cầu, con số này thậm chí lên tới 60% tại một số nước khu vực châu Phi và châu Á.
Tuy nhiên, họ lại không có các cơ hội như đối với nam giới trong ngành nông nghiệp. Phụ nữ có ít quyền sở hữu và định đoạt đối với đất nông nghiệp. Họ cũng ít được tiếp cận với các tài sản, nguồn lực và dịch vụ, gây ảnh hưởng tới năng lực sản xuất và dẫn tới những tác động bất lợi lên cuộc sống của họ”.
Ông Rémi Nono Womdim cũng cho rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ Ireland và sự hợp tác của Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan, FAO sẽ hỗ trợ kỹ thuật giúp tăng cường việc cung cấp các dịch vụ khuyến nông và hỗ trợ phát triển kinh doanh cho phụ nữ. Hoạt động thí điểm này sẽ thúc đẩy việc triển khai chiến lược Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thông qua hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, chất lượng cao.
Ngài John McCullagh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ireland tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng rất lớn. Với tư cách là nước hàng đầu thế giới thực phẩm và nông nghiệp, Ireland muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để xây dựng năng lực ở Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm.
"Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT nhằm xây dựng một chương trình nâng cao năng lực dài hạn. Trong nhiều năm, Ireland cũng đã hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số. Dự án quan trong này được thực hiện ở tỉnh Tuyên Quang phù hợp với cả hai lĩnh vực hoạt động nói trên của chúng tôi và chúng tôi hy vọng dự án sẽ đem lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng có liên quan”. Ngài John McCullagh nhấn mạnh.
Dự kiến, kết quả của hoạt động thí điểm với các bài học kinh nghiệm sẽ được tổng hợp và tài liệu hoá để chia sẻ, nhân rộng thành một chương trình triển khai thực hiện tại các tỉnh khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc đang phải đối mặt với các thách thức như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình và Yên Bái, đóng góp cho các Chương trình, Chiến lược quốc gia của Việt Nam.