"Ngày hôm nay, Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha cùng tuyên bố rằng chúng tôi công nhận Nhà nước Palestine", Thủ tướng Harris phát biểu tại một cuộc họp báo.
"Trước khi đưa ra thông báo này, tôi đã thảo luận với một số nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Tôi tin rằng các quốc gia khác sẽ cùng chúng tôi công nhận Nhà nước Palestine trong những tuần tới", ông nói thêm.
Ông Harris cho rằng một giải pháp hai nhà nước là con đường đáng tin cậy duy nhất dẫn đến hòa bình và an ninh cho Israel, Palestine và người dân của cả hai nước.
Trước đó cùng ngày, chính phủ Na Uy tuyên bố rằng họ sẽ công nhận tư cách nhà nước của Palestine. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanches cũng tuyên bố trước hạ viện rằng Madrid sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine vào tuần tới.
Thủ tướng Harris cũng bày tỏ hy vọng rằng những động thái này sẽ góp phần giúp cuộc xung đột Ảrập - Israel được giải quyết thông qua giải pháp hai nhà nước.
Tel Aviv đã phản ứng quyết liệt trước những động thái bằng cách rút các đại sứ tại Ireland và Na Uy. Ngoại trưởng Israel Katz tuyên bố rằng việc công nhận Nhà nước Palestine là "phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố", và tuyên bố rằng nhà nước Do Thái "sẽ không dung thứ cho những kẻ xâm hại chủ quyền và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia".
Ông Katz cho rằng "sự điên rồ của Ireland và Na Uy không thể ngăn cản Israel", đồng thời cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa", bao gồm cả đối với Tây Ban Nha, nếu nước này công nhận Nhà nước Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng từng khẳng định sẽ ngăn chặn việc thành lập Nhà nước Palestine.
Chính quyền Palestine, được quốc tế công nhận là đại diện cho lợi ích của người dân Palestine, có quyền kiểm soát Bờ Tây. Trong khi đó, Dải Gaza, vùng đất bị chia cắt của Palestine, từ lâu đã bị phong trào hồi giáo Hamas kiểm soát. Hamas đã phát động một cuộc đột kích vào miền nam Israel hồi tháng 10/2023, khiến Israel trả đũa bằng một chiến dịch quân sự quy mô lớn đến nay vẫn chưa kết thúc.