Hôm 20/5, trưởng công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng các lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas Yahya Sinwar, Mohammed Diab Ibrahim al-Masri và Ismail Haniyeh, về "tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người". Phát biểu tại Nhà Trắng sau đó cùng ngày, Tổng thống Biden đã lên án động thái của ICC, đồng thời bác bỏ các cáo buộc tương tự của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc rằng hành động của Israel ở Gaza có thể là hành vi diệt chủng.
"Hãy để tôi nói rõ, những gì đang xảy ra không phải là diệt chủng. Chúng tôi bác bỏ điều đó. Chúng tôi sát cánh với Israel để tiêu diệt thủ lĩnh Sinwar và phần còn lại của Hamas. Chúng tôi muốn Hamas bị tiêu diệt. Chúng tôi đã hợp tác với Israel để biến điều đó thành hiện thực", Tổng thống Biden nói hôm 20/5.
Hồi tháng 1/2024, một phán quyết tạm thời của ICJ, tòa án tối cao của Liên hợp quốc có trụ sở tại The Hague, đã ra lệnh cho Israel thực hiện các bước để ngăn chặn nạn diệt chủng và cải thiện điều kiện nhân đạo cho người dân Gaza. Hồi cuối năm 2023, Nam Phi đã nộp đơn kiện, cáo buộc Tel Aviv phạm tội ác chiến tranh có hệ thống trong lãnh thổ Palestine. Hồi tháng 3/2024, Ireland tuyên bố sẽ ủng hộ vụ kiện của Pretoria, gọi chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza là "vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế trên quy mô lớn".
Hồi tháng 10/2023, nhóm chiến binh Hamas bất ngờ thực hiện cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel, sát hại khoảng 1.200 người và bắt cóc 250 người làm con tin. Chính phủ Israel đã đáp trả bằng cách phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Gaza, mà theo cơ quan y tế tại khu vực, đã khiến hơn 35.000 người thiệt mạng và gần 80.000 người khác bị thương. Israel tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn.