Với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật tuyên bố rằng UNRWA sẽ không còn "điều hành bất kỳ tổ chức nào, cung cấp bất kỳ dịch vụ nào hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp" ở Israel.
"UNRWA từ lâu đã không còn là một cơ quan viện trợ nhân đạo. Không chỉ là tài trợ khủng bố, cơ quan này còn kéo dài sự nghèo đói và đau khổ không ngừng", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Yuli Edelstein cho biết trước cuộc bỏ phiếu hôm 28/10. Ông cũng trích dẫn tuyên bố của Israel rằng nhiều nhân viên UNRWA đã tham gia vào cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023.
Liên hợp quốc đã sa thải 9 nhân viên UNRWA hồi tháng 8/2024, sau khi nghi ngờ rằng những người này có thể đã tham gia vào cuộc đột kích của Hamas hồi năm 2023.
Sau khi dự luật được thông qua, ông Edelstein gọi đây là sự kiện mang tính "lịch sử" và nói rằng điều này tương đương với việc "loại bỏ một trong những vũ khí khủng bố hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc".
Luật mới về cơ bản chỉ áp dụng ở Đông Jerusalem, nơi Israel tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Đó là lý do tại sao Quốc hội nước này đã thông qua một dự luật thứ hai, với 87 phiếu thuận và 9 phiếu chống, hủy bỏ hiệp ước năm 1967 giữa Israel và UNRWA cho phép cơ quan này hoạt động trên lãnh thổ do Israel kiểm soát. Dự luật thứ hai cấm tất cả các cơ quan chính phủ hoặc đại diện của Israel liên lạc với UNRWA trong 90 ngày kể từ ngày thông qua.
Tất cả các nghị sĩ Ảrập trong Quốc hội, cũng như Đảng Dân chủ đối lập, đã bỏ phiếu phản đối dự luật. Nghị sĩ Ahmad Tibi, thuộc đảng Hadash-Ta'al, chỉ ra rằng khoảng 90.000 nhân viên UNRWA đang hỗ trợ người tị nạn Palestine và cơ quan này chỉ được ngừng hoạt động khi một nhà nước Palestine độc lập được thành lập.
Phản ứng trước động thái trên, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini đã lên tiếng chỉ trích cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Israel "là chưa từng có và đặt ra một tiền lệ nguy hiểm".
Theo ông Lazzarini, luật mới của Israel đã đi ngược lại tinh thần của "Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm các nghĩa vụ của Nhà nước Israel theo luật pháp quốc tế", "làm sâu sắc thêm nỗi thống khổ của nhân dân Palestine, đặc biệt là ở Gaza".
Canada, Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh đã lên tiếng phản đối động thái của Israel, bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình nhân đạo ở Gaza. Washington cũng đã thông báo cho Israel rằng việc không cung cấp viện trợ cho người Palestine có thể khiến Mỹ ngừng cung cấp một số khoản viện trợ quân sự cho Israel.