Theo tính toán của các chuyên gia, kênh đào Suez là tuyến giao thương, vận chuyển hàng hóa hàng ngày nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới, nối giữa châu Á và châu Âu.
Hôm thứ Bảy, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (Ai Cập) đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi tàu Ever Given bị mắc cạn chắn ngang lòng kênh bốn ngày trước đó và thông báo chưa có triển vọng nào để sớm khắc phục sự cố.
Siêu tàu khổng lồ container Ever Given thuộc sở hữu của tập đoàn Shoei Kisen có trụ sở tại Ehime, phía tây Nhật Bản và hiện được điều hành bởi một công ty của Đài Loan.
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie, hiện lực lượng công nhân cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm mọi cách làm nổi, bằng cách nạo vét các phần bị mắc kẹt mỗi khi thủy triều xuống và sau đó dùng tàu kéo tời ra khi thủy triều lên. Tuy nhiên trong ngày làm việc thứ ba theo cách này, siêu tàu container mới chỉ nhúc nhích được 0,4 độ về phía nam.
Ông Rabie cũng cho biết, hiện chưa có cách tiếp cận nào khả dĩ hơn trong thời điểm này và không nói rõ khi nào công việc sẽ hoàn thành. Khi được hỏi về khả năng cách tiếp cận hiện tại lâm vào bế tắc thì thế nào, ông Rabie cho hay có thể sẽ tính đến phương án bốc dỡ bớt container hàng hóa để giảm trọng lượng của con tàu.
Tại buổi họp báo, ông Rabie cũng cho rằng, gió mạnh và bão cát không phải là yếu tố duy nhất khiến con tàu Ever Given bị mắc kẹt, đồng thời không loại trừ lỗi kỹ thuật hoặc do con người. Và mọi thứ phải chờ đợi các cuộc điều tra sâu hơn.
Thống kê của các nhà chức trách, hiện có ít nhất 321 tàu chở hàng hóa, gia súc và các loại nguyên vật liệu khác vẫn đang nằm chờ để được thông tuyến giao thông thủy nối liền giữa Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Nhiều người đã bắt đầu lo ngại rằng, nếu tàu Ever Given tiếp tục nằm lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến công tác hậu cần và phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Rabie cũng khẳng định, hiện sự cố chưa gây ra bất kỳ “vấn đề chết chóc hoặc ô nhiễm nào".
Siêu tàu container Ever Given, có chiều dài hơn bốn sân bóng đá hiện vẫn bị gác chéo qua kênh đào Suez kể từ hôm thứ Ba, làm chặn ngang một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới theo cả hai hướng.
Theo tính toán của Lloyd's List, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez ngoài việc mỗi ngày gây thiệt hại cho ngành giao thương đường thủy quốc tế khoảng 9,6 tỷ USD thì riêng Ai Cập cũng mất khoảng từ 12 triệu đến 14 triệu USD doanh thu mỗi ngày khi nó bị đóng cửa.