Bảo quản, khâu yếu nhất của quả vải
Hiện nay, diện tích trồng vải của Hải Phòng tập trung chủ yếu tại một số huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, trong đó An Lão là huyện có diện tích trồng lớn nhất với 267,7ha, năng suất trung bình đạt trên 9,5 tấn/ha.
Một trong những thế mạnh phát triển nông nghiệp tại huyện An Lão là về cây ăn quả, đặc biệt là cây vải, trong đó diện tích chiếm phần lớn được sản xuất tại xã Bát Trang.
Xã Bát Trang có đặc trưng địa hình là vùng đồng bằng, có 3 con sông Lạch Tray, Văn Úc và sông Đa Độ bao quanh với nhiều ao đầm, địa hình phức tạp do 3 con sông uốn lượn hình thành những vùng đất phù sa bãi bồi lớn, phù hợp cho trồng cây ăn quả lâu năm như vải, nhãn, thanh long… Cây vải đã được du nhập về hơn 50 năm nay.
Tuy nhiên, khó khăn với người dân Bát Trang lâu nay là thời gian thu hái bắt đầu từ đầu tháng 6, thời gian thu hoạch vải thiều rất tập trung, kéo dài trong khoảng 10 ngày, trong đó vải có chất lượng ngon nhất là thu hoạch sau thời gian đậu quả từ 90 - 95 ngày. Do thu hoạch vải tập trung trong thời gian ngắn, khó khăn trong tiêu thụ nên vài năm gần đây, diện tích trồng vải thiều có xu hướng giảm dần do gặp nhiều rủi ro.
Bà Vũ Thị Hằng, hộ trồng vải tại thôn Đại Trang, xã Bát Trang chia sẻ, gia đình trồng vải đã nhiều năm nay, về cơ bản có thu nhập khá ổn định nhưng trồng quả vải có nhược điểm là thời gian thu hoạch ngắn, lại không để được lâu do dễ thối hỏng, thường xảy ra hiện tượng nứt vỏ quả, mã quả giảm rất nhanh do màu vỏ bị nâu hóa sau thời gian thu hoạch từ 24 - 36 tiếng.
Điều này đã làm cho quả vải bị giảm giá trị, bị tư thương ép giá, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn.
"Chúng tôi thu hoạch, vận chuyển, đóng gói hiện nay chủ yếu vẫn là biện pháp thủ công, khiến tỷ lệ thối hỏng, tổn thất còn cao. Bên cạnh đó, việc xử lý, bảo quản chủ yếu theo phương pháp truyền thống nhỏ lẻ, chất lượng bảo quản chưa cao, thời gian bảo quản ngắn nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường", bà Hằng bộc bạch.
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở gia đình bà Hằng mà hầu như hộ nào trồng vải ở Hải Phòng đều gặp phải. Đây cũng chính là khâu yếu kém nhất trong sản xuất cây ăn quả nói chung và cây vải thiều nói riêng.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, đặc điểm của quả vải thiều là chín đều, chín đồng loạt dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá, bị thương lái ép giá, mặt khác quá trình thu hoạch vải tốn nhiều công, trong khi nguồn lao động phục vụ cho thu hoạch vải mỗi khi vào chính vụ thường rất khan hiếm, giá nhân công ngày càng tăng cao nên đây là một trong những áp lực lớn đối với người trồng vải.
Vùng trồng vải Bát Trang sát với vựa vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) nên việc cạnh tranh về mẫu mã và giá bán càng gay gắt, phần nào giảm hiệu quả kinh tế của người sản xuất.
Không như các vựa trồng vải lớn như Thanh Hà hay Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện nay diện tích vải thiều Bát Trang hầu hết sản xuất theo phương pháp thông thường, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian thu hái, bảo quản, chưa xây dựng được các vùng sản xuất tập trung theo các quy trình, tiêu chuẩn khắt khe nên chất lượng sản phẩm còn thấp, khó khăn trong tiêu thụ...
Vải thiều Bát Trang được công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2016 theo Quyết định số 52770/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một trong 34 sản phẩm đầu tiên được công nhận nhãn hiệu tập thể của Hải Phòng.
Triển khai kỹ thuật bảo quản từ khi sắp thu hoạch
Bà Trần Thị Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng cho biết, để khắc phục những hạn chế trong bảo quản vải thiều, đơn vị đã được giao thực hiện dự án hoàn thiện công nghệ xử lý sau thu hoạch với vải thiều Bát Trang.
Đây là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa định hướng nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ cận và sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản đối với quả vải thiều, giúp người dân trồng vải ở Hải Phòng tăng giá trị kinh tế.
Qúa trình triển khai thực tế, với những quả vải bảo quản thông thường, sau 14 ngày, vỏ quả đã xuất hiện chấm nâu và phớt nâu ở phần đuôi quả. Từ ngày thứ 21 trở đi, quả vải thiều đã có trạng thái mềm, thối hỏng nhiều, màu sắc vỏ quả đỏ nâu, thịt quả giảm hương, giảm độ ngọt, vị chua tăng...
Trong khi đó, ở công thức thí nghiệm sau 28 ngày bảo quản quả vải theo công nghệ mới, quả vẫn có trạng thái tương đối chắc, vỏ quả đỏ, tươi, xuất hiện vài chấm nâu nhỏ, thịt quả thơm, vị ngọt...
Việc xử lý cận thu hoạch đã góp phần ổn định chất lượng dinh dưỡng và mẫu mã cho quả vải thiều, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản so với công thức đối chứng.
Quả vải thiều bảo quản theo quy trình công nghệ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và áp dụng trong mô hình có các chỉ tiêu về chất lượng và vi sinh đảm bảo theo yêu cầu.
Hơn nữa, toàn bộ các chế phẩm sử dụng trong quy trình đều là các hợp chất an toàn nằm trong danh mục cho phép sử dụng như dung dịch Clo dùng khử trùng nước uống sinh hoạt và axit citric - axit chanh dùng tạo vị chua cho các sản phẩm thực phẩm.
“Qủa vải sau bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, quy trình bảo quản thân thiện với môi trường, an toàn cho người tiêu dùng”, bà Nghĩa chia sẻ.
Có thể thấy rằng, hiện nay, vải thiều là một trong những cây trồng đặc sản, không chỉ được trồng tập trung quy mô lớn ở Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang), mà ngày càng được trồng ở nhiều địa phương ở các tỉnh, thành phía Bắc.
Với hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong quả vải như đường, axit, các chất khoáng và vitamin, đã tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Chính vì vậy, quả vải được người tiêu dùng ưa chuộng và có một vị thế cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, những hạn chế trong bảo quản là nguyên nhân làm cho quả vải bị giảm giá trị thương phẩm, bị tư thương ép giá dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn.
Đây cũng chính là khâu yếu kém nhất trong sản xuất cây ăn quả nói chung và cây vải thiều nói riêng và là nguyên nhân làm giảm hiệu quả tại các vùng trồng vải trên cả nước.
Do đó, những nghiên cứu về công nghệ bảo quản quả vải sẽ từng bước giúp hoàn thiện quy trình bảo quản vải thiều phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương, góp phần khắc phục những hạn chế về chất lượng của quả vải thiều khi sản xuất ở quy mô lớn, kéo dài thời gian tồn trữ, lưu thông trên thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Giang, Viện Nghiên cứu Rau qủa (đơn vị chuyển giao công nghệ đồng bộ cận và sau thu hoạch nhằm cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản đối với quả vải thiều) cho biết: “Mô hình xử lý sau thu hoạch của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng cho đã cho thấy tính thích ứng và phù hợp của quy trình kỹ thuật được lựa chọn, góp phần ổn định chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản cho quả vải thiều. Quả vải thiều sau bảo quản đạt yêu cầu về chất lượng dinh dưỡng, cảm quan và đảm bảo an toàn thực phẩm...".