Thu hàng chục tỷ đồng từ vải sớm
Xã Bát Trang, huyện An Lão (Hải Phòng) có hơn 1.000 hộ trồng vải với diện tích 100ha, hộ trồng nhiều nhất khoảng 490 cây, trồng ít nhất cũng 100 cây, hàng năm cho từ 700-800 tấn vải, tổng thu hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, các giống vải sớm như: trứng gai, trứng lì, u hồng, tàu lai... chiếm hơn 1 nửa diện tích và sản lượng.
Bỏ chùm vải mọng đỏ xuống mời khách, chị Đoàn Thị Vân, xóm 4, thôn Quán Trang cho biết: Nhà em có hơn 100 cây vải sớm, lượng quả năm nay sai gần gấp đôi năm ngoái, dự kiến thu khoảng 5 tấn. Năm ngoái quả ít hơn nhưng trừ chi phí gia đình em thu về hơn 200 triệu. Năm nay có dịch Covid-19, thương lái Trung Quốc chưa thấy sang nhưng vải đầu mùa giá vẫn cao, nhiều thương lái đã trả giá hơn 35.000đ/kg.
“Chi phí nhà em ghi hết vào sổ, hết 10 triệu đồng, nói chung không đáng bao nhiêu, năm nay nếu được giá như năm ngoái thì cũng được 200-300 triệu đồng” – chị Vân phấn khởi chia sẻ.
Bên cạnh vườn của gia đình chị Vân, gia đình ông Phan Văn Hiệu cũng đang thu hoạch vải. Vườn vải nhà ông Hiệu được chuyển đổi từ ruộng lúa 1 vụ kém hiệu quả. Dẫn PV đi xem vườn vải, ông Hiệu cho hay: “Đất ở đây toàn đất mượn cả, tôi lấy đất phù sa ven sông đổ vào nên cây vải tốt lắm. Năm ngoái trừ chi phí, gia đình tôi được hơn 100 triệu, ngoài trồng vải tôi có xen canh thêm các cây ăn quả khác như chanh, táo, chuối… nguồn thu gần như quanh năm. So với trồng lúa trước đây thì việc chuyển đổi như bây giờ có thể nói là thành công” – ông Hiệu nói.
Đưa PV đi thăm vườn vải đang thu hoạch, ông Bùi Đức Diên, trưởng thôn Quán Trang chỉ tay cho biết: Vải sớm bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 4 (dương lịch) và giá rất cao. Đất ở đây cũng tương tự như ở Thanh Hà (Hải Dương) chỉ cách nhau 1 con sông, thậm chí đây là ngoài đê, đất còn tốt hơn, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây vải, cho quả to, ngọt.
"Trước kia đây là vùng trồng lúa 1 vụ, bấp bênh lắm, thi thoảng ngập lụt có được ăn đâu. Lúc đó thuế nhà nước dành cho đất hạng 7 thu có 9 lạng /sào nhưng vẫn thấy thiếu, đói quanh năm. Cách đây 20 năm, do cơ chế chuyển đổi cây trồng, đất lúa được chuyển sang đất trồng cây, người dân chuyển sang trồng vải và một số cây trồng khác thì cuộc sống đã bớt khó khăn. Có người trồng nhiều, được mùa được giá đã thu được cả tỷ bạc và giàu lên từ cây vải” - ông Diên chia sẻ.
Nhìn những vườn vải bạt ngàn ven sông thôn Quán Trang, ít ai nghĩ rằng hơn 20 năm trước đây, chỗ này là những bãi mía, thửa ruộng manh mún, năm được năm mất. Việc canh tác của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và đói kém quanh năm.
Vải Bát Trang năm nay được mùa. Theo UBND xã Bát Trang, toàn xã dự kiến thu về khoảng 800 tấn vải, trong đó 600 tấn vải sớm. Tuy chưa thống kê chính thức nhưng người đã thu hoạch một phần vải sớm, có hộ bán được giá trên 40.000đ/kg, giá đang có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thương lái Trung Quốc chưa đến mua nhưng việc tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường, chín đến đâu bán hết đến đó.
Không chỉ trồng cây vải
Theo người dân địa phương, giống vải ở Bát Trang thuôc dòng vải Thanh Hà, đã có từ 40-50 năm. Trước đây, vải chỉ trồng trong vườn, bắt đầu từ năm 2000, những bãi mía hoặc lúa 1 vụ năng suất thấp, người dân chuyển sang trồng vải, nhãn cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là các loại vải sớm.
Đây là cây trồng từng giúp người dân trong xã xóa đói giảm nghèo, nhờ cây vải thiều, nhiều gia đình tại xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi mùa. Tuy nhiên đến nay, gần 1 nửa diện tích chính vụ đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định hơn như thanh long, táo, chanh...
Ông Phan Viết Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết: Đất của Bát Trang là nơi trồng được vải, những nơi khác trồng vải không tốt hoặc vải chua. Đây là đầu nguồn sông Lạch Tray, Đa Độ cho nên nước sạch… Trước đây, vải là nguồn thu chính, nhiều người giàu lên từ vải, tuy nhiên diện tích trồng vải càng ngày càng giảm đi do đất không còn nhiều, giá cả thị trường bấp bênh, “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”.
“Khu vực bà con trồng vải gần các con sông lớn, khi chưa ngăn sông để làm đập thủy điện, hàng năm có nguồn nước phù sa bồi đắp nên vải rất tốt và năng suất cao. Tuy nhiên, những ưu đãi của thiên nhiên giờ không còn được như trước. Hiện cây vải không còn chiếm vị trí độc tôn ở Bát Trang, ngoài vải, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, người dân đã chuyển một phần sang trồng thanh long, trồng xen kẽ táo, nhãn và một số loại cây ăn quả khác... để đảm bảo nguồn thu quanh năm”.