| Hotline: 0983.970.780

Kết luận Thủ Thiêm: Xem xét, xử lý các cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý

Thứ Tư 26/06/2019 , 18:18 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm tại Thủ Thiêm.

Ngày 26/6, Tổng Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với KĐTM Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận này.

Không đấu thầu, đấu giá đất, nhà đầu tư hưởng lợi lớn

Theo TTCP, về đất đai, UBND TP HCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng KĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ lập, trình, duyệt dự án khi đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến, việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng...

Các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại – dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là 17.042 tỷ đồng là không đầy đủ và không đúng quy định.

Khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và UBND Thành phố đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định.

Việc UBND Thành phố và các sở, ngành lấy giá 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thỏa thuận khi giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định.

Toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng UBND Thành phố đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.

UBND Thành phố đã sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác, không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm đã được chỉ định nhà đầu tư, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đất theo quy định.

Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.

Người dân Thủ Thiêm khiếu kiện nhiều năm trời, tạo thành "làng Thủ Thiêm giữa Thủ đô Hà Nội"

“Chống lệnh” Thủ tướng, ưu ái Đại Quang Minh

Theo TTCP, hàng loạt sai phạm của TP.HCM đã bị phanh phui, đặc biệt là những sai phạm liên quan đến Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

Tại thời điểm thanh tra, UBND TP HCM đã chỉ định một số nhà đầu tư để đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT trong KĐTM Thủ Thiêm, trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

UBND Thành phố chấp thuận chủ trương chỉ định Đại Quang Minh là nhà đầu tư Dự án BT khi chưa yêu cầu nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm (thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý dự án), chưa đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý kinh doanh), không đăng trên Báo Đấu thầu 3 số liên tiếp… là chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.182.175 triệu đồng cho dự án 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định; qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị 1.519.731 triệu đồng. Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó, có 25.422 triệu đồng không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho Dự án.

Quá trình đầu tư, xây dựng, Đại Quang Minh không thực hiện thông báo ngày khởi công tới cơ quan cấp phép xây dựng, tiến hành thi công công trình khi chưa có giấy phép xây dựng tại nhiều hạng mục công trình; hầu hết các dự án thành phần chưa thực hiện đúng tiến độ được duyệt... nhưng các cơ quan chức năng của Thành phố chưa kiểm tra, xử lý kịp thời.

Tại Dự án BT Cầu Thủ Thiêm 2, UBND Thành phố trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chỉ định nhà đầu tư, theo đó, UBND Thành phố đã có chủ trương chọn Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện dự án, nhưng sau đó, giao cho Đại Quang Minh, đồng thời, thay đổi quy mô cầu từ 4 thành 6 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ là không thực hiện đúng quy định; lựa chọn nhà đầu tư là Đại Quang Minh khi chưa có Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, chưa xem xét kỹ đến các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm. UBND Thành phố phê duyệt Dự án với tổng mức đầu tư là 4.260.116 triệu đồng, qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị 252.891,830 triệu đồng.

Đối với dự án BT Hạ tầng Khu dân cư phía Bắc, UBND Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận cho thực hiện theo hình thức BT nhưng không đăng tải nội dung của dự án lên Trang thông tin điện tử của Thành phố và Báo Đấu thầu; phê duyệt tổng mức đầu tư, trong đó, có một số khoản chi phí không đúng quy địnhvới tổng giá trị 411.884,912 triệu đồng; đề ra biện pháp thi công không phù hợp, phải thay đổi, dẫn đến, chi phí thực tế phải giảm so với tổng mức đầu tư là 118.410 triệu đồng.

Đối với các dự án đối ứng với dự án BT, UBND Thành phố đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong KĐTM Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT (4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Hạ tầng khu dân cư phía Bắc…) nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.

Trong đó, tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT nêu trên bằng chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho nhà nước.

UBND Thành phố chấp thuận ký và thanh lý Hợp đồng số 09/HĐ-BQL-KH ngày 28/12/2011 (giao đất có thu tiền sử dụng đất), sau đó, chỉ định nhà đầu tư dự án BT 04 tuyến đường chính, cho phép sử dụng giá trị tiền sử dụng đất trên để thanh toán đối ứng là không đúng quy định; theo đó, phê duyệt lại giá trị quyền sử dụng đất khu II làm giảm so với giá trị đã được xác định, phê duyệt tại Hợp đồng số 09/HĐ-BQL-KH 2.479.181 triệu đồnglà thiếu cơ sở pháp lý.

Việc UBND Thành phố ký Hợp đồng BT với Đại Quang Minh, trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán Hợp đồng BT là 12.490.687 triệu đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND Thành phố là không đúng quy định của Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013. Dẫn đến, chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỷ đồngso với giá trị đã được UBND Thành phố thẩm định, phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Mặc dù, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 04 tuyến đường chính chưa đúng quy định, nhưng UBND Thành phố đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là 4.225.530 triệu đồng, đã nộp 2.376.000 triệu đồng, số còn lại đến nay chưa nộp là 1.800.529 triệu đồng, cần xem xét tính lãi chậm trả và thu hồi về ngân sách nhà nước theo quy định.

Việc UBND Thành phố đề nghị để được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án mới vào hợp đồng BT đã ký với các chủ đầu tư khi chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa tính toán, thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất là không đúng quy định.

Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm, chủ yếu là do: việc nhận thức, chấp hành các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành cũng như các quy định của pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, có lúc chưa nghiêm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố và các sở, ngành tham mưu; sự phối hợp giữa các sở, ngành của Thành phố còn chậm trễ, chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ; một số nơi còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Hậu quả là đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của nhà nước với giá trị lớn; xét tổng thể đến thời điểm thanh tra, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm là chưa có hiệu quả, mất cân đối về tài chính.

Nếu không khắc phục triệt để sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm đến thời điểm 30/9/2018 là 26.315.905 triệu đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm là 4.286.225 triệu đồng.

Nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại trong KĐTM Thủ Thiêm, tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm. Thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800.529 triệu đồngvà lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.

Giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, UBND Thành phố và Thanh tra Chính phủ thực hiện xác định đúng chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KĐTM Thủ Thiêm, trên cơ sở đó, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định.

Kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng; Xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042.000 triệu đồng. Hoàn thành trước ngày 30/9/2019 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát tiền của Nhà nước, khắc phục tình trạng mất cân đối vốn như hiện nay đối với các dự án BT đang thực hiện trong KĐTM Thủ Thiêm; trong quá trình Kiểm toán, đề nghị xem xét, sử dụng các kết quả qua thanh tra đã phát hiện như: khoản chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT 4 tuyến đường chính thiếu căn cứ và chưa đúng quy định 3.901.705 triệu đồng; các khoản do phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án BT tăng sai khoảng 1.734.025,50 triệu đồng; loại khỏi chi phí khi quyết toán Dự án 4 tuyến đường chính 25.422 triệu đồnglà khoản chi phí không đủ điều kiện quyết toán vào dự án...

Về trách nhiệm các tổ chức cá nhân, TTCP kiến nghị giao UBND Thành phố chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm; các sở Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến Trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố; các đơn vị Tư vấn, các nhà đầu tư dự án… đã có khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Phần Kết quả và Kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm.

Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả thực hiện Kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Thanh tra Chính phủ để thực hiện việc xử lý sau thanh tra theo quy định.

Đầu tư KĐTM Thủ Thiêm mất cân đối vốn 8.734.399 triệu đồng

Theo báo cáo của UBND Thành phố HCM về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư KĐTM Thủ Thiêm và kết quả thanh tra: tổng chi phí phải trả là: 83.335.879 triệu đồng (gồm: 72.832.879 triệu đồng (chi phí đầu tư) + 10.503.000 triệu đồng (lãi tiền tạm ứng từ ngân sách)); Tổng thu dự kiến đến thời điểm hiện nay là 74.601.480 triệu đồng (trong đó, bao gồm giá trị 55 lô đất còn lại tạm tính theo giá thẩm định tại thời điểm năm 2016). Như vậy, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm mất cân đối vốn khoảng 8.734.399 triệu đồng.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.