| Hotline: 0983.970.780

Kết nối cung cầu, giải bài toán đầu ra nông sản

Thứ Sáu 03/06/2022 , 17:11 (GMT+7)

Rất nhiều doanh nghiệp, HTX, hội viên nông dân, đại diện siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử tham gia kết nối cung cầu nông sản tại Bình Phước, ngày 3/6.

Hội nghị kết nối tiêu thụ trái cây và hàng nông sản Bình Phước diễn ra ngày 3/6, do Sở Công thương và Hội Nông dân tỉnh Bình Phước phối hợp tổ chức.

Hội nghị thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội viên nông dân đại diện cho bên cung ứng và các doanh nghiệp thu mua, siêu thị, chợ đầu mối đại diện cho bên kinh doanh, phân phối, tiêu thụ; các sàn thương mại điện tử tham gia.

Toàn cảnh hội nghị kết nối tiêu thụ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước.

Toàn cảnh hội nghị kết nối tiêu thụ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Phước Trương Tấn Nhất Linh cho biết, Bình Phước là một tỉnh có thế mạnh phát triển về nông nghiệp và các sản phẩm cây công nghiệp. Bên cạnh đó trong thời gian gần đây sản lượng và chất lượng trái cây của tỉnh cũng phát triển khá tốt. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 151.000 ha cây điều, sản lượng trên 150 ngàn tấn/năm; 15.720 ha cây tiêu, sản lượng 28.723 tấn/năm. Tổng diện tích cây ăn trái là 12.062 ha, với tổng sản lượng gần 64.000 tấn/năm với rất nhiều loại như: quýt, xoài, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bưởi, chuối và nhiều loại trái cây khác.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Phước Trương Tấn Nhất Linh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Phước Trương Tấn Nhất Linh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

“Tuy nhiên thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây của Bình Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân còn bấp bênh theo mùa vụ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây và hàng nông sản là rất cần thiết nhằm chia sẻ, cung cấp các thông tin về nhu cầu, định hướng thị trường, khả năng cung ứng, tiêu thụ giữa các đơn vị để gắn kết và là cơ hội cho các DN, HTX, hộ nông dân trong tỉnh được gặp gỡ, kết nối tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm Bình Phước nhằm hướng đến sự hợp tác ổn định, lâu dài và bền vững”,  ông Trương Tấn Nhất Linh chia sẻ.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, nông hộ, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sâu đối với một số sản phẩm tiêu biểu của mình. Đồng thời, mong muốn được hỗ trợ kết nối xây dựng chuỗi liên kết để bao tiêu sản phẩm.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng - Giám đốc Công ty Thiện Nông, chuyên canh tác bơ ứng dụng công nghệ cao cho biết, với diện tích canh tác hơn 10 ha, nông trại Thiên Nông đã chủ động áp dụng tưới tiêu tự động dùng Internet vạn vật (IoT) thông qua hệ thống cảm biến, van điện từ với nguồn nước mưa sạch được lọc từ các bể chứa lớn; lắp điện mặt trời áp mái; giám sát vườn bằng hệ thống camera; xịt thuốc trị bệnh phấn trắng, vàng lá trên cây cao su bằng máy bay không người lái; triển khai tiếp thị số (digital marketing) trên các nền tảng mảng xã hội (fanpage); phân phối sản phẩm đầu ra ở các hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada...

Ngoài ra, Thiên Nông cũng đang áp dụng “Nhật ký số trong sản xuất” nhằm cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực, cam kết sản phẩm sạch và xanh, bảo vệ người tiêu dùng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể hơn, ứng dụng nói trên sẽ thông qua tem nhãn/mã QR/website để minh bạch quy trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch tại trang trại và các công nghệ đang được ứng dụng theo hướng tự động nhưng thuận tự nhiên.

“Với mong muốn hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, chúng tôi đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh để thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước; HTX chúng tôi là đại diện triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý , giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. Hiện nay, HTX đã thí điểm số hoá hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình phước. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan quản lý (hội nông dân, liên minh HTX, các ngân hàng, bảo hiểm...) để hỗ trợ chuyển đổi số cho các nông hộ, doanh nghiệp tại địa phương để kết nối chuỗi nông sản nâng cao giá trị”, anh Hoàng chia sẻ.

Anh Nguyễn Viết Vị chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Viết Vị chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện với trên 500 ha mít thái lá bàng và mít ruột đỏ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Bù Đốp cho biết, hiện nay có rất nhiều sản phẩm cây ăn trái được nhà nông trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, HTX nói chung và người trồng cây ăn trái nói riêng mong muốn được hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp để tránh tình trạng sản phẩm làm ra qua tay nhiều thương lái dẫn đến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao khi đến tay người tiêu dùng. “Về lâu dài, địa phương cần quy hoạch xây dựng kho bãi để bảo quản sản phẩm khi đến mùa thu hoạch. Các doanh nghiệp cần có chính sách xây dựng thương hiệu cho nông sản Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung”, anh Vị nói.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ kinh nghiệm quý báu về việc đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử. Ảnh: Trần Trung.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ kinh nghiệm quý báu về việc đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt các đại biểu tham dự hội nghị còn được lắng nghe những chia sẻ tâm huyết về sự cần thiết phải chuyển đổi số trong nông nghiệp để từng bước đưa các mặt hàng nông sản từ động ruộng lên sàn giao dịch. Trong khi đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã thông tin đến bà con nông dân về một số yêu cầu để các mặt hàng nông sản, cây ăn trái có thể thâm nhập vào chợ đầu mối, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.

“Một trong những nguyên nhân tạo điểm nghẽn trong liên kết giữa siêu thị và các HTX là do HTX chưa nắm rõ được quy trình ký kết hợp đồng, chưa hoàn thiện hồ sơ nên khó đưa nông sản vào hệ thống siêu thị. Ngoài việc chưa nắm rõ quy trình và chưa hoàn thiện hồ sơ, một hạn chế khác là các HTX chưa nắm rõ được nhu cầu thị trường, nên khó tiếp cận hệ thống siêu thị cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Khi các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được lựa chọn để hợp tác với các hệ thống siêu thị, bản thân họ cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ hồ sơ, khảo sát và việc đánh giá trải qua quá trình khá dài. Từ khâu kiểm nghiệm chất lượng đến nguồn gốc sản phẩm đều phải đầy đủ tiêu chí năng lực về nguồn cung cấp. Đặc biệt, tuân thủ các quy trình về an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý chuyên ngành...

Đại diện các siêu thị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện các siêu thị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, để có được những nông sản đưa lên kệ của siêu thị, các đối tác cần phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục như giấy phép đăng ký kinh doanh, tài khoản ngân hàng để giao dịch và chấp nhận thanh toán sau 7 ngày hoặc 14 ngày và tính chiết khấu cho đơn hàng tùy theo tình hình thực tế. Bên cạnh đó, việc chấp hành đúng theo quy trình 5 bước của siêu thị trong cách thức bảo quản khi vận chuyển, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa nông thủy sản, thịt trứng gia súc gia cầm, mẫu mã bao bì đẹp có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng đã tạo được uy tín để giữ mối làm ăn lâu dài với hệ thống phân phối bán lẻ hàng đầu của cả nước”, đại diện lãnh đạo siêu thị CoopMart chia sẻ tại hội nghị.

Lễ lý kết thỏa thuận hợp tác giữa các HTX, doanh nghiệp, siêu thị... Ảnh: Trần Trung.

Lễ lý kết thỏa thuận hợp tác giữa các HTX, doanh nghiệp, siêu thị... Ảnh: Trần Trung.

Tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị kết nối cung cầu nông sản, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, với số dân xấp xỉ 10 triệu người, TPHCM là một thị trường có sức tiêu thụ nông sản rất lớn và cũng là đầu mối phân phối hàng nông sản bán buôn của cả nước.

Nhu cầu nông sản của người dân Thành phố bình quân khoảng 8.300 tấn/ngày (tương đương 248.900 tấn/tháng). Trong đó, rau, củ, quả chiếm khoảng 4.245 tấn/ngày, gạo gần 2.000 tấn/ngày, thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày, gia cầm khoảng 660 tấn/ngày, thủy sản khoảng 430 tấn/ngày. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất, cung ứng nông sản tại TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 22% so với nhu cầu tiêu thụ của người dân, phần lớn nông sản đều được nhập về từ các tỉnh, thành phố khác.

Hiện tại, người tiêu dùng dần chuyển sang lựa chọn các loại nông sản chất lượng, an toàn để bảo đảm sức khỏe. Để bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến tay người dân, Thành phố đã tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với nguồn hàng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong đó có Bình Phước, địa phương còn nhiều dư địa để sản xuất nông nghiệp.

“Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của Thành phố; tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TP.HCM trong thời gian tới”, ông Phương nói.

Đại diện Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cùng  HTX chuyển đổi số ký thỏa thuận để đưa các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn trái của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cùng  HTX chuyển đổi số ký thỏa thuận để đưa các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn trái của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử. Ảnh: Trần Trung.

Cũng tại hội nghị, có 70 cơ sở tham gia đăng ký kết nối tiêu thụ các sản phẩm. Ngoài ra, các bên liên quan đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác, thỏa thuận để đưa các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn trái của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất