| Hotline: 0983.970.780

Chú trọng tính riêng biệt khi phát triển sản phẩm OCOP

Thứ Bảy 12/11/2022 , 08:15 (GMT+7)

Khi các tỉnh phát triển sản phẩm OCOP, số lượng càng nhiều thì càng cần xem xét, chú trọng tới tính riêng biệt, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.

Diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Ngày 12/11, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.

Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước.

Đồng thời, thông qua Diễn đàn sẽ nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP, qua đó hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và điểm cầu Trụ sở Cơ quan Bộ NN-PTNT tại TP. HCM (số 135 Pasteur, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM) cũng như tại Sở NN-PTNT các địa phương.

Tham gia Diễn đàn gồm có đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, đại diện các Sở NN-PTNT địa phương cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối nông sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản...

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Chú trọng tính riêng biệt khi phát triển sản phẩm OCOP

ong Tung1

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nói: Qua đánh giá, số liệu từ các địa phương, có thể thấy chương trình OCOP đã có những kết quả tích cực. Các mặt hàng như lúa gạo, rau thịt, phục vụ Tết tương đối ổn định, các doanh nghiệp đã sẵn sàng cung cấp hàng hóa ra thị trường.

Cụ thể, tại các tỉnh ĐBSCL, công tác chuẩn bị cho dịp Tết đã diễn ra cách đây 1 tháng. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP rất phong phú, đa dạng. Thông qua diễn đàn đã đánh giá được mặt được và chưa được, để từ đó, các địa phương đã có những định hình về chính sách hỗ trợ cho chương trình OCOP.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn về mẫu mã, giá cả, thị trường, các chủ thể chưa có bước sẵn sàng từ công tác quản lý, thị trường, Cũng theo ông Tùng, cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Đơn cử như sản phẩm OCOP sẽ kết hợp với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

“Khi đi du lịch tại 1 vùng nào đó, du khách luôn muốn mang các sản phẩm địa phương mang về làm kỷ niệm. Đó là cách tiếp cận gần nhất, hiệu quả nhất với sản phẩm OCOP”, ông Tùng nhấn mạnh. Trong thời gian sắp tới, các chủ thể cần sáng tạo hơn về sản phẩm; các địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn, có kế hoạch đồng bộ, chi tiết, nghe ngóng các sản phẩm tương đồng để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp. Hiện nay các chủ thể vẫn ít lựa chọn sản phẩm đặc thù mang tính chất bản địa.

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP nhiều thì tính riêng biệt cần xem xét, đánh giá. Song song với đó là bài toán kết nối nông sản hiện cực kỳ khó khăn, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng vào cuộc, xúc tiến thương mại, từ đó, tạo thu nhập cho người dân.

“Đối với sản phẩm OCOP kết hợp dịch vụ du lịch thì cần phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ví dụ, du khách du lịch dài ngày không thể mua các sản phẩm nặng nề, cần hướng đến sản phẩm nhẹ nhàng hơn”, ông Tùng chia sẻ. Tại diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, cũng có một số vấn đề cần giải quyết như việc thành lập trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP tại các địa phương; cần có thêm các thông tin chi tiết cho danh sách các sản phẩm OCOP Quốc gia.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá cao sự tham gia, trao đổi nhiệt tình của các chủ thể, doanh nghiệp, HTX… cùng đại diện Sở NN-PTNT các địa phương. Diễn đàn đã nêu ra các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, từ khách quan đến chủ quan tại các địa phương và định hướng, giải pháp trong tương lai. Cùng với đó là sự đồng bộ về kế hoạch hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM, tổ công tác 970, sự tham gia của Báo Nông nghiệp Việt Nam giúp cho chương trình OCOP dần khắc phục những hạn chế tồn tại và phát triển hơn trong tương lai.

10 giờ 40 phút

HTX vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong đóng góp phát triển sản phẩm OCOP

ong vu van tien

Thông tin tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970, ông Vũ Văn Tiến (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam hiện có hơn 19.000 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số HTX của cả nước, với hơn 3,4 xã viên. Tuy nhiên, trong hơn 8.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên chỉ có 40% sản phẩm có chủ thể là HTX và tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP.

Có thể thấy, đóng góp của HTX và tổ hợp tác trong việc phát triển và gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Ông Tiến cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP gắp với HTX có vai trò kép trong việc nâng cao giá trị của đặc sản vùng miền.

Theo đó, HTX giúp nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời là điểm hội tụ văn hóa, lan tỏa giá trị đặc sản vùng miền. Thời gian vừa qua, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với HTX như: Tập huấn đào tao, nâng cao năng lực HTX; Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, triển khai sàn thương mại điện tử Ocop.vn; Huy động nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm OCOP;...

Để phát triển HTX gắp với sản phẩm OCOP, đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn cho rằng, chính quyền địa phương cao nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển HTX gắn liền với xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt cần nâng cao nhận thức, khuyến khích chủ thể sản phẩm OCOP phát triển, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ HTX về nguồn vốn, hạ tầng, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ.

10 giờ 25 phút

Tồn tại nhiều hạn chế trong khâu thương mại hóa sản phẩm OCOP

ong le viet binh

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Viết Bình (ảnh), Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT khu vực phía Nam, cho biết, sau 4 năm thực hiện, qua các báo cáo cho thấy, chương trình OCOP đã đạt được nhiều thành quả, hiệu quả nhất định. Điển hình như việc các đơn vị, địa phương đã thành công trong việc đưa nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc sản vùng miền lên các sàn thương mại điện tử. Giá trị giao dịch của các sản phẩm OCOP cũng ngày càng được nâng cao.

“Tuy nhiên, hiện nay, sau khi xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP, nhiều địa phương gần như cũng chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khả năng thương mại còn thể hiện nhiều hạn chế”, ông Lê Viết Bình cho hay.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, hiện nay đang tồn tại thực trạng số lượng các sản phẩm OCOP tăng nhanh một cách ồ ạt, các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù nên chất lượng cũng như hiệu quả của chương trình OCOP chưa cao. “Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm OCOP còn rời rạc, không có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng”, ông Lê Viết Bình phân tích.

Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện Văn phòng Bộ NN-PTNT khu vực phía Nam đang xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, trong đó đặc biệt tập trung vào các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, qua đó thể hiện mong muốn các sản phẩm OCOP tại ĐBSCL không chỉ được tiêu thụ nội vùng mà còn hướng tới các địa phương khác trên cả nước cũng như thị trường thế giới.

10 giờ 10 phút

Đề nghị sớm hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá mới

Ông Võ Văn Lập, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang thông tin: Tiền Giang là địa phương tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây ăn quả hơn 90.000 ha với nhiều sản phẩm nổi bật như sầu riêng (diện tích hơn 50.000 ha, 13.000 cho thu hoạch với sản lượng hơn 350.000 tấn); khóm (diện tích 14.000 ha, sản lượng 250.000 tấn); mít (diện tích 14.000 ha, sản lượng 250.000 tấn); thủy sản sản lượng gần 300.000 tấn... Do đó, nhu cầu nhu cầu cần kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh là rất lớn.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 187 mã số vùng trồng cho hơn 17.000 ha trên tất cả các loại cây trồng; công nhận được 148 sản phẩm OCOP (90 sản phẩm đạt 4 sao, 58 sản phẩm đạt 3 sao).

Theo ông Lập, từ nay tới cuối năm, tỉnh dự kiến sẽ công nhận thêm 30 sản phẩm OCOP và dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ công nhận được 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm OCOP 5 sao.

Trên cơ sở đó, ông Lập Kiến nghị, Bộ NN-PTNT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sớm hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá mới, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiến hành công tác đánh giá các sản phẩm OCOP một cách chính xác, hiệu quả.

9 giờ 55 phút

Trà Vinh mong có bộ tiêu chí mới để đánh giá sản phẩm OCOP

ocop tra vinh

Một điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: TTXVN.

Tham luận tại diễn đàn, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết, qua 4 năm thực hiện (giai đoạn 2019-2022), tỉnh Trà Vinh đã có 104 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 85 sản phẩm đạt 3 sao, thuộc 65 chủ thể. Với 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, Sở NN-PTNT Trà Vinh đã chỉ đạo lập hồ sơ gửi Bộ NN-PTNT, trong đó có 2 sản phẩm Đường mật pha dừa và 4 sản phẩm về kẹo dừa sáp.

Chương trình OCOP tại Trà Vinh đã nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương. Những sản phẩm tiềm năng có sức bán tăng 40-50%. Tỉnh Trà Vinh đã có các cơ chế, chính sách về việc tiếp tục tăng cường, hỗ trợ xây dựng cho từng sản phẩm OCOP. Các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở NN-PTNT Trà Vinh đã đưa sản phẩm tham gia các hoạt động hội chợ, chương trình. Ít nhất có 12 chuyến tại Nam Định, Kiên Giang, Bến Tre…

Ngoài ra, địa phương đã hỗ trợ hồ sơ các sản phẩm, đặc biệt 104 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, cập nhật lên hệ thống quản lý, giám sát. Phối hợp với bưu điện, hỗ trợ 6 sản phẩm tiềm năng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ tư vấn, thiết lập đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, máy móc sản xuất… với kinh phí hơn 1 tỉ đồng.

Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh sẽ chấm điểm 99 sản phẩm ocop. Sắp tới, Trà Vinh có thể có trên 200 sản phẩm OCOP. Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quản lý chất lượng sản phẩm; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP đảm bảo ATVSTP; kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP với các địa phương trên cả nước.

Ông Lê Văn Đông hi vọng Bộ NN-PTNT, Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM, Tổ 970 sớm bổ sung, ban hành bộ tiêu chí mới thay thế bộ tiêu chí cũ vì hiện nay, một số sản phẩm đặc thù của Trà Vinh chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá, phân hạng, đơn cử như sản phẩm than hoạt tính và yến xào.

9 giờ 45 phút

Cà Mau có 77 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao

ca mau

Cà Mau có nhiều sản phẩm đặc sản mang đậm hương vị vùng miền.

Theo ông Nguyễn Bá Thuấn, Chi cục Trưởng Chi cục PTNT tỉnh Cà Mau, địa phương có 77 sản phẩm OCOP của 44 chủ thể. Trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao, hầu hết đều thuộc nhóm thực phẩm và được xúc tiến phân phối tại các hệ thống siêu thị, đại lý trên cả nước cũng như các sàn thương mại điện tử. Qua đó, có 30% sản phẩm có doanh thù từ 5-8%, giá bán tăng 5-10%.

Đặc biệt, Cà Mau xếp thứ 4/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm OCOP. Thời gian tới, địa phương sẽ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP để tiếp cận các thị trường Hàn Quốc, Úc, Thái Lan. Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo thị trường, thúc đẩy tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, tăng tường xúc tiến nông sản trên nền tảng số.

Trong năm 2022, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm...

9 giờ 35 phút

An Giang: Chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng

Thông tin tại Diễn đàn, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện nay việc phát triển sản phẩm OCOP của địa phương còn hạn chế, khiêm tốn so với khu vực ĐBSCL với 74 sản phẩm và 21 chủ thể là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

“Việc phát triển các sản phẩm OCOP chậm là do tỉnh chú trọng đến tính khác biệt, không trùng lặp của sản phẩm đến từ những làng nghề truyền thống tại địa phương. Đặc biệt, trong tổng số 74 sản phẩm OCOP, tỉnh An Giang đã có 2 sản phẩm được đánh giá 5 sao”, đại diện Sở NN-PTNT An Giang chia sẻ. Hiện nay, tỉnh An Giang đang thúc đẩy việc tiếp cận với nhiều kênh phân phối để đưa các sản phẩm OCOP địa phương lên các sàn thương mại điện tử.

“Với việc liên kết với các hiệp hội, các sản phẩm OCOP của An Giang đã được đóng gói thành những phần quà để cung cấp ra thị trường. Đến mỗi dịp lễ, tết, sản phẩm OCOP của An Giang sản xuất không kịp so với nhu cầu của người tiêu dùng”, đại diện tỉnh An Giang cho hay.

Sở NN-PTNT An Giang cũng cho biết, tuy còn nhiều dư địa để phát triển nhưng các chủ thể, các cơ sở sản xuất của địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các kênh phân phối. Đặc biệt, hiện nay An Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, tuy nhiên các cơ sở sản xuất còn dè dặt, đắn đo, thậm chí từ chối tham gia chương trình OCOP do chưa có sự đảm bảo, chắc chắn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, đại diện Sở NN-PTNT An Giang đề xuất Văn phòng Điều phối NTM Trung ương hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL xây dựng trung tâm trưng bày các sản phẩm OCOP của ĐBSCL, sau đó điều phối những sản phẩm đó đến nơi có nhu cầu với các đối tác lớn. Từ đó các cơ sở và chủ thể sẽ có kế hoạch sản xuất cụ thể theo nhu cầu của doanh nghiệp, tránh tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm so với nhu cầu thực tiễn.

9 giờ 25 phút

Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch - nhóm sản phẩm OCOP đặc biệt

du-lich-cong-dong-1_1632363343

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái (Ảnh minh họa).

Tiến sỹ Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường ĐH Xã hội Nhân văn TP.HCM cho biết, cũng là sản phẩm OCOP nhưng là nhóm sản phẩm thứ 6 khá là đặc biệt so với những nhóm sản phẩm khác. Trong giai đoạn vừa qua, OCOP đã có những thành tựu và phát triển, với những thành tựu và phát triển đó về lâu dài nếu gắn với sản phẩm thứ 6 là sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Sản phẩm thứ 6 khá đặc biệt, bởi nó không phải là sản phẩm có thể mang đến chào hàng và bán được mà nó là sản phẩm mà người ta đến với mình. Muốn làm được điều đó thì phải thu hút và đảm bảo được yếu tố bền vững để khách đến 1 lần họ muốn đến lần thứ 2, lần thứ 3…

Chính tinh thần đó, khi chúng ta đi vào tiêu chí về bộ du lịch cộng đồng chúng ta sẽ thấy về cơ cấu của bộ tiêu chí giống như là bộ tiêu chí của sản phẩm OCOP, cũng có 3 phần: sản phẩm có sức mạnh cộng đồng 35 điểm; khả năng tiếp thị 25 điểm và chất lượng sản phẩm là 40 điểm. Chính cái này tạo nên sực khác biệt của sản phẩm OCOP so với những sản phẩm khác. 

Một điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… không đơn giản chỉ là sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách mà phải đảm bảo được tính bảo tồn về di tích văn hóa lịch sử của vùng miền; giá trị văn hóa thể hiện qua di tích lịch sử, qua tri thức bản địa, qua lối sống, sinh hoạt của bà con cộng đồng, đưa vào đó những câu chuyện của sản phẩm du lịch và phải khôi phục, phát triển để đồng hành cùng phát triển du lịch và phải có câu chuyện về nó.

ĐBSCL rất lo về vấn đề các sản phẩm du lịch sẽ bị trùng lắp, bởi đặc điểm tự nhiên của ĐBSCL là giống nhau. Bởi vậy, cái khác nhau đó chính là giá trị văn hóa ở đây mang lại để tạo nên cái khác biệt của điểm du lịch này khác với điểm du lịch khác như thế nào? Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng phải đảm bảo tính độc đáo để hấp dẫn tạo sự tò mò cho du khách; bà con hậu thuẫn và đồng lòng hưởng lợi gì từ sản phẩm du lịch và mang ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” làm sao khi nói đến xã đó là nhớ đến sản phẩm đó. Việc mang lại từ giá trị của sản phẩm OCOP là việc chuẩn hóa sản phẩm của bà con qua tham gia chương trình OCOP. Với nhóm sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương thì tỉnh cần có bước đi, định hướng lâu dài hơn trong củng cố nguồn nguyên liệu, trong xây dựng thương hiệu, trong việc đẩy mạnh các hoạt động để sản phẩm đó trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương. Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 phải chú ý đến vùng nguyên liệu như thế nào? Liên kết vùng nguyên liệu ra sao? Để những giá trị bản địa, sản phẩm bản địa trở nên nổi bật mang đặc trưng vùng miền và mang lại giá trị.

Tôi đề xuất hướng để phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương như: Cần bảo tồn phát huy văn hóa đặc thù; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; là nâng cao năng lực cho người làm du lịch nông thôn; vấn đề bảo vệ môi trường…

9 giờ 15 phút

Đồng bộ nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP bền vững

ocopdt

Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp đã có 269 sản phẩm OCOP.

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Sở NN-PTNT Đồng Tháp chia sẻ: Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp đã có 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 61 sản phẩm OCOP 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao. Đồng Tháp rất quan tới hoạt động thương mại hóa các sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể liên kết với thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP được bán trên sàn thương mại điện tử Shoppe, 100 sản phẩm trên sàn VoSo, 76 sản phẩm trên Lazada, 73 sản phẩm trên sàn Co.opmart...

Theo đại diện Sở NN-PTNT Đồng Tháp, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh bền vững.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên các kênh thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử; xây dựng các chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm; phát triển chuỗi liên kết giữa chủ thể với các doanh nghiệp...

9 giờ 05 phút

Gắn vùng nguyên liệu địa phương, tích hợp đa giá trị khi phát triển chuỗi sản phẩm OCOP

dai dien vp ntm

Ông Đặng Quý Nhân (ảnh), Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới (NTM) Trung ương, khẳng định chương trình OCOP là chương trình phát triển nông thôn theo hướng phát huy nội lực bao gồm trí tuệ, sáng tạo, lao động, phát huy nguồn nguyên liệu, văn hóa của địa phương, nhằm gia tăng giá trị.

Sau 4 năm triển khai, căn cứ vào Quyết định 490 (ngày 7/5/2018) của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có thể khẳng định chương trình có sự lan tỏa mạnh mẽ và được triển khai rộng rãi trên 63 tỉnh thành. Chương trình khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương có chính sách riêng để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

Về các kết quả nổi bật, ông Nhân nhấn mạnh, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang liên kết chuỗi giá trị khép kín, với vai trò chính là các HTX và doanh nghiệp. Hiện nay đã hình thành được 393 chuỗi hoạt động hiệu quả và đã có hơn 145 sản phẩm khai thác hiệu quả các vùng nguyên liệu của địa phương.

Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt với chủ thể là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng ATTP, mẫu mã bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường. Ngoài ra, chương trình OCOP đã góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, hiện có 5.400 làng nghề (2.000 làng nghề truyền thống) và 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình OCOP vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng sản phẩm tăng nhanh nhưng chưa bền vững, chưa tập trung vào các sản phẩm có lợi thế; Thiếu sự chủ động, chưa tập trung chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, năng lực thị trường, các giải pháp hỗ trợ, tổ chức, quản lý; Các hoạt động xúc tiến thương mai còn manh mún, thiếu đồng bộ.

Theo ông Đặng Quý Nhân, đến năm 2025, cả nước sẽ có 10.000 sản phẩm OCOP, ít nhất 50% sản phẩm được đánh giá phân hạng, ưu tiên phát triển HTX, phấn đấu 40% chủ thể là HTX.

Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM Trung ương xác định một số nhiệm vụ như Phát triển chuỗi sản phẩm OCOP gắn vùng nguyên liệu địa phương, tích hợp đa giá trị. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, kiến thức về kinh tế, thị trường. Hình thành các điểm đến các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.

8 giờ 55 phút

Phát triển vùng trồng an toàn: Cần mối liên kết chặt chẽ, không chồng chéo

ong Khoa

Để giải quyết được bài toán gia tăng mối liên kết giữa sản xuất và kinh doanh cũng như kết hợp nền tảng kĩ thuật để phát triển vùng trồng với chi phí thấp, ông Nguyễn Đăng Khoa (ảnh), Tổng Giám đốc Hệ thống nông nghiệp Cẩm Châu (Kiên Giang) cho rằng, để phát triển vùng trồng an toàn nhờ mối liên hệ chặt chẽ, chức năng của từng bên liên quan phải được phân định rõ ràng, không chồng chéo.

Theo đó, Nhà quản lý sẽ quản lý kỹ thuật, đảm bảo năng suất tối thiểu; Nhà sản xuất phụ trách đất trồng - công cụ, nhân công chăn sóc, phân bón có nguồn gốc hữu cơ, thu hoạch - vận chuyển, bảo quản thành phẩm; Nhà đầu tư quản lý giống, thuốc men, dịch hại, đảm bảo giá tối thiểu. Mối liên kết qua đó sẽ tạo ra nguồn thu ổn định cho nông dân cùng các bên liên quan.

Đại diện Công ty Nông nghiệp hữu cơ Cẩm Châu cho biết, đơn vị đã phát triển vùng trồng có chứng nhận Organic USDA lên tới 66ha tại U Minh Thượng có thể phát triển các loại cây rau màu, an quả đạt được tiêu chuẩn hữu cơ của nhiều nước nhập khẩu. Qua đó, Cẩm Châu mong muốn với các đơn vị có nhu cầu về xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ.

8 giờ 45 phút

Cần rải vụ các loại trái cây có sản lượng lớn tại ĐBSCL

ong Tung

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã thông tin về ước tính sản lượng cây ăn quả chủ lực năm 2022 và dự kiến sản lượng quý I năm 2023 khu vực ĐBSCL. Theo đó, với các sản phẩm trái cây chủ lực như thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, quýt, mãng cầu…, ước tính sản lượng tại khu vực ĐBSCL đạt hơn 4,1 triệu tấn trong năm 2022 và hơn 1 triệu tấn trong quý I năm 2023.

Ông Lê Thanh Tùng cũng đưa ra dự báo những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Cụ thể, đại diện Cục Trồng trọt nhận định, yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường Trung Quốc có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại của khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, việc chậm cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho tiêu thụ vụ sầu riêng rải vụ hiện nay tại vùng ĐBSCL. “Yếu tố chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao sẽ tác động đến sản xuất cây ăn quả và có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết, tình hình lũ và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến sản xuất một số vùng cây ăn quả chưa có đê bao kép kín; việc gia tăng nhanh diện tích sản xuất sầu riêng tại một số vùng có điều kiện sinh thái không phù hợp có thể dẫn đến thiệt hại sau khi trồng.

Theo đó, ông Lê Thanh Tùng đã đưa ra những đề xuất giải pháp để việc sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả hiệu quả trong thời gian tới: “Các đơn vị, địa phương cần củng cố hệ thống đê bao, bờ bao nhằm chống lũ và xâm nhập mặn. Đồng thời chỉ đạo rải vụ các loại trái cây có sản lượng lớn như thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng… một cách linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn”.

Ông Tùng cũng cho rằng cần phải kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích cây sầu riêng, tránh mở rộng diện tích tại những vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Cùng với đó, cần nắm sát sản lượng, chất lượng cây ăn quả, đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng cây ăn quả, đặc biệt cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng.

Cuối cùng, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng cần xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả một cách cụ thể với từng đối tượng sản phẩm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp thu mua trái cây cũng như tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến trái cây nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của ngành hàng.

8 giờ 30 phút

“Mở đường” cho sản phẩm OCOP đến gần với thị trường

Mở đầu diễn đàn, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022” được Bộ NN- PTNT, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 tổ chức nhằm nắm bắt thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP; kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất… tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

z3874224417241_31652abb6eeec80fd6193c66871c139e

Nhu cầu của thị trường đối với những sản phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tăng (Ảnh minh họa).

Theo ông Lê Trọng Đảm, hiện tại, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay đạt 55 tỷ USD. Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ là thời kỳ cao điểm chuẩn bị thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, do đó nhu cầu của thị trường đối với những sản phẩm an toàn, chất lượng lại càng tăng lên.

Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức sẽ góp phần quan trọng trong việc cung cấp những thông tin chính xác về sản phẩm (vùng trồng, sản lượng, chất lượng, nhu cầu tiêu thụ…). Từ đó, “mở đường” cho các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.