| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ cao nông dân Hậu Giang đạt doanh thu 3 tỷ đồng/ha

Thứ Ba 08/11/2022 , 10:47 (GMT+7)

Hậu Giang Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, không chỉ tăng năng suất mà còn tạo ra nông sản sạch, nông dân Hậu Giang đạt doanh thu 3 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Một ha dưa lưới đạt hơn 100 tấn

Với tổng diện tích 1,8 ha trồng dưa lưới trong nhà màng, mỗi năm các thành viên Hợp tác xã (HTX) Dưa lưới Thuận Phát thu hoạch khoảng 200 tấn trái. Với giá bao tiêu trung bình 30.000 đồng/kg, doanh thu lên tới 6 tỷ đồng mỗi năm. Đây là những con số khá ấn tượng, nếu không ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì có mơ nông dân cũng không dám nghĩ tới.

Với tổng diện tích 1,8 ha trồng dưa lưới công nghệ cao, mỗi năm Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát thu hoạch khoảng 200 tấn trái, mang lại doanh thu lên tới 6 tỷ đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Với tổng diện tích 1,8 ha trồng dưa lưới công nghệ cao, mỗi năm Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát thu hoạch khoảng 200 tấn trái, mang lại doanh thu lên tới 6 tỷ đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Nói về định hướng phát triển, Giám đốc HTX Dưa lưới Thuận Phát cho biết, chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là bước đi đúng hướng, chúng tôi tiếp tục kết nạp thêm thành viên để mở rộng diện tích sản xuất và tăng thêm nguồn lực. Tiếp tục hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Chúng tôi đến HTX Dưa lưới Thuận Phát, ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vào giữa mùa nước nổi ở ĐBSCL. Thường đây là lúc nông nhàn, nhưng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì sản xuất quanh năm. Hàng dãy nhà màng nối sát nhau, những dây dưa lưới phát triển thẳng đứng, với nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhà thì ương hạt giống. Nhà thì công nhân đang làm lại bầu giá thể. Nhà dưa đang ra hoa thụ phấn, ong mật bay vo ve tìm hoa hút mật. Nhà dưa sắp thu hoạch...

Dẫn chúng tôi đi thăm từng nhà trồng dưa, vị Giám đốc đậm chất nông dân Võ Văn Trưng bảo: “HTX Dưa lưới Thuận Phát mới thành lập được 4 năm, diện tích ban đầu là 0,82 ha. Đến nay, diện tích sản xuất tăng lên 1,8 ha với 20 thành viên tham gia. Làm nông nghiệp công nghệ cao cần vốn lớn nhưng vốn điều lệ ban đầu chỉ 500 triệu đồng, nay phát triển cơ ngơi như vầy là mừng rồi”.

Theo Giám đốc Trưng, ngoài đối tượng sản xuất kinh doanh chính là dưa lưới, Hợp tác xã còn trồng thêm măng tây. Làm dịch vụ sơ chế, chế biến sản phẩm từ thực vật (dưa lưới, măng tây) và xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau an toàn. Đây là một tổ chức kinh tế tự chủ gồm những người nông dân có nhu cầu liên kết thành một tập thể, đồng thời xây dựng hệ thống nhà màng để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ngay từ khi mới thành lập (tháng 9/2018), HTX Dưa lưới Thuận Phát đã quyết tâm đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất trái cây sạch. Được sự hỗ trợ của Liên Minh HTX tỉnh Hậu Giang cho vay từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật  (Sở KH-CN Hậu Giang) hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo GlobalGAP.

Dưa lưới của HTX Thuận Phát đã đạt chứng nhận GlobalGAP, sản lượng và chất lượng sản phẩm rất ổn định và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra, nên các thành viên yên tâm đầu tư sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Dưa lưới của HTX Thuận Phát đã đạt chứng nhận GlobalGAP, sản lượng và chất lượng sản phẩm rất ổn định và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra, nên các thành viên yên tâm đầu tư sản xuất. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần vốn đầu tư ban đầu lớn và người sản xuất cần có trình độ chuyên môn. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ đầu tư bằng cách cho vay vốn ưu đãi. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho những đối tượng mới tham gia sản xuất. Nhà nước cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, để thuận lợi cho việc sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản được dễ dàng hơn.

Giám đốc Võ Văn Trưng phấn khởi chia sẻ: “Đến nay, sản phẩm dưa lưới của HTX Thuận Phát đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản trên trang nongsanhaugiang.com.vn. Sản lượng và chất lượng sản phẩm rất ổn định và được công ty bao tiêu toàn bộ đầu ra, nên các thành viên yên tâm đầu tư sản xuất”. 

Nhiều mô hình đang được nhân rộng

So với các tỉnh ở ĐBSCL thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang không lớn. Vì vậy, Hậu Giang luôn xác định khoa học kỹ thuật và đặc biệt là công nghệ cao là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Cùng với đó là kết hợp giữa ứng dụng công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc và bao tiêu sản phẩm sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp hướng tới sự bền vững.

Ứng dụng công nghệ trồng nấm rơm trong nhà, mỗi m2 có thể cho doanh thu lên tới 1 triệu đồng, ngoài ra còn tận dụng rơm mục để làm phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, tạo kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Trung Chánh.

Ứng dụng công nghệ trồng nấm rơm trong nhà, mỗi m2 có thể cho doanh thu lên tới 1 triệu đồng, ngoài ra còn tận dụng rơm mục để làm phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, tạo kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với truy suất nguồn gốc được đơn vị xem là công cụ hàng đầu để chuyển giao đến người nông dân thông qua các mô hình khuyến nông. Những mô hình này cũng là nơi gắn kết giữa nhà thu mua nông sản với nông dân thông qua các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, Hậu Giang đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP và được cấp mã số vùng trồng.

Tiêu biểu như mô hình “sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm” với diện tích chứng nhận VietGAP và đạt GlobalGAP hiện nay là hơn 29 ha. Các hộ nông dân tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ ghi nhật ký điện tử trên trang nongsanhaugiang.com.vn để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc. Hợp tác xã Trái Cây sinh học OCOP là đơn vị ký hợp đồng tiêu sản phẩm cho nông dân để xuất khẩu. Qua đó, sản phẩm chanh không hạt được bao tiêu toàn bộ để doanh nghiệp xuất khẩu với giá bao tiêu cao hơn thị trường 1.000đ/kg và giá trị lợi nhuận tăng thêm gần 20 triệu đồng/ha.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đầu ra ổn định, giúp nông dân Hậu Giang mạnh dạn đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đầu ra ổn định, giúp nông dân Hậu Giang mạnh dạn đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất nấm rơm trong nhà và phân hữu cơ theo chuỗi giá trị cho thu nhập khá cao. Mô hình này tận dụng phụ phẩm trong canh lúa để trồng nấm rơm theo kỹ thuật tiên tiến là trồng trong nhà có gắn thiết bị cảm biến nhiệt độ, phun sương… giúp tăng thêm thu nhập nông hộ. Ngoài ra, khi phụ phẩm là rơm rạ sau chất nấm được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, tránh lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình đã mang lại doanh thu cho nông dân trên 100 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm nấm rơm làm ra được liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết giúp ổn định đầu ra, nông dân an tâm canh tác. Đến thời điểm hiện tại từ 10 nhà ban đầu đến nay đã có hơn 40 nhà khác đã được đầu tư trồng nấm rơm trên địa bàn tỉnh.

Hậu Giang cũng là tỉnh phát triển khá mạnh dịch vụ sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Từ ban đầu chỉ có 2 máy đầu tư cho 2 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Kết quả mô hình đã nhân rộng khá lớn. Hiện nay, người dân tự đầu tư nhân rộng mô hình đã nâng tổng số máy bay phun thuốc trên địa bàn hiện có 37 chiếc. Riêng dịch vụ phun thuốc bằng máy bay do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang thực hiện từ năm 2021 đến nay đã phun dịch vụ trên diện tích 2.000 ha.

Thực hiện cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, đến nay  tỉnh Hậu Giang đã có 99 vùng trồng đã được cấp mã số, gồm cây mít (40 mã số), xoài (19 mã số), nhãn (18 mã số), dưa hấu (10 mã số), chanh (4 mã số), chôm chôm (4 mã số), cây thạch đen (2 mã số) và lúa (1 mã số). Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Hậu Giang đã tiến hành giám sát 61 vùng trồng, gồm: 2 vùng trồng xoài xuất khẩu sang thị trường Hoa kỳ, Hàn Quốc, Úc, Newzealand và 1 vùng trồng chanh xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Giám sát vùng trồng xuất khẩu sang thị trường trung Quốc, gồm 39 vùng trồng mít, 14 vùng trồng xoài, 4 vùng trồng chôm chôm và 1 vùng trồng nhãn xuất khẩu.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất