| Hotline: 0983.970.780

Người dân phản ánh doanh nghiệp 'chiếm' mã vùng trồng sầu riêng: Kết nối '3 nhà' chưa tốt

Thứ Tư 12/10/2022 , 10:11 (GMT+7)

Sau khi có thông tin doanh nghiệp chiếm mã vùng trồng, cơ quan đã làm việc với các bên và cho rằng việc kết nối giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân chưa tốt.

Người dân cần thông tin rõ ràng, minh bạch

Ông Hoàng Trọng Cường, trưởng thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Păk (tỉnh Đăk Lăk) cho biết, sau khi kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc một doanh nghiệp được cấp mã vùng trồng sầu riêng trên diện tích người dân, cơ quan chức năng đã họp giải quyết.

Theo ông Cường, Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm đã tổ chức đăng ký và quản lý sử dụng mã số vùng trồng và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc có số ký hiệu: VN - ĐLOR 0072 trên diện tích đất người dân thôn Tân Bắc đang canh tác.

“Sự việc được phát hiện khi có doanh nghiệp vào đề nghị liên kết với các hộ dân để thiết lập mã vùng trồng xuất khẩu. Khi chúng tôi đưa hồ sơ thì mới phát hiện diện tích trên đã được cấp mã và do Công ty Thiện Tâm quản lý”, ông Cường thông tin.

z3670970808291_fc1206157929f5df388129bc3cde81de

Các doanh nghiệp phối hợp với người dân thiết lập mã vùng trồng phụ vụ xuất khẩu tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Quang Yên.

Vị trưởng thôn cho biết thêm, 2 năm trước Công ty Thiện Tâm có cử cán bộ xuống địa phương lập hồ sơ xây dựng mã vùng trồng. Tuy nhiên, khi được cấp mã vùng trồng thì chính quyền thôn và người dân không hề được thông báo dẫn đến người dân không nắm được sầu riêng của địa phương được cấp mã. Từ đó, người dân mới dẫn đến hiểu lầm.

“Sau khi có kiến nghị, UBND huyện cùng doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người dân và đã giải thích rõ về vấn đề này. Qua giải thích, chúng tôi kiến nghị Công ty Thiện Tâm cần cung cấp diện tích đã được cấp mã vùng trồng là bao nhiêu. Đối với diện tích chưa được cấp mã còn lại thì Công ty Thiện Tâm có tiếp tục đồng hành với dân để thiếp lập hồ sơ cấp mã hay không. Nếu không thì người dân sẽ liên kết với doanh nghiệp khác", ông Cường kiến nghị.

Ông cũng cho biết thêm, việc diện tích sầu riêng của người dân được cấp mã vùng trồng là công sức của doanh nghiệp, chính quyền địa phương nên "rất cảm ơn".

z3791082704562_e08ee489a04f9153c2aed21715463cd6

Các doanh nghiệp thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên.

Còn ông Bùi Đình Lục, Tổ trưởng Tổ VietGAP xã Ea Kênh, cho biết, cuối tháng 9/2022, có một số doanh nghiệp đến đề nghị làm thủ tục để cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho mùa sau.

Khi ông Lục đã lập danh sách người dân trồng sầu riêng trong thôn Tân Bắc lên huyện để xin cấp mã vùng trồng thì tá hỏa phát hiện thôn đã được cấp mã vùng ký hiệu: VN-ĐLOR 0072 cho Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm.

"Chúng tôi đề nghị Công ty Thiện Tâm cung cấp rõ danh sách những hộ dân được cấp mã vùng trồng. Đối với diện tích còn lại công ty có tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề xuất cấp mã hay không. Vì người dân muốn xây dựng hồ sơ để đề xuất cấp mã vùng trồng, phục vụ cho việc xuất khẩu chính ngạch. Nếu công ty không liên kết với dân thì chúng tôi sẽ tìm doanh nghiệp mới”, ông Lục nói.

Chưa hiểu rõ về mã vùng trồng

Liên quan đến vụ người dân đòi lại mã vùng trồng những ngày gần đây, ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thiện Tâm cho biết, là "do hiểu lầm".

Theo ông Tâm sau khi xảy ra sự việc, Công ty đã phối hợp với UBND huyện Krông Pắc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk xuống làm việc với người dân để hiểu rõ về mã vùng trồng.

Qua làm việc, ông Tâm đã thông báo mã vùng trồng khu vực trên cách đây 3 năm doanh nghiệp phối hợp với Công ty Cà phê Tháng 10 lập hồ sơ, đề nghị cấp mã số.

“Đây là đất của công ty cà phê, người dân chỉ liên kết sản xuất. Do đó khi thiết lập hồ sơ để làm mã vùng trồng có người dân tham dự, người không nên dẫn đến không nắm hết, từ đó hiểu lầm. Qua buổi làm việc, người dân cũng đồng tình.

Sắp tới công ty cũng sẽ làm rõ vấn đề người dân kiến nghị để thống nhất về việc quản lý mã vùng trồng này”, ông Tâm nói.

z3791082711434_7f7aa4bfbc5b58c9baf5c6e45bcef833

Người dân còn chưa nắm rõ về mã vùng trồng. Ảnh: Quang Yên.

Vị giám đốc cho biết thêm, việc thiết lập hồ sơ, đàm phán hơn 3 năm mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã vùng trồng. Việc này là để cho quả sầu riêng Việt Nam được đi chính ngạch sang Trung Quốc.

"Mỗi lần cấp một mã không phải đơn giản, do đó người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng nhau bảo vệ mã này để được điều kiện cần và đủ cho quả sầu riêng xuất khẩu. Việc được cấp mã vùng trồng người đầu tiên được hưởng lợi là bà con nông dân. Những năm trước Công ty Thiện Tâm thu mua sầu riêng với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng sau khi được cấp mã đã thu mua giá gấp đôi”, ông Tâm chia sẻ.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păc (Đăk Lăk) cho biết, người dân chưa hiểu rõ về quy định cấp mã vùng trồng. Trong đó, người dân, doanh nghiệp để đủ điều kiện cấp mã diện tích phải từ 10ha trở lên và đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc đưa ra.

Theo bà Trinh để xảy ra sự hiểu lầm này chính là sự kết nối giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân chưa tốt.

“Nếu chúng ta kết nối tốt thì sẽ không xảy ra sự hiểm lầm lần này. Ngoài ra, mã số vùng trồng còn quá mới, vì mới xuất khẩu chính ngạch hồi cuối tháng 9, do đó người dân chưa hiểu. Thậm chí có bao nhiêu người dân hiểu được mã vùng trồng này như thế nào? Bởi vì mỗi nước xuất khẩu yêu cầu khác nhau như Nhật Bản yêu cầu khác, Hàn Quốc yêu cầu khác và Trung Quốc yêu cầu khác. Người dân chưa hiểu sâu về mã vùng trồng nên có sự hiểu lầm diễn ra mấy ngày nay”, bà Trinh nói.

Vị Phó Chủ tịch cho biết thêm, sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện đã chỉ đạo doanh nghiệp làm việc với dân để đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Trong trường hợp nếu người dân không đồng thuận, không tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp này nữa thì có quyền đề nghị các doanh nghiệp khác.

h4

Việc cấp mã vùng trồng, người đầu tiên hưởng lợi là nông dân. Ảnh: Quang Yên.

“Để cấp được mã vùng trồng không phải dễ, là sự nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Do đó cần có sự bảo vệ nó, vậy cần có sự kết nối chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý để làm sao có lợi nhất cho người dân. Nói gì thì nói người chịu thiệt sau cùng trong mọi trường hợp là nông dân”, vị Phó chủ tịch nói thêm.

Liên quan đến việc bao nhiêu trường hợp phản ánh, bà Trinh cho biết chỉ có 2. Qua làm việc, chính bản thân của 2 trường hợp phản ánh cũng chưa nắm rõ mã vùng trồng là như thế nào. UBND huyện đã tuyên truyền, giải thích cho 2 trường hợp trên rõ.

Về việc thông tin doanh nghiệp không thu mua sầu riêng của người dân là không chính xác. Vì cuối tháng 9 thì mới bắt đầu xuất khẩu chính ngạch mà thời điểm này sầu riêng của huyện Krông Păc không còn bao nhiêu. Do đó, lấy ra hàng đâu mà doanh nghiệp mua cho người dân.

“Huyện đề nghị doanh nghiệp làm việc với dân, đưa ra hợp đồng cụ thể. Về phía huyện sẽ mời một đơn vị quản lý phần mềm về nông nghiệp tới mùa vụ sau khi bán xong thì khóa lại, không ai đụng đến. Chỉ có việc quản lý mã vùng tốt thì mới giữ được thương hiệu của sầu riêng Krông Păc nói riêng và cả nước nói chung vì đây là tài sản của dân”, vị này nói.

Liên quan đến việc mở rộng diện tích sầu riêng được cấp mã, UBND huyện Krông Păc đang tổ chức các lớp tập huấn về thiết lập hồ sơ mã vùng trồng.

“Vì sắp tới để bán được hàng, xuất khẩu chính ngạch thì bắt buộc phải có mã vùng trồng. Việc làm này lợi ích là người dân được hưởng đầu tiên”, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păc nói.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.