Một trại heo đảm bảo an toàn sinh học ở Đồng Nai. |
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá heo hơi ở Đồng Nai hiện vẫn đang ở mức cao, từ 68.000-70.000 đồng/kg. Giá heo có thể còn diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm.
Giá heo tăng cao có thể sẽ khiến cho các mặt hàng thực phẩm khác tăng giá theo, ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp sẽ không đủ tiền mua thịt heo cho bữa ăn của gia đình. Trong khi đó, thịt heo đang là nguồn thực phẩm cung cấp đạm chiếm 70% bữa ăn của người Việt Nam.
Theo ông Công, trước đây, khi ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng thừa, người tiêu dùng đã chung tay, chung sức hỗ trợ để giải cứu, từ các bữa ăn của từng gia đình đến các bếp ăn tập thể của các công sở, nhà máy… đều tăng sử dụng thịt heo lên. Nhờ đó, giá heo đã sớm được ổn định.
Chính vì vậy, trước việc giá heo hơi đã tăng lên rất cao như hiện nay, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi heo tích cực cung ứng ổn định cho thị trường, hạn chế việc tăng giá bán, nhằm giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định hơn.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêu dùng các loại thịt khác, nhất là thịt gia cầm, là rất cần thiết. Bởi do ảnh hưởng của dịch tả heo (lợn) châu Phi, nhiều người chuyển sang nuôi gia cầm, nhiều trại gia cầm cũng tăng đàn, khiến cho đàn gia cầm trong thời gian qua tăng lên khá nhiều.
Riêng ở Đồng Nai, đàn gà công nghiệp có thời điểm đã lên tới 28 triệu con, tăng tới 6 triệu con so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi. Đàn thủy cầm ở Đồng Nai cũng đang có xu hướng tăng mạnh.
Một trại gà ở Định Quán, Đồng Nai. |
Do đàn gia cầm tăng mạnh, nên dù đang thiếu thịt heo, nhưng nếu người tiêu dùng mạnh dạn chuyển một phần nhu cầu thịt heo sang sử dụng thịt gia cầm và các loại thịt khác, thì trên tổng thể, nguồn thịt gia súc, gia cầm nói chung vẫn có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu.
Giá gia cầm hiện đang rất tốt, giá gà công nghiệp hiện là 38.000 đồng/kg hơi. Nuôi gà thời gian quay vòng nhanh, chỉ 40-42 ngày/lứa. Do đó, nếu nhu cầu thịt gia cầm tăng mạnh lên, việc đáp ứng đủ nguồn cung không phải là chuyện khó.
Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ gia cầm là chế biến chưa đa dạng, nên người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa sử dụng nhiều loại thịt này. Còn ở nhiều nước, do chế biến đa dạng, nên thịt gia cầm đang chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm thịt được tiêu thụ.
Do đó, ông Công mong muốn các doanh nghiệp chế biến cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm. Còn với người chăn nuôi gia cầm, có thể mạnh dạn tăng đàn, nhưng cần phải chú ý, tăng cường phòng ngừ dịch bệnh cuối năm khi trời trở lạnh, nhất là cúm gia cầm.
Về tái đàn heo, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã đề nghị các doanh nghiệp, trang trại có đủ điều kiện an toàn sinh học, chưa bị dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, tích cực tăng đàn, tái đàn. Đồng thời hỗ trợ con giống tốt cho những nơi đủ điều kiện tái đàn.
Ông Công cho rằng, với những trang trại lớn, làm tốt an toàn sinh học (ATSH), thì việc tái đàn không phải là vấn đề. Điều đáng quan tâm hiện nay là nhu cầu tái đàn ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bởi với giá heo đang rất cao hiện nay, nên dù biết có rủi ro,nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang rất muốn tái đàn. Do đó, cần phải giúp họ làm sao đảm bảo được ATSH cho chuồng trại trước khi tái đàn, tiếp cận được vốn tín dụng, nguồn con giống tốt với giá cả hợp lý …
Để thúc đẩy việc tái đàn heo một cách an toàn, trong thời gian tới, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ tổ chức các buổi tọa đàm, trong đó sẽ mời các cơ quan chức năng, nhà quản lý, nhà khoa học, người chăn nuôi để cùng tìm ra giải pháp khả thi nhất, và kiến nghị những chính sách ưu tiên cho việc tái đàn heo trong bối cảnh chưa có vaccine phòng chống dịch tả heo Châu Phi.