Đường Khe Giang, xã Thượng Yên Công là một trong những tuyến giao thông huyết mạch từ trung tâm TP Uông Bí (Quảng Ninh) vào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Yên Tử. Công trình do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Uông Bí làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 12/2018 và hoàn thành tháng 5/2020.
Với chiều dài gần 10km, khi hoàn thành, đường Khe Giang đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương, kết nối các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP Uông Bí... Tuy nhiên, từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, tại điểm Km4+342 - Km4+693 trên tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, gây ách tắc cục bộ. Mỗi lần như vậy, lãnh đạo xã Thượng Yên Công đều phải huy động nguồn xã hội hóa để xúc dọn, có lần lên tới vài chục triệu đồng tiền máy xúc, nhân công.
Theo ông Hoàng Việt Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Yên Công: "Nhân dân xã đã kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư, xử lý dứt điểm để không xảy ra tình trạng sạt lở trên tuyến này nhưng vẫn chưa giải quyết được. Vướng mắc là do quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tại điểm sạt trượt đã phát lộ than có phẩm cấp thấp và cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất giao thông, nên cần phải chờ được cấp có thẩm quyền thông qua".
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết thành phố đã bố trí kinh phí để triển khai công trình xử lý điểm sạt trượt tuyến đường vận chuyển rác vào nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang, với tổng mức đầu tư là 9 tỷ đồng. Năm 2024, thành phố bố trí kế hoạch vốn là 7 tỷ đồng. Khi các phương án được thông qua, địa phương sẽ tiến hành xử lý, khắc phục điểm sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Ông Vũ Đức Yêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Uông Bí cho hay: "TP Uông Bí đã gửi hồ sơ đến các sở, ngành để xem xét báo cáo tỉnh, đề nghị tỉnh giao đất ở vị trí sạt trượt mới".
Ngoài khu vực sạt lở trên tuyến đường Khe Giang, TP Uông Bí còn một điểm khác nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão là tuyến đường từ cầu Lán Tháp - cầu Vành Lược và đoạn cuối tuyến đường mới Bắc Sơn - Vàng Danh. Được biết, dự án khắc phục điểm sạt lở này cũng đang vướng mắc về quy định, thủ tục đầu tư. Để xử lý cần bốc xúc một lượng lớn đất đá lớn bên trên, song do đất là tài nguyên nên quy trình cấp phép khai thác, vị trí đổ thải hiện nay đang mất nhiều thời gian và phức tạp.
Bà Trần Thị Hường, Chủ tịch UBND phường Vàng Danh, chia sẻ: "Cứ mỗi khi có mưa là lãnh đạo thành phố, lãnh đạo phường rất lo lắng điểm sạt lở này. Trận bão số 2 vừa qua đổ bộ vào Quảng Ninh, chúng tôi phân công lực lượng trực cả ngày đêm tại UBND và trực cùng công an thành phố tại các chốt để không cho người và phương tiện đi qua cung đường có nguy cơ sạt lở".
Mặc dù vậy nhưng theo bà Hường, tại khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ đá lăn xuống khi trời nắng do đất khô sẽ tơi ra. Trong khi chờ các thủ tục hoàn thiện để thi công, thành phố sẽ tiếp tục chủ động hạ các viên đá có nguy cơ rơi xuống, đề phòng đá rơi bất ngờ gây nguy hiểm cho người dân khi đi qua đây.
Tại kỳ họp giữa năm 2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác trên địa bàn, trong đó có 0,658ha đất rừng để xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường Khe Giang.