| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS:

Khắc phục những tồn tại, khơi thông dòng chảy ra biển lớn

Thứ Ba 15/02/2022 , 09:26 (GMT+7)

Cần khắc phục các tồn tại, tuân thủ luật chơi mới để tham gia sân chơi (quốc tế) ngày càng sâu rộng.

Vải thiều Lục Ngạn tại Hà Lan. Ảnh: ST.

Vải thiều Lục Ngạn tại Hà Lan. Ảnh: ST.

Luật chơi ngày càng khắt khe

Trong bối cảnh Việt Nam triển khai thực thi Hiệp định SPS/WTO và các cam kết SPS trong khuôn khổ các FTA, khi các dòng thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam được cắt giảm về 0%, thì các yêu cầu về kỹ thuật về SPS ngày càng cao và cả hệ thống quản lý phải được nâng cấp, kiện toàn đồng bộ.

Văn phòng SPS Việt Nam dự báo, trong xu thế chung hiện nay, các nước đang nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm soát mức dư lượng và các biện pháp kiểm dịch. Đồng thời, khuyến khích sử dụng và phát triển sản phẩm hữu cơ, sạch, an toàn; hạn chế việc sử dụng các nguồn giống, sản phẩm biến đổi gen, các chất có hại cho sức khỏe con người, động thực vật, hệ sinh thái và môi trường. Trong đó, ưu tiên sử dụng các sản phẩm giảm phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại trỗi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ diễn biến lâu dài và phức tạp gây khó khăn trong khôi phục sản xuất và chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản ảnh hưởng lớn đến sự quan tâm và động lực của các bên tham gia trong việc duy trì các biện pháp đảm bảo ATTP và an toàn bệnh, dịch động, thực vật trong sản xuất của mỗi nước.

Mặc dù vậy, trong sân chơi toàn cầu đó, Việt Nam chấp nhận cam kết không bảo hộ và tuân thủ hầu hết các điều ước, thỏa thuận, quy chuẩn và thông lệ quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ thông tin, độ mở của nền kinh tế cao, giao thương hàng hóa trong đó có thực phẩm nông, lâm, thủy sản ngày càng lớn, việc cạnh tranh về chất lượng nông, lâm, thủy sản ngày càng phức tạp với nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn phức tạp ngay cả trong thị trường nội địa (cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu) và xuất khẩu (cạnh tranh với sản phẩm truyền thống bản địa và các sản phẩm nhập khẩu của các nền kinh tế khác).

Cùng với đó, toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin, đặc biệt là mức sống nói chung đã tăng lên rõ rệt, người tiêu dùng đã có nhận thức đúng, có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn và yêu cầu cao về ATTP ngày càng tăng lên.

Người tiêu dùng ngày nay không chỉ yêu cầu sản phẩm có chất lượng, an toàn cho sức khỏe mà còn đòi hỏi chuỗi sản xuất sản phẩm thực phẩm phải kiểm soát tốt bệnh dịch, phải an toàn sinh học và phải đáp ứng các yêu cầu về phúc lợi động vật, bảo vệ môi trường, khai thác có trách nhiệm…

Thay đổi để ra biển lớn

Thời gian qua, nông sản Việt đã vươn tầm thế giới khi lần lượt chinh phục những thị trường khó tính bậc nhất như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... Điển hình, năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo đến EU, Anh, châu Phi, Australia, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sự kiện 6 tấn vải thiều Lục Ngạn đã cập bến Rotterdam, Hà Lan là một minh chứng cho bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam.  

Tuy nhiên, trong năm qua, không ít lần các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và xuất khẩu nông sản đã phải lao đao khi thị trường được đánh giá là dễ tính như Trung Quốc nâng cao và tăng cường các hàng rào kỹ thuật như một quy luật tất yếu của xu hướng phát triển thị trường.

Cụ thể, vào tháng 4/2021, khi thị trường truyền thống Trung Quốc thông báo về thời gian áp dụng Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" đã khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và xuất khẩu nông sản hoang mang. Thế nhưng, đây là một quy luật tất yếu và là xu thế của sự phát triển của nền kinh tế.

Những năm trước đây, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán và ngoài hoạt động xuất khẩu chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch. Thế nhưng, vài năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học.

Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặc dù là nước xuất khẩu hàng đầu khối ASEAN vào Trung Quốc nhưng đa phần trái cây Việt chỉ quanh quẩn các tỉnh thành giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc bằng con đường xuất khẩu biên mậu. Khi biên mậu tắc nghẽn do chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc thì trái cây Việt khốn đốn.

Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia hay Philippines hầu như không bị ảnh hưởng nhiều nhờ chủ yếu xuất chính ngạch. Thêm vào đó, Việt Nam hiện chỉ có 9 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, trong khi Thái Lan có 22 loại.

Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, việc xuất khẩu chính ngạch vào thi trường Trung Quốc khá khó khăn, khi xuất nhập khẩu tiểu ngạch luôn là hình thức được lựa chọn hàng đầu của thương nhân Trung Quốc bởi thuế suất thấp, thủ tục dễ dàng. Còn việc nông dân Việt Nam đáp ứng bất kể điều kiện gì để bán được hàng đã khiến thói quen kinh doanh tiểu ngạch ăn sâu.

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ không còn là một thị trường dễ tính như trước kia, hoạt động thương mại biên mậu theo đường tiểu ngạch sẽ trở về đúng bản chất của nó là “trao đổi cư dân biên giới”, nhằm mục đích cải thiện đời sống người dân khu vực biên giới.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn cũng như cách xử lý khác thì mọi việc sẽ đơn giản. Còn nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường với tầm nhìn của 10-20 năm trước thì sẽ mất đi một thị trường lớn.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi với luật chơi mới và bước đầu có những kết quả khả quan, chia sẻ tại  “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 20/11/2021, ông Trần Phương Minh, Giám đốc bộ phận Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thagri cho rằng, hiện nay, tiềm năng của thị trường của Việt Nam còn rất lớn. Mặc dù trong những năm gần đây vấn đề logistics gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng mức tăng trưởng hơn 15% vẫn là con số rất khả quan và hứa hẹn còn nhiều cơ hội cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Cũng theo ông Minh, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm… của các nước nhập khẩu, thậm chí là các thị trường khó tính như EU…

Còn theo bà Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp sinh thái Ecovi, xu hướng và nhu cầu của thị trường về nông sản sinh thái đang tăng cao, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Theo đó, đại diện Công ty Ecovi cho biết đơn vị sẵn sàng hỗ trợ nông dân và kết hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nông nghiệp sinh thái.

“Hiện nay, một số hộ nông dân trên Hòa Bình đang cùng Ecovi chuyển đổi 200ha cam sinh thái từ mô hình VietGAP và GlobalGAP. Tuy nhiên, việc chuyển đổi là không hề dễ và phải làm từng bước một”, bà Nguyễn Thị Lê Na chia sẻ.

Đồng tình với những ý kiến tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng.

“Tuy nhiên các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta vẫn còn yếu về khâu sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít. Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, tôi cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn và sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng phân tích.

Theo lãnh đạo Nutrimart, các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, bà Hằng cam kết Nutrimart sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm