| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa nông nghiệp không thể thiếu vai trò của tư nhân

Thứ Sáu 19/01/2024 , 06:30 (GMT+7)

Tập hợp các hộ nông dân nhỏ lẻ vào cuộc với khối tư nhân để đổi mới công nghệ là nhiệm vụ cần thiết, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất hiệu quả.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Cần thêm ngành công nghiệp hỗ trợ

Tháng 2/2021, Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực khoảng 35%, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 2,1% và cây công nghiệp lâu năm khoảng 14,5%, tăng tỷ trọng cây ăn quả lên 21%, rau quả lên 17%. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất canh tác sẽ đạt khoảng 120 triệu đồng.

Về chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và đàn bò. Đến năm 2025, sản lượng thịt thăn các loại đạt từ 5 - 5,5 triệu tấn, trong đó: Thịt lợn chiếm 63 - 65%, thịt gia cầm từ 26 - 28%, thịt bò nuôi cỏ chiếm từ 8 đến 10%; tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung ở công nghiệp khoảng 60% và 40%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 - 30%.

Để việc chuyển đổi này diễn ra một cách hiệu quả, bền vững, vai trò của cơ giới hóa, tự động hóa là vô cùng quan trọng, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.

Ông Tuấn nhìn nhận, cơ giới hóa đã được đề cao vai trò từ nhiều năm qua. Tháng 7/2022, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Tuy nhiên, do sự hạn chế về nền tảng công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ mà tỷ lệ cơ giới hóa trong một số lĩnh vực còn tương đối thấp so với kỳ vọng. 

"Đẩy mạnh cơ giới hóa, trong bối cảnh hạ tầng, kỹ thuật ở mức như hiện tại là nhiệm vụ không đơn giản. Việt Nam có lẽ nên học hỏi thêm kinh nghiệm từ một số quốc gia có kinh nghiệm trong vấn đề này, như Italia", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, quốc gia Nam Âu có lịch sự phát triển nông nghiệp lâu đời và đã đưa được rất nhiều máy móc, thiết bị vào quá trình canh tác. Nhiệm vụ của những người làm công tác nghiên cứu và quản lý là lựa chọn những giải pháp phù hợp, theo từng điều kiện và lĩnh vực để triển khai.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ khi đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ khi đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Là một viện nghiên cứu chuyên sâu về máy nông nghiệp, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch hy vọng Chính phủ sẽ kết nối và đạt được những thỏa thuận về hợp tác đầu tư với những quốc gia như Italia nhằm phát triển, chuyển giao nhiều hơn nữa hệ thống máy nông nghiệp tại Việt Nam.

Song song với đó, ông Tuấn kêu gọi thiết lập và xây dựng một hệ thống các máy móc thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là nền tảng để những nhà sản xuất trong nước đủ sức chế tạo ra những thiết bị phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam, đồng thời tiến tới chế tạo ra các sản phẩm "Made in Vietnam" trong tương lai.

Kêu gọi sự vào cuộc của khối tư nhân

Chia sẻ suy nghĩ về vai trò của cơ giới hóa trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và thực phẩm ở Việt Nam, ông Remi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng đây là một xu hướng tất yếu.

Tháng 1/2020, Chính phủ Việt Nam đã công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó hơn 1 năm, Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm ra đời.

Do đó, cơ giới hóa trong chuyển đổi nông nghiệp và thực phẩm đang trở thành nền tảng thiết yếu để đưa nền nông nghiệp tới con đường phát triển bền vững, xanh hóa và có trách nhiệm.

Bắt đầu câu chuyện với cuộc cách mạng nông nghiệp ở Anh từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, cơ giới hóa đã thể hiện vai trò then chốt trong việc tăng năng suất. Cuộc Cách mạng Xanh tại Ấn Độ đầu những năm 1960 và sau đó là cuộc cách mạng về giống và năng suất lúa ở Việt Nam cuối những năm 1980 đã một lần nữa chứng tỏ cơ giới hóa là chìa khóa giúp tăng năng suất nông nghiệp.

“Như vậy, trong suốt lịch sử loài người, cơ giới hóa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp - thực phẩm. Trong bối cảnh chuyển đổi hệ thống thực phẩm đang diễn ra ở Việt Nam, tôi thực sự tin tưởng rằng cơ giới hóa sẽ lại đóng một vai trò quan trọng hơn thế”, ông Remi bày tỏ.

Công nghệ tưới nhỏ giọt được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam quan tâm. Ảnh: WB.

Công nghệ tưới nhỏ giọt được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam quan tâm. Ảnh: WB.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp đóng góp khoảng 20% tổng lượng khí thải. Như vậy, để đáp ứng cam kết của Chính phủ Việt Nam về trung hòa các bon vào năm 2050 tại COP26, điều quan trọng hiện nay là cần áp dụng những cải tiến mới, công nghệ mới, để giảm lượng phát thải khí nhà kính. Sự “thẩm thấu” của công nghệ được gói gọn trong quá trình cơ giới hóa xanh.

Những chính sách mới cũng là động lực, là yếu tố tác động cần thiết giúp đẩy nhanh quá trình này. Ông Remi cho rằng việc thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm là một bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp trong những năm tới. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần thực sự xác định những mục tiêu cần hướng đến và đạt được.

Tiếp đến là sự tham gia của khu vực tư nhân. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào nhiệm vụ cơ giới hóa rất quan trọng vì “khi họ vào việc cùng nông dân, họ có thể biết chính xác nông dân cần gì, sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và nông dân sẽ giúp những thiết kế các cải tiến như công cụ, cảm biến, thu thập dữ liệu… đi vào thực tiễn nhanh chóng và hiệu quả”.

Đại diện FAO cho rằng, trong mối quan hệ tương tác này, nông dân đóng vai trò mục tiêu vì nền nông nghiệp - thực phẩm có thực sự phát triển hay không đều do nông dân, vì nông dân - những người sản xuất thực phẩm chính.

Từ 3 yếu tố chính xoay quanh sự cần thiết của cơ giới hóa trong nông nghiệp, thực phẩm, ông Remi đưa ra các đề xuất tương ứng đẩy nhanh quá trình.

Lãnh đạo FAO Việt Nam tin rằng cần có chính sách rõ ràng, và tin tưởng Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm đang là một cơ sở tốt. Bên cạnh đó, việc tập hợp các hộ nông dân nhỏ lẻ cùng vào cuộc với khu vực tư nhân để đổi mới công nghệ phù hợp sẽ là nhiệm vụ cần thiết, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất một cách hiệu quả.

Cuối cùng, ông Remi nhận xét, mọi sự đổi mới luôn phải đảm bảo rằng, người nông dân nhận ra những giá trị của công nghệ, cơ giới đã tác động thế nào trong việc giảm lượng khí thải các bon trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Mark Walton, CEO của Green Light đánh giá, người nông dân Việt Nam đã có nhiều biện pháp để ứng phó với sự khan hiếm nguồn nước như chuyển từ cây trồng truyền thống sang cây trồng có giá trị cao, yêu cầu ít nước hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn; đầu tư vào các hệ thống tưới tiên tiến hơn như tưới nhỏ giọt và tưới bằng phun.

"Nông dân Việt Nam đang nhận thức khá rõ rệt vấn đề hiệu quả hóa và tối ưu hóa hệ thống tưới, giúp tăng khả năng cạnh tranh về chi phí sản xuất. Đó là cơ sở để Green Light giới thiệu, tiếp thị và bán ngày một nhiều hơn những công nghệ thông minh", ông nói. 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.