| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS

Xây đường cao tốc, hội nhập kinh tế thế giới

Thứ Hai 14/02/2022 , 10:16 (GMT+7)

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đánh giá Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như những con đường cao tốc mà doanh nghiệp cần tận dụng.

Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 FTA sau gần 15 năm gia nhập WTO.

Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 FTA sau gần 15 năm gia nhập WTO.

Hội nhập sâu hơn với thế giới

Sau gần 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt gần đây là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Các cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP được đánh giá là có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao đối với Việt Nam. Việc các Hiệp định có hiệu lực và bắt đầu đi vào thực thi sẽ có tác động mạnh đến việc tổ chức thực hiện và áp dụng các quy định về SPS.

"FTA thế hệ mới giống như những con đường cao tốc mà doanh nghiệp Việt Nam giờ mới được đặt chân. Vấn đề là chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, cũng như tâm thế để di chuyển với tốc độ tối đa trên đó", TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam ví von.

Một trong những điểm chính mà doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác từ các FTA thế hệ mới, theo Văn phòng SPS Việt Nam, là những cam kết về cắt, giảm, miễn thuế. Tuy nhiên, việc các đối tác cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam đồng nghĩa với các yêu cầu về kỹ thuật về SPS ngày càng cao, và đòi hỏi hệ thống quản lý phải đồng bộ. 

Hiện nay, việc tổ chức triển khai các quy định SPS đến các cơ quan quản lý trong mạng lưới SPS, hiệp hội ngành hàng, các đối tượng sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm còn hạn chế do hệ thống tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, nguồn nhân lực hạn chế, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe về kỹ thuật của các biện pháp SPS mà các nước đối tác áp dụng.

"Cần có định hướng, kế hoạch tăng cường tổ chức, năng lực kỹ thuật và triển khai các hoạt động trong toàn bộ hệ thống mạng lưới các cơ quan quản lý về SPS của Việt Nam", TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Ngoài việc hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới, ông Nam coi đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ các FTA” là cơ sở để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hóa và phối hợp thực thi các qui định luật pháp trong lĩnh vực SPS; đồng thời tận dụng cơ hội hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực về SPS từ các đối tác thương mại.

"Theo xu hướng chung của thế giới, những quy định, yêu cầu của các thị trường ngày càng nâng cao. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần có phương án thích ứng, cũng như thay đổi dần nhận thức và tập quán canh tác để nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội nói.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Với chức năng là cơ quan đầu mối minh bạch các quy định của thành viên WTO, Văn phòng SPS Việt Nam cam kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền tại Việt Nam là: Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).

Vào cuộc đồng bộ

Thế giới hiện có 5 nhóm thị trường xuất khẩu chính. Một là nhóm các nước thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Hai là Trung Quốc và các vùng lãnh thổ trực thuộc. Ba là nhóm các nước thuộc Liên minh Châu Âu gồm 27 nước và Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), 5 nước Bắc Âu và UKVFTA. Bốn là nhóm các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Argentina và Chile, Mexico. Năm là nhóm các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (Hiệp định EAEU) gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan.

Mỗi nhóm thị trường lại có một đặc điểm, yêu cầu riêng về năng lực thực thi SPS. Tại Việt Nam, quản lý an toàn thực phẩm và và an toàn dịch bệnh động, thực vật được giao cho 3 Bộ quản lý là Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo và chưa tương đồng giữa các nhóm ngành hàng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được rà soát toàn diện và chậm cập nhật so với tình hình quốc tế, nhiều tiêu chuẩn chưa hài hòa với quy định quốc tế (CODEX, JECFA).

"Các văn bản hiện tập trung nhiều vào quản lý của nhà nước về an toàn thực phẩm. Sự tham gia của các thể chế thị trường và xã hội dân sự vào cùng quản lý với nhà nước để đạt hiệu quả cao hơn còn hạn chế", TS Ngô Xuân Nam nhận xét.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS, ông Nam cho rằng yêu cầu trong các FTA thế hệ mới liên quan tới quản lý của nhiều tổ chức. Do đó cần sự chung tay của toàn xã hội, các cấp, ngành hàng để nâng cao chất lượng chung của nông, lâm, thủy sản. Đây là yếu tố quan trọng, bên cạnh việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến doanh nghiệp và những người trực tiếp sản xuất.

"Nếu đã xác định tham gia vào sân chơi quốc tế, chúng ta phải nắm rõ thông tin, đẩy mạnh liên kết theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đây không thể là trách nhiệm của riêng bất cứ ngành nào”, ông Nam khẳng định.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (từ tháng 8 - 12/2020), Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 3,8%. 7 tháng kế tiếp, mức tăng trưởng lên tới 17,8%. Với UKVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt tăng trưởng 15,4% trong năm 2021.

Với CPTPP, 2 thị trường lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA là Mexico, Canada cũng có tăng trưởng trên 2 con số. Với RCEP, Việt Nam nằm trong khối ASEAN, sẽ được 5 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khuyên doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin các FTA vì chỉ có thông qua việc nắm vững cam kết doanh nghiệp mới có thể tận dụng các cam kết này một cách hiệu quả, tiến tới nâng cao tỷ lệ sử dụng ưu đãi.

"Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, đặc biệt là quy định về mẫu mã hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hướng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng hiệu quả vốn, chuyển giao công nghệ để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và toàn cầu", bà Mai chia sẻ.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.