Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, từ năm 2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định phê duyệt “Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương thực hiện nhiệm vụ “Phát triển ứng dụng quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (IPM/IPHM) và biện pháp sinh học phòng chống sinh vật gây hại cây trồng” năm 2024.
Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung được Cục Bảo vệ thực vật giao nhiệm vụ tổ chức một lớp tập huấn nâng cao cho các giảng viên TOT - IPM lên TOT - IPHM” tại Đắk Lắk.
Tham gia lớp tập huấn, các giảng viên TOT - IPM sẽ được bổ sung các kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp để các giảng viên này có đủ kiến thức, điều kiện giảng dạy các lớp TOT - IPHM, qua đó tạo nguồn giảng viên IPHM cho các tỉnh để đào tạo, tổ chức các lớp TOT - IPHM cấp tỉnh và huấn luyện nông dân (FFS) về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tại địa phương.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, hiện độ bao phủ chương trình IPHM còn hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư. Số lượng giảng viên IPHM được đào tạo trong những năm qua trên cả nước tăng đáng kể, tuy nhiên số lượng giảng viên ở từng địa phương lại có sự chênh lệch.
Vì vậy, lớp học với sự tham gia của 30 học viên và sự đồng hành của 5 giảng viên TOT - IPHM quốc gia sẽ góp phần đẩy mạnh chương trình IPHM tại các địa phương.
Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho biết, từ năm 2020, các diễn đàn khoa học thế giới với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế đã họp bàn về chủ đề một sức khỏe.
Theo ông Tuấn, đây là giải pháp tiếp cận tổng hợp các mối quan hệ cơ bản giữa sức khỏe con người - sức khỏe động, thực vật - sức khỏe môi trường. Trong quá trình thảo luận, ý kiến của nhiều quốc gia phát triển cho rằng cần phải quan tâm đến sức khỏe cây trồng.
“Cây trồng là nguồn cung cấp sản phẩm cho con người và dùng làm thức ăn cho chăn nuôi cũng như có nhiều giá trị, lợi ích khác. Nếu cây trồng không khỏe, sản phẩm không an toàn thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (viết tắt là IPHM) trên cơ sở kế thừa chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ở Việt Nam. Năm 2024, Trung tâm được Cục Bảo vệ thực vật giao nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn đào tạo giảng viên IPHM và các lớp huấn luyện nông dân (FFS) trên cây sầu riêng tại một số tỉnh Tây Nguyên”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn mong muốn các học viên tiếp thu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn khi học tập và trải nghiệm tại lớp tập huấn cũng như kết hợp các kỹ năng hoạt động theo nhóm; kỹ năng hướng dẫn lớp học hiện trường (FFS); kỹ năng truyền thông, tuyên truyền; phương pháp đào tạo phi chính quy đối với người lớn tuổi; tuyên truyền phổ biến kiến thức…
“Hiện nay, quản lý sức khỏe cây trồng được quy định tiêu chí trong đánh giá nông thôn mới. Với quy định này, thời gian tới việc phát triển giảng viên TOT - IPHM rất cần thiết. Kết thúc lớp học, những giảng viên TOT - IPHM sẽ đủ điều kiện làm giảng viên các lớp đào tạo cấp tỉnh, huấn luyện, hướng dẫn viên cộng đồng hoặc huấn luyện nông dân về IPHM”, ông Tuấn nói thêm.