| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa cùng các tỉnh bàn hướng thúc đẩy quản lý sức khoẻ cây trồng

Thứ Bảy 21/09/2024 , 09:47 (GMT+7)

Ngành bảo vệ thực vật Khánh Hòa cùng các Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận, TP.HCM tổ chức hội nghị bàn hướng thúc đẩy chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Phấn đấu trên 80% diện tích ứng dụng IPHM

Tại hội nghị hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm giữa Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa với Chi cục Trồng trọt và BVTV Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận và TP.HCM năm 2024 do Sở NN-PTNT Khánh Hòa tổ chức ngày 20/9, Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa đã có tham luận về chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hòa là địa phương có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển cây ăn quả như xoài, bưởi, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, chuối và các cây hàng năm như lúa, ngô, tỏi, mía tím, mía nguyên liệu. Hàng năm, diện tích trồng trọt của tỉnh hơn 91.000ha.

Khánh Hòa phấn đấu trên trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả được áp dụng IPHM. Ảnh: KS.

Khánh Hòa phấn đấu trên trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả được áp dụng IPHM. Ảnh: KS.

Thực hiện Quyết định số 3592 ngày 23/9/2022 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên các cây trồng chính và cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 theo Quyết định số 1530 ngày 04/7/2023.

Cụ thể mục tiêu đến năm 2030, trên 70% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Có ít nhất 5 giảng viên IPHM cấp quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

Tỉnh phấn đấu có trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả được ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh tái cơ cấu nông nghiệp ứng dụng IPHM, qua đó giảm 30% lượng thuốc BVTV và 30% lượng phân bón hoá học. Đồng thời trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV đúng quy định.

Nhiều mô hình cho hiệu quả rõ rệt

Trên cơ sở kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành, hàng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện chương trình IPHM tại các địa phương.

Nông dân được tập huấn mô hình IPHM trên cây xoài. Ảnh: KS.

Nông dân được tập huấn mô hình IPHM trên cây xoài. Ảnh: KS.

Năm 2024, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh triển khai thực hiện 5 mô hình trình diễn IPHM trên các cây trồng chủ lực gồm sầu riêng, xoài, bưởi da xanh, tỏi, lúa.

Kết quả, mô hình áp dụng IPHM trên cây xoài triển khai ở xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm cho lợi nhuận cao hơn 15 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Hơn nữa, số lần phun thuốc BVTV chỉ còn 5 lần/vụ, trong khi canh tác truyền thống của nông dân là 8 - 10 lần/vụ.

Mô hình ứng dụng IPHM trên cây xoài cho lợi nhuận cao là do nông dân sử dụng các biện pháp tự nhiên và sinh học, giúp giảm chi phí thuốc BVTV. Việc bón phân cân đối và hợp lý cũng giúp nông dân sử dụng phân bón một cách tiết kiệm hơn. Ngoài ra, việc kiểm soát sinh vật gây hại hiệu quả giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng một diện tích canh tác và mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, thông qua mô hình trình diễn đã giúp nông dân biết cách điều tra, phân tích hệ sinh thái  định kỳ (tối thiểu 1 tuần/lần) để có biện pháp tác động nhằm quản lý dịch hại; bón phân cân đối và hợp lý để tăng cường sức khỏe cây trồng. Đồng thời, tăng cường bón phân hữu cơ nhằm cải thiện sức khỏe đất. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học nhằm bảo vệ thiên địch và môi trường sinh thái.

Nông dân được 'cầm tay chỉ việc' thực hiện mô hình IPHM trên cây sầu riêng. Ảnh: KS.

Nông dân được "cầm tay chỉ việc" thực hiện mô hình IPHM trên cây sầu riêng. Ảnh: KS.

Mô hình áp dụng IPHM trên cây sầu riêng triển khai tại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn cũng cho lợi nhuận cao hơn 28 triệu đồng/ha so với vườn không ứng dụng. Trong khi năng suất vườn mô hình tương đương với vườn không ứng dụng IPHM.

Hơn nữa, vườn mô hình đã sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng". Nông dân chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết nhằm giúp cây sầu riêng phát triển theo hướng an toàn mà vẫn đảm bảo năng suất, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, nông dân cũng được hướng dẫn kiểm tra sức khỏe đất, tính chất vật lý, sinh học và hóa học để có biện pháp tác động nhằm tăng cường sức khỏe đất.

Đối với mô hình áp dụng IPHM trên cây lúa triển khai trình diễn tại xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa đã đưa ra quy trình để nông dân thực hiện trồng và chăm sóc cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng. Trong đó, sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống sạ (áp dụng 140kg giống/ha thay vì 160 - 180kg giống như trước đây). Đồng thời hướng dẫn nông dân bón phân cân đối và hợp lý để hạn chế đổ ngã. Áp dụng tưới nước ngập - khô xen kẽ theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Nhiều lợi ích mang lại khi nông dân áp dụng PHM trên cây lúa. Ảnh: KS.

Nhiều lợi ích mang lại khi nông dân áp dụng PHM trên cây lúa. Ảnh: KS.

Việc quản lý sâu bệnh được vận dụng linh hoạt các biện pháp phòng trị khác nhau như: Hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trước 40 ngày sau gieo sạ, trồng hoa ở bờ ruộng để thu hút thiên địch; giảm sử dụng các thuốc trừ sâu độc hại với thiên địch nhằm bảo đảm an toàn sinh thái và môi trường theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững... Nông dân còn được hướng dẫn biện pháp tác động nhằm tăng cường sức khỏe đất và sức khỏe cây trồng.

Kết quả, mô hình thực hiện theo IPHM trên cây lúa cho lợi nhuận cao hơn 1,4 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống.

Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa cho biết, Chi cục sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp tập huấn ứng dụng IPHM trong những năm tiếp theo để nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh được tham gia, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kĩ thuật. Từ đó, nông dân cùng nhau ứng dụng rộng rãi vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Nuôi gà Ai Cập lấy trứng theo hướng an toàn sinh học

AN GIANG Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập lấy trứng thương phẩm, nhân giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn sinh học đã mở ra hướng mới cho người chăn nuôi.

Hơn 90% nhà yến chưa có có sở pháp lý

Đại đa số nhà yến chưa có cơ sở pháp lý đang ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung tổ yến nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Mô phỏng là công cụ độc đáo để trải nghiệm thực hành ảo

Vĩnh Long Mô phỏng là một trong những công cụ độc đáo hiện nay để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập các khái niệm khoa học phức tạp thông qua trải nghiệm thực hành ảo.