Nhiệm kỳ bứt phá
Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; các đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành của Trung ương cùng 350 đại biểu đại diện cho trên 93.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tiến hành theo phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và với chủ đề là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.
Đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân của Thái Nguyên đạt 11,1%/năm. Khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng trưởng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành của cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với trên 90 dự án. Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350 doanh nghiệp.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 4,5%. Thu ngân sách tăng trưởng ở mức cao, đến năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13,1%/năm, vượt 4,1% chỉ tiêu Nghị quyết.
GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm; hàng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.
Toàn tỉnh hiện có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%; phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân tích cực hưởng ứng.
Chất lượng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp có những chuyển biến tích cực.
Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng tới mục tiêu lớn
Tại Đại hội này, chủ đề cốt lõi được đề ra là quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội xác định, Thái Nguyên phấn đấu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 7%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên...
Đây là những chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và vai trò của UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Phạm Bình Minh đề nghị Đại hội phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng của tỉnh, trên cơ sở đó thảo luận sâu sắc, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thiết thực, phù hợp, phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu: xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung để Đại hội thảo luận, xem xét. Đảng bộ cần nhận thức đúng về tình hình và bối cảnh chung, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế xã hội.
Cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, để thu hút thêm nguồn lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Phó Thủ tướng tướng lưu ý, cần xác định rõ Thái Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ của Thủ đô. Vì vậy, cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, bầu các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực vào Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới. Đồng thời sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu, xứng đáng cho ý chí và nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tham gia đóng góp vào thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.